Nỗi đau của đôi vợ chồng có 3 con bị nhiễm chất độc màu da cam

Thứ Hai, 03/10/2016 10:40  | Nguyễn Thắng

|

(CAO) Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình ông Phạm Phú Ba (55 tuổi, ngụ tổ 4, thôn Bình Tân, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vẫn chịu thương chịu khó nuôi nấng 3 đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam, nằm một chỗ.

Một ngày cuối tháng 9, men theo quốc lộc 14E, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Phạm Phú Ba. Hai bên đường dẫn vào nhà ông Ba phủ một màu cát trắng của làng chài ven biển, chỉ lưa thưa vài cây điều cằn cõi mọc giữa vùng đất khô. Nhiều người dân làng chài ven biển Bình Minh (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) đều xót thương cho hoàn cảnh của ông Ba hàng ngày phải góp nhặt từng đồng mang về nuôi ba đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam nằm một chỗ.

Đang nấu vội bữa cơm chiều, bà Lê Thị Cúc (54 tuổi, vợ của ông Ba) không ngớt những dòng nước mắt kể về chuyện của gia đình mình. Năm 1982, ông Ba nhập ngũ và làm nhiệm vụ bảo vệ tại sân bay Đà Nẵng, sau hai năm ông Ba trở về thì hai người kết duyên cùng nhau.

Qua một thời gian, niềm vui chớm nở khi bà Cúc mang thai đứa con đầu, từ đó cả gia đình ông Ba bắt đầu đặt niền hy vọng về gia đình và những đứa trẻ. Khi sinh đứa con đầu lòng Phạm Văn Tư (1988) ra đời, nhìn đứa trẻ kháu khỉnh cả gia đình ông Ba càng vững thêm niềm tin.

Ba đứa con của ông Phạm Phú Ba bị nhiễm chất chất màu da cam chỉ biết ngồi cười - Ảnh: Nguyễn Thắng

Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì Tư bắt đầu có những biểu hiện khác thường, chân tay teo lại; tầm nhìn bị hạn chế… biểu hiện giống hệt những người bị nhiễm chất độc màu da cam. Từ đó ông Ba và bà Cúc tiếp tục sinh thêm 2 người con trai là Phạm Văn Thương (1992) và Phạm Văn Triều (1998) nhưng cả 2 đều có triệu chứng giống hệt người anh đầu.

Ba lần sinh con là ba lần nuôi hy vọng, mong sao cho những đứa con của mình được lớn lên lành lặn như những đứa trẻ khác, thế nhưng niềm hy vọng ấy chưa bao giờ thực hiện được vì cả ba người con của bà Cúc phải nằm một chỗ.

“Đứa nào cũng vậy, khi sinh ra chưa đầy ba tháng thì có triệu chứng giống hệt nhau. Khi còn nhỏ chúng rất dễ nuôi, chứ khi lớn lên thì càng thêm vất vả. Khổ nhất là lúc cho ăn, hai đứa nhỏ thì có thể tự ăn được nhưng đứa lớn thì phải đút từng muỗng. Nhiều lúc trở trời, cả ba đứa nằm liệt một chỗ, phải nhờ đến những người hàng xóm giúp đỡ mới lo được cho chúng nó qua được cơn bệnh”- bà Cúc nói trong nước mắt.

Theo thời gian, ba đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam ngày một lớn, gia đình bà Cúc bắt đầu thiếu cái ăn. Khó khăn luôn bủa vây, bà Cúc phải chạy ngược xuôi, vay mượn khắp nơi mà không đủ số tiền lo cái ăn và thuốc than cho ba đứa con. Bà Cúc không ngại bất kỳ công việc gì, ở địa phương ai thuê gì làm nấy miễn có tiền lo cho ba đứa con sống qua ngày là bà Cúc chấp nhận.

Hôm chúng tôi đến, cũng là lúc ông Ba trở về sau chuyến đi biển hơn 20 ngày, vừa về đến nhà, ông Ba đặt vội chiếc ba lô xuống đất và thở dài trong mệt nhọc. Đôi mắt hằn sâu sau những đêm dài lênh đênh trên biển, phần vì thương vợ, con ở nhà nên ông Ba càng thêm tiều tụy. Ở nhà chưa được bao lâu, ông Ba đã xách chiếc cuốc ra vườn cuốc vội gần nửa sào đất để trồng thêm cây rau, cà chua cho mẹ con bà Cúc ở nhà có thêm cái ăn.

“Cứ tiếp tục tình trạng tin đồn, biển miền Trung chưa an toàn, chợ đầu mối Đà Nẵng mà thu mua cá tôm với giá thấp thì không biết lấy gì chi tiêu. Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, có thẻ bảo hiểm nên tiền thuốc than cho những đứa con bị đau ốm cũng được nhờ, mỗi tháng còn nhận được 500.000 đồng từ tiền hỗ trợ của ba con cũng góp phần có nguồn tiền lo thuốc men cho các con. Bây giờ còn sức còn nuôi được các con chứ khi già thì không biết làm sao”- ông Ba nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền (57 tuổi) một người hàng xóm của ông Ba cho biết: “Gia đình ông Phạm Phú Ba rất khó khăn do ba đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam phải nằm một chỗ. Ở đây mọi người luôn tạo điều kiện để giúp đỡ cũng như động viên gia đình ông Ba vượt qua khó khăn, tiếp tục cố gắng nuôi dưỡng ba đứa nhỏ”.

Mọi sự hỗ trợ, chia sẻ xin gửi về bà Lê Thị Cúc, tổ 4, thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Số điện thoại liên hệ: 01645349152.

Bình luận (0)

Lên đầu trang