Khi các "ngôi sao" kiếm tiền bất chấp: "Sĩ” mà thiếu... sĩ

Thứ Sáu, 18/04/2025 12:11

|

(CATP) Nỗ lực trong một lĩnh vực nào đó sẽ được xã hội trọng vọng, gắn cho chữ "sĩ” không phải một sớm một chiều, có khi phải phấn đấu cả đời. Bác sĩ, tiến sĩ, nghệ sĩ… đều là những người tài năng, đức độ, đầy tự trọng và được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng tiếc thay, có một ít trong số họ đã bất chấp sĩ diện, sự tổn hại danh dự của mình để mưu cầu vật chất...

Ai chịu trách nhiệm?

Đường dây sản xuất, tiêu thụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả, sữa dỏm vừa bị Bộ Công an triệt phá. Những nhãn hiệu sữa giả này do Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, với hệ sinh thái 9 công ty sản xuất công khai. Thông tin này gây cú sốc rất lớn với người tiêu dùng, đặc biệt có nhiều loại sữa dành cho bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ đang mang thai, trẻ em, trẻ sinh non...

Tác hại của những loại sữa trên đối với người tiêu dùng là quá sức tưởng tượng, trong khi đó hơn 2.000 nhãn hiệu "sữa cỏ” - sữa trôi nổi kém chất lượng hiện vẫn tràn ngập thị trường. Cho đến nay chưa có cơ quan quản lý nào nhận trách nhiệm để sửa giả, sữa dỏm lưu thông trên thị trường.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Phó chánh văn phòng Cơ quan CSĐT (Bộ Công an), các nghi phạm đã lợi dụng quy định trong quản lý về sản xuất kinh doanh thực phẩm cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm; tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Do vậy, các sản phẩm này hầu như không được kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng, cấp phép trước khi lưu hành. Thực tế, với cách quản lý như vậy, hầu như ai có vốn cũng đều sản xuất sữa được. Trong khi đó, ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện và phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm.

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm xuất hiện trong video giới thiệu về Hacofood

Các chuyên gia cho rằng, các công ty của hệ sinh thái sản xuất sữa giả thoạt trông như những công ty dược phẩm hoặc dinh dưỡng, nhưng vì sao lại đi sản xuất sữa? Vậy sao cơ quan chức năng không biết để hoạt động hơn 4 năm trời. Chính những kẽ hở này, sữa giả, sữa dỏm mới tự tung tự tác trên thị trường và đến bây giờ, tác hại của nó với người tiêu dùng là quá lớn.

Góp phần, tiếp tay để đưa sữa giả, sữa dỏm đến tay người tiêu dùng còn có những "ngôi sao" nổi tiếng, những người có chuyên môn khác, mà điển hình là MC Quyền Linh, dù ông Linh luôn chối rằng không bao giờ quảng cáo những sản phẩm trên. Nhưng vì sao Quyền Linh đang nổi tiếng và ồn ào quanh câu chuyện này?

Còn nhớ, Quyền Linh không ít lần bị "réo tên" trong các ồn ào về quảng cáo. Năm 2021, ông ta từng phải lên tiếng xin lỗi vì giới thiệu sản phẩm Scurma Fizzy chữa các chứng bệnh mãn tính như: tiểu đường, tim mạch, gan thận, Alzheimer trên trang cá nhân. Linh nói đó là "bài học sâu sắc trong 20 năm làm nghề". Cách đây 5 - 7 năm, Quyền Linh còn quảng cáo sản phẩm chức năng về nghệ và nói công dụng của nó là hỗ trợ điều trị ung thư.

Tháng 02/2023, Quyền Linh từng đăng "Thông báo khẩn cấp" trên trang cá nhân của mình, khẳng định: "Chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo cho bất kỳ một loại thuốc xương khớp, thuốc trị ung thư, thuốc gan thận, thuốc trĩ, thuốc hạ đường huyết, thuốc hôi nách, thuốc yếu sinh lý, thuốc nhỏ mắt mang tên: Bà 6 Bà 7, Tây Bắc, Khang Thọ, Gout An Bình..., đặc biệt là các loại thuốc tiểu đường mang tên: An tâm đường và Blood D nào đó..". Thông báo trên cũng gây bão mạng, khi rất nhiều độc giả chất vấn Quyền Linh quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho con buôn, kiếm tiền bất chính.

MC Quyền Linh trong một video quảng cáo sữa trị bệnh tiểu đường

Tối 14/4, Quyền Linh có bài đăng giải thích việc dừng hợp tác với nhà sản xuất chương trình Mái ấm gia đình Việt. Qua bài viết, nhiều người hỏi Quyền Linh có quảng cáo các loại sữa giả đang gây xôn xao dư luận hay không. Ông Linh cho biết: "Tôi đang nhắc đến những chương trình thiện nguyện, hoàn toàn không liên quan mua bán hay quảng cáo bất kỳ sản phẩm, sữa giả nào cả. Cả nhà yên tâm, hãy chờ thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng nhé. Tôi không liên quan gì đến 573 loại sữa giả, mọi người cứ yên tâm. Mong mọi người tỉnh táo, đừng để những thông tin sai sự thật dẫn dắt".

Dư luận cho rằng, nếu Quang Linh Vlog, Hằng Du mục bị truy tố vì tội quảng cáo láo, thì Quyền Linh đáng phải bị truy tố hơn nhiều lần vì từng quảng cáo cho một số sữa và thực phẩm chức năng với những cam kết rất phản khoa học. Dù Quyền Linh đã từng lên mạng xã hội thanh minh, cam kết... nhưng rồi lại tiếp tục quảng cáo láo, cho thấy "ngôi sao" này giả dối, kiếm tiền bất chấp danh dự, sức khỏe của người khác.

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng... Quảng cáo láo

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng khác cũng lao vào kiếm tiền bất chấp sĩ diện, quảng cáo cho những nhãn hàng liên quan đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người khác, đưa ra những cam kết phi khoa học.

MC Hoàng Linh quảng cáo sữa Cilonmum của Công ty Cổ phần dược quốc tế Group

Ngay cả PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia cũng tiếp tay cho sửa giả của 2 công ty trên. Theo đó, bà Lâm xuất hiện trong video dài 7 phút phát trên YouTube "Tập đoàn Dược Quốc tế" giới thiệu Công ty Hacofood Group đã sản xuất nhiều sản phẩm như sữa dinh dưỡng Talacmum, Darifa Gold, Kasumi... Bà Lâm "đánh giá rất cao" Hacofood và nói "đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý an toàn trong sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn FDA", rằng "sử dụng các sản phẩm sản xuất bởi Hacofood thì các mẹ cũng rất yên tâm là đã đạt được tiêu chí nghiêm ngặt, khắt khe".

Cũng quảng cho sữa của 2 Công ty Rance Pharma và Hacofood Group, trong một video quảng cáo sữa Talacmum dài hơn 13 phút, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định: "Nguyên liệu, sản phẩm được nhập khẩu 100% từ Hà Lan và nhiều quốc gia khác", "công đoạn sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến, khép kín"...

Rõ ràng, dù biện minh như thế nào, lợi dụng uy tín nghề nghiệp của mình quảng cáo láo sữa giả đều tiếp tay cho hàng giả, làm hại người tiêu dùng. Trong vụ sữa giả của 2 công ty nêu trên, còn có những "ngôi sao" khác như: diễn viên Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh... bị người dùng mạng xã hội nhắc tên sau khi tham gia quảng bá cho các sản phẩm sữa giả.

Trong một video quảng cáo sữa Cilonmum Colos IQ Grow 24h cho trẻ từ 1 - 15 tuổi của Ranse Pharma, diễn viên Doãn Quốc Đam khẳng định hai vợ chồng đã tìm hiểu rất kỹ sản phẩm này mới cho con uống. Ông Quốc Đam nhấn mạnh sữa Cilonmum Colos IQ Grow 24h bổ sung nhiều thành phần đột phá như sữa non, 2'FL HMO (tăng cường miễn dịch, bảo vệ đường ruột), Aquamin F (canxi hữu cơ) và kết hợp với các loại hạt óc chó, mắc ca và chiết xuất tổ yến. "Tôi bất ngờ vì sau khi dùng sữa, con tập trung hơn khi học, khỏe khoắn nhanh nhẹn và cao hơn 3cm. Tôi giới thiệu cho nhiều đồng nghiệp dùng thử và không ai chê”, Doãn Quốc Đam quảng cáo.

NSƯT Cát Tường quảng cáo sữa bị cư dân mạng "ném đá”

Còn nữ MC Hoàng Linh ca ngợi tận mây xanh dòng sữa Cilonmum. Cô cho rằng cảm nhận rất rõ về sự thay đổi của con sau khi uống sữa như ăn ngon miệng hơn và cải thiện tình trạng táo bón. Cô hài lòng vì tìm được sữa tốt cho con. MC Hoàng Linh giới thiệu thêm nhiều loại sữa của nhãn hiệu Cilonmum dành cho các đối tượng khác nhau như phụ nữ có dự định mang thai, đang mang thai và cho con bú, trẻ từ 0 - 16 tuổi, những người trước và sau phẫu thuật, gầy yếu, sức khoẻ kém cần bồi bổ, người suy thận, tiểu đường, bị bệnh tim mạch, trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa nhạy cảm, dị ứng sữa bò, biếng ăn chậm lớn, người lớn tuổi bị loãng xương...

Cho đến nay, dù Công an đã và đang phanh phui đường dây sản xuất phân phối các loại sữa giả này, nhưng Doãn Quốc Đam và MC Hoàng Linh vẫn im lặng, hay nói chính xác hơn là "ngậm miệng ăn tiền". Trước đó, nhiều "ngôi sao" khác cũng bị "réo tên" vì quảng cáo sữa chất lượng kém, "sữa cỏ”, sửa giả. Năm 2023, NSƯT Cát Tường từng lên mạng nhận trách nhiệm, xin lỗi vì quảng cáo sữa thổi phồng sự thật. "Tôi không nhận bừa sản phẩm không có giấy phép để quảng cáo. Tôi có lỗi là đã nói quá, nói sai, nói không đúng chuẩn mực ngôn từ được cho phép trong quảng cáo" - MC Cát Tường bày tỏ.

Biên tập viên Quang Minh, MC Thanh Vân Hugo từng quảng cáo cho sữa kém chất lượng, phải nộp phạt 25 triệu đồng vì có hành vi quảng cáo sản phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Năm 2021, NSND Hồng Vân xin lỗi khán giả và thừa nhận đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ tin cậy của sản phẩm khi quảng cáo, dẫn đến việc nhiều người "hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh thay vì chỉ là thực phẩm chức năng". Nữ ca sĩ Phương Mỹ Chi cũng bị cư dân mạng chỉ trích vì quảng cáo sản phẩm kém chất lượng và phải lên tiếng xin lỗi trên trang cá nhân.

Các bác sĩ, nghệ sĩ thừa biết quảng cáo gian dối, vi phạm Luật Quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng sao họ vẫn bấp chấp quảng cáo hàng giả?

Tất cả là vì tiền. Họ lợi dụng sự nổi tiếng của mình, lợi dụng sự tin yêu của người hâm mộ để rồi quảng cáo láo những sản phẩm có thể gây hại cho người hâm mộ họ. Những hành vi kiếm tiền bất chấp như vậy là vô đạo đức, vô liêm sỉ phải được pháp luật xử lý nghiêm để răn đe.

Bình luận (0)

Lên đầu trang