(CAO) 20 năm sống chung với căn bệnh hiểm nghèo chưa bao giờ cô Lê Thị Hồng (SN 1977, giáo viên dạy toán trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar Tỉnh Đak Lak) dám mơ ước về một mái ấm gia đình...
Nhưng hạnh phúc đã mỉm cười và giúp cho cô tìm được bến bờ bình yên của mình giống như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Vậy mà, một lần nữa hạnh phúc lại như chiếc lá chòng chành giữa dòng nước để thử thách nghị lực của cô giáo nơi miền sơn cước.
Số phận nghiệt ngã
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ là nông dân ở miền quê nghèo Bình Trị Thiên (nay là Thừa Thiên Huế), từ nhỏ cuộc sống của nữ sinh Lê Thị Hồng đã trải qua nhiều lam lũ nhưng ước ao trở thành cô giáo luôn cháy bỏng trong cô.
Hễ rảnh rỗi là cô lại mang tập vở ra rồi gọi các em nhỏ quanh xóm cùng nhau ê a đánh vần, luyện chữ. Ước mơ lớn nhất của cô chính là được trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng dạy các em thơ với tà áo dài thướt tha dịu dàng.
Cuộc sống làm nông ở miền quê nghèo cát trắng không đủ nuôi 8 đứa con đang tuổi ăn học nên năm 1986 bố mẹ cô quyết định đưa cả gia đình vào định cư tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Cuộc sống trên miền quê mới dần dần ổn định thì bất ngờ năm 1996 khi đang học lớp 11, Cô Hồng gặp một trận sốt cao toàn thân đau đớn mệt mỏi cô nhanh chóng được gia đình đưa vào bệnh viện để khám bệnh, tại đây bác sỹ chẩn đoán cô bị mắc bệnh ung thư xương.
Một số tế bào đã bắt đầu di căn để giữ tính mạng buộc phải cưa mất một chân, cô Hồng gần như suy sụp hoàn toàn. Từ một cô gái hoạt bát vui tươi, sau biến cố quá lớn cô Hồng gần như rút vào chiếc vỏ bọc cô đơn của chính mình.
Những tưởng giấc mơ về tương lai là một cô giáo gần như đóng chặt trước mắt đối với nữ sinh vừa bước qua tuổi trăng tròn.
Tuy nhiên mỗi lần nhìn thấy những đứa trẻ con thập thò trước ngõ chờ “cô giáo” khỏe lại để tiếp tục dạy học cho chúng đã như tiếp thêm sức mạnh nghị lực cho cô Hồng, bỏ lại những ngày tháng buồn bã thất vọng và bi quan. Cô quyết định đăng ký dự thi vào khoa sự phạm toán, trường Đại học Sư phạm Tây Nguyên để tiếp tục hoàn thành giấc mơ tưởng chừng đã dang dở của mình.
Sau khi tốt nghiệp, cô Hồng được phân công về dạy tại trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Krông Pắc, tỉnh Đak Lak. Những năm công tác tại đây cô đã nhận được nhiều giấy khen giáo viên giỏi trong công tác giảng dạy của Phòng giáo dục và Ủy ban nhân dân huyện này.
Cô Hồng luôn tận tụy với học sinh suốt nhiều năm liền
Đến năm 2008 cô được phân công về giảng dạy tại trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar, cùng tỉnh. Mỗi ngày vượt chặng đường hơn 20 cây số trên chiếc chân giả là một hành trình vô cùng khó khăn đối với cô Hồng, những ngày mưa gió trở trời căn bệnh tái phát hành hạ, khiến cô giáo ứa nước mắt vì đau đớn.
Nhưng nghĩ đến các em học sinh thân thương đang trông chờ mình, cô lại cố gắng để tiếp tục hành trình trên con đường đầy chông gai mà lại vô cùng hạnh phúc bởi bản thân cô đã lựa chọn.
Tình yêu đẹp vượt lên nghịch cảnh
Từ nhà đến trường khá xa đi lại khó khăn nên phương tiện cô Hồng lựa chọn để gắn bó chính là những chuyến xe buýt ngang qua khu vực thành phố, chính từ những chuyến xe định mệnh này đã giúp cho cô Hồng gặp được người đàn ông của cuộc đời mình, anh Trần Văn Tịnh (SN 1974), là thanh tra kiểm soát vé xe buýt.
Mỗi lần chứng kiến cảnh cô giáo vất vả khi di chuyển lên xuống anh Tịnh lại thấy xót xa rồi cảm mến lúc nào không hay, qua tìm hiểu anh càng thấy thương và đồng cảm cho hoàn cảnh bất hạnh của cô, nhưng khi anh ngỏ lời cầu hôn thì cô Hồng dứt khoát từ chối bởi ngay từ khi phát hiện bản thân mang trong mình căn bệnh chết người cô giáo đã tự khép chặt trái tim của mình bởi nỗi sợ hãi sẽ đem lại gánh nặng cho người khác.
Tuy nhiên, bằng chính tấm chân tình của mình anh Tịnh đã dần lay động được tình cảm của cô Hồng để rồi năm 2012 họ đã chính thức nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của bạn bè đồng nghiệp và người thân.
Hạnh phúc dường như đã mỉm cười đối với cô giáo có nghị lực sống vượt lên chính mình. Nhưng một lần nữa khó khăn, thử thách lại ập đến con thuyền tình yêu đang êm đẹp của họ.
Đầu năm 2015 bất ngờ cảm thấy sức khỏe có dấu hiệu suy giảm cô Hồng vào bệnh viện tái khám thì mới biết căn bệnh ung thư đã bắt đầu di căn lên phổi và vòm họng, mặc dù đã sống chung với bệnh tật gần 20 năm qua nhưng không hiểu sao lần này cô Hồng cảm giác sự sợ hãi lớn hơn bao giờ hết, đúng như những gì bản thân cảm nhận bác sỹ cho biết căn bệnh của cô khả năng chữa trị gần như không còn nữa.
Hai vợ chồng cô Hồng luôn hạnh phúc dù bệnh tật, khó khăn
Dù rất đau đớn nhưng hai vợ chồng cô vẫn rất lạc quan, họ chuyển sang chữa trị bằng thuốc nam mong có một phép màu nào đó sẽ xảy ra, từ khi vợ phát bệnh nặng anh Tịnh chấp nhận xin nghỉ việc để dành nhiều thời gian chăm sóc động viên và an ủi vợ đây cũng chính là động lực lớn lao giúp cô Hồng có thêm ý chí và nghị lực để tiếp tục cố gắng chữa trị.
Bởi bên cạnh những học sinh vô cùng thân yêu, còn có trường lớp, đồng nghiệp luôn đồng hành cùng cô trong bao năm qua. Đó là chưa kể đến người bạn đời dám hi sinh tất cả để sát cánh bên cô trong những ngày chống chọi lại bệnh tật. Tất cả những điều đó tạo thành nguồn sức mạnh tinh thần xoa dịu những nỗi đau đớn mà cô đang phải gánh chịu.
Mặc dù biết rõ căn bệnh không còn hi vọng chữa khỏi nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân cô Hồng vẫn mong có cơ hội được kéo dài thêm sự sống để tiếp tục được đứng trên bục giảng và trở thành một người vợ hiền được tận tay chuẩn bị những bữa cơm ngon cho chồng mình, mong sao điều kì diệu sẽ đến với cô giáo có tâm hồn lạc quan...
Nhận xét về đồng nghiệp cô Nguyễn Thị Tây Thi (Phó Hiệu trưởng trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar ) cho biết: “Hoàn cảnh khó khăn của cô Hồng tất cả mọi người ở trường đều biết và rất đồng cảm. Dù bệnh tật nhưng cô Hồng luôn hoàn thành tốt công tác chuyên môn, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý mến. Nhà trường cũng hết sức giúp đỡ, đã nhiều đợt tổ chức vận động giáo viên và học sinh quyên góp hỗ trợ, mong cho cô sớm qua được bệnh hiểm nghèo”. |