
Bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế không được
quảng cáo thực phẩm
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng, gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định, không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng là vi phạm quy định của pháp luật, Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2310/BYT-ATTP ngày 17/4/2025 đề nghị các bệnh, các viện, các trường đại học, cao đẳng y, dược; các hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (bao gồm cả người lao động đã nghỉ công tác) về tình trạng trên. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm.
Liên quan đến vụ việc các cơ quan chức năng mới đây phát hiện một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả, khiến người tiêu dùng lo lắng, bất an vì đã lỡ mua, sử dụng các sản phẩm sữa này, hôm 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 40/CĐ-TTG mhằm tăng cường trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả trong đó có sữa giả, theo đó yêu cầu:
1. Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả nêu trên để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
2. Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
6. Các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tăng cường các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.