(CAO) Cứ vào mỗi dịp 30/4 hàng năm, ký ức ngày giải phóng 30/4/1975 lại ùa về với Đại tá An ninh nhân dân Trần Văn Tấn. 50 năm trước, người chiến sĩ trẻ Trần Văn Tấn cùng đồng đội tiến về tiếp quản thành phố Sài Gòn của chế độ cũ. Những dấu chân dép cao su lấm lem bùn đất của các chiến sĩ quân giải phóng và bộ đội chủ lực đã tạo cảm xúc để ông sáng tác ca khúc “Dấu chân người lính”, khắc họa chân thật nhất hình ảnh thần tốc của quân và dân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Trần Văn Tấn, SN 1950, tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Những năm 1960, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Năm 16 tuổi, Trần Văn Tấn xung phong đi bộ đội, nhưng do chưa đủ tuổi nên ông phải khai tăng thêm 2 tuổi.

Ông Trần Văn Tấn (bên trái) và đồng đội (chụp năm 1975)
Sau khi chính thức trở thành quân nhân, ông Tấn được cấp trên cử đi học tập tại Trường Công an Việt Bắc, nơi đào tạo trinh sát cho an ninh chiến trường miền Nam. Sau đó, ông được điều về Trường Công an Trung ương đóng tại Hà Đông (Hà Nội) để tiếp tục học ngoại ngữ, nghiệp vụ thêm 3 năm. Năm 1974, Trần Văn Tấn xung phong đi B, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 30/4/1975, cùng với các cánh quân của bộ đội chủ lực, Trần Văn Tấn và đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của chính quyền Sài Gòn.
Thời khắc chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng thép của Dinh Độc Lập, hùng dũng tiến vào cơ quan đầu não cuối cùng của địch, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Sài Gòn.
Từ các bậc cầu thang bước vào sảnh nội các chế độ ngụy quyền, đôi dép cao su của các anh đã để lại dấu bùn đất trên tấm thảm nhung trải giữa sảnh lớn, khiến mọi người chợt rưng rưng xúc động bật khóc không thành tiếng, chỉ có những giọt nước mắt nơi khóe mắt.
Đất nước đã thật sự thống nhất, non sông đã liền một dải. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc mãi khắc ghi dấu chân của các chiến sĩ, nên trong tâm trí ông nảy sinh những dòng thơ ghi dấu về những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ông Trần Văn Tấn tại Dinh Độc Lập, năm 1975
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được điều về công tác tại Bộ Công an và đi học tiếp đại học, chuyên ngành Ngữ văn. Tốt nghiệp đại học, ông được phân công về công tác ở Phòng Khoa học, kiêm biên tập viên Tạp chí Khoa học - Bộ Công an tại TPHCM cho đến khi nghỉ hưu.
Cách đây 10 năm, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử trong ông lại ùa về. Lần giở đọc lại bài thơ, trong tiềm thức ông dâng trào niềm cảm xúc khó tả, thôi thúc phải chuyển tải những câu thơ thành một bản nhạc hoàn chỉnh. Cứ thế, ông hát một cách say sưa và tự nhiên những vần thơ mà mình đã ấp ủ bấy lâu: “Người lính ấy đi qua chiến tranh/Đạp đỉnh Trường Sơn lội khắp bưng biền/Dấu chân anh, dấu chân đồng đội/Tạo thành muôn lối tiến về Sài Gòn… (trích ca khúc “Dấu chân người lính”).

Đại tá Trần Văn Tấn
Khi ông chia sẻ ca khúc dự định sáng tác cho các đồng đội và bạn bè, ai cũng khen câu từ bài hát rất ý nghĩa. Mọi người đề nghị ông nên nhờ nhạc sĩ chỉnh sửa rồi làm nhạc, thu âm để phổ biến.
Trao đổi với nhạc sĩ nội dung mong muốn được chuyển tải qua ca khúc, ông tâm sự về ước mơ mộc mạc của các chiến sĩ trẻ khi lên đường cầm súng chiến đấu để giải phóng quê hương, đất nước chỉ mong muốn được trở về với làng quê thân yêu để được nhìn thấy đôi chân lấm lem bùn đất của các cô gái làng gánh nước in trên ngõ gạch đường quê.
Nhưng với ông, để có được khung cảnh yên bình của quê hương, thì chính những dấu chân lấm lem bùn đất dưới đôi dép cao su của các đồng đội đã làm nên lịch sử khi ngày đêm xuyên dãy Trường Sơn, xuôi đến khắp vùng bưng biền cùng nhau hợp lực tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam thân yêu, góp phần viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sau khi “Dấu chân người lính” được phổ nhạc hoàn chỉnh, ông mạnh dạn gửi đến Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM và vinh dự được đài chọn ca khúc này để thu âm, ghi hình phát trong chương trình ca nhạc chào mừng 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ít ai biết được rằng, “Dấu chân người lính” chỉ là ca khúc đầu tay của một người lính đã tận mắt chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc cách đây đã nửa thế kỷ.