Ủng hộ 10 tỷ đồng tôn tạo NTLS
Về xã Vĩnh Hiền (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) những ngày cuối tháng 7, chúng tôi ghi nhận không khí trang nghiêm, thành kính với nhiều hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày thương binh liệt sĩ. NTLS xã Vĩnh Hiền - nơi yên nghỉ của 153 liệt sĩ được chăm sóc vẹn toàn, chu đáo. Hiếm có NTLS cấp xã nào mà ấn tượng với nhiều hạng mục công trình kỳ công, đẹp như vậy.
Chị Lê Bảo Văn Từ Hân tại lễ khánh thành công trình nâng cấp, tôn tạo NTLS xã Vĩnh Hiền (huyện Vĩnh Linh)
Ông Nguyễn Văn Tài - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiền phấn khởi cho biết: “Có được NTLS khang trang là nhờ vào tài năng, công sức và tâm huyết của chị Lê Bảo Văn Từ Hân (SN 1965, trú khu phố 7, P.3, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Tôi được biết đây là NTLS cấp xã khang trang nhất nước”.
NTLS xã Vĩnh Hiền vốn được nhà nước đầu tư xây dựng. Tuy nhiên trải qua thời gian và thời tiết khắc nghiệt, công trình xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2013, chị Từ Hân đưa hài cốt của cha là liệt sĩ về an táng ở đây thì thấy cảnh tượng tan hoang nên muốn làm điều gì đó.
Chị đem tâm tư của mình trình bày với ông Lê Văn Việt – nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiền và được ông Việt đồng ý, trình lên UBND huyện và các cơ quan chức năng. Năm 2014, xã Vĩnh Hiền kêu gọi đóng góp tôn tạo NTLS và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của bà con địa phương cùng với những người con xa quê với số tiền khoảng hơn 100 triệu đồng.
Về phần mình, chị Từ Hân tài trợ hơn 10 tỷ đồng để thực hiện trọn vẹn dự án với các hạng mục nâng cấp xây đài tưởng niệm, nâng sân, nền, lát gạch, ốp đá hoa cương lên toàn bộ 153 phần mộ liệt sĩ, đổ sàn bê-tông làm mái che cho toàn bộ khu vực có mộ liệt sĩ, hoa sen, trồng cây xanh, trang trí cây cảnh trong khuôn viên nghĩa trang... Suốt 2 năm, chị Hân còn thường xuyên đến công trình đốc thúc việc thi công. Cán bộ, nhân dân địa phương hết sức cảm phục cùng chung tay với chị để hoàn thành công trình.
Chị Hân trao quà mừng thọ cho các cụ già
Ngày 26-7-2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Hiền tổ chức khánh thành công trình vào đúng dịp lễ Kỷ niệm 69 năm Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Công trình vừa là nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, vừa là nơi đáng để du lịch tâm linh, tham quan. Chị Hân bày tỏ niềm vui khi vinh dự được đồng hành cùng chính quyền, bà con thực hiện công trình tri ân đến các anh hùng liệt sĩ.
Đây không chỉ là tình cảm dành cho cha mình mà cho tất cả các anh hùng đã yên nghỉ trên mảnh đất Vĩnh Hiền. Hiện chị đang đầu tư, xây lầu chuông và dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp 22-12 năm nay. Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thành giai đoạn 2 nâng cấp, tôn tạo hoàn chỉnh NTLS và cố gắng hoàn thành vào đúng dịp 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).
Tấm lòng vàng của con liệt sĩ
Điều ai cũng quan tâm là chị Hân lấy đâu ra số tiền cá nhân khổng lồ là hơn 10 tỷ đồng để thực hiện công trình. Để có số tiền ấy, phải kể đến quá trình sinh ra, lớn lên và trưởng thành của chị Hân. Sinh ra tại Vĩnh Hiền vào năm 1965, thời điểm đánh dấu bước leo thang quân sự của đế quốc Mỹ tại Vĩnh Linh, tuyến đầu miền Bắc chìm trong lửa đạn.
Cha chị Hân là Lê Thủy (SN 1923) là cán bộ Công an Đặc khu Vĩnh Linh (cũ) cùng đơn vị bám đất, bám dân kiên cường chiến đấu. Cuối năm 1965, ông bị thương và được điều động công tác làm cán bộ chính quyền tại xã Vĩnh Hiền. Năm 1966, Vĩnh Linh bị đánh phá ác liệt, bắt đầu chiến dịch K8, sơ tán dân khỏi vùng chiến sự ác liệt.
Cán bộ, nhân dân dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại NTLS xã Vĩnh Hiền
Có 3 vạn em nhỏ từ 5 đến 15 tuổi vùng chiến sự Quảng Trị, Quảng Bình được sơ tán ra các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh. Cuộc sơ tán kéo dài trong 1 năm là những hành trình đầy gian khổ và chịu nhiều thương vong. Và cha chị Hân là trưởng đoàn của trẻ em Đặc khu Vĩnh Linh. Lúc này, chị Hân chỉ mới có 2 tuổi.
Ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Lê Thủy hy sinh tại Quảng Bình và sau này được tôn vinh liệt sĩ. Mẹ là Phạm Thị Gái (SN 1931) cũng đi dân công hỏa tuyến nên từ nhỏ chị Hân sống với bà ngoại.
Cuộc đời của chị Hân từ nhỏ vốn cơ cực với nhiều khó khăn, gặp cảnh chia ly cách trở do cha mẹ ở chiến trường. Chị phải sống trong trường mồ côi rồi lớn lên làm đủ nghề để mưu sinh. Sau này, chị may mắn được một số người cưu mang nên cuộc sống có phần ổn định.
Chị tự học nghề thiết kế, trang trí nội thất theo quan niệm phong thủy rồi ra làm nghề. Chị thường hợp tác với các công ty chuyên thiết kế xây dựng, nội thất rồi thực hiện các công trình dự án. Chị được đánh giá là tài năng và làm việc hơn người nên rất thành công.
Khi đã thành đạt và sống ở xa nhưng trong lòng chị luôn hướng về cha mẹ, về quê hương. Năm 2013, chị về quê nhà, đưa hài cốt của cha đến NTLS Vĩnh Hiền an táng và năm sau thì ủng hộ hơn 10 tỷ đồng để nâng cấp, tôn tạo nghĩa trang.
Chị Hân dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trong ngày 27-7-2016
Cả Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tài và hầu hết người dân Vĩnh Hiền đều nhắc đến chị Hân bằng sự tin yêu, khâm phục và biết ơn không chỉ ở sự hỗ trợ xây dựng NTLS mà còn ủng hộ, hỗ trợ nhiều cho người dân địa phương.
Hàng năm, chị ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động từ thiện: tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách; hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng những người có công với cách mạng, người cao tuổi, người neo đơn không nơi nương tựa; phối hợp với các bệnh viện, các y bác sĩ tổ chức mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo.
Trò chuyện với chúng tôi, điện thoại chị ríu rít người hỏi, trao đổi thông tin về chuyến từ thiện hỗ trợ xây 3 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo ở miền Bắc… Đặc biệt, thời gian qua, chị tự mình nuôi dưỡng, chăm sóc hàng chục trẻ mồ côi, nuôi ăn học đến ngày thành đạt, xây dựng gia đình.
Chị chia sẻ: “Mình làm việc nghĩa thì có sao làm vậy, không phô trương, không hô hào mà âm thầm làm bằng tất cả tài lực, tâm huyết của mình để mong chia sẻ với sự khó khăn, bất hạnh của những người khác”.