(CAO) Hàng chục học sinh của một trường tiểu học trên địa bàn Quận 7 xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại trường. Những biểu hiện bất thường xuất hiện đồng loạt khiến phụ huynh lo lắng và đặt ra nghi vấn về chất lượng bữa ăn bán trú và trách nhiệm giám sát an toàn thực phẩm trong trường học.
Trong các ngày từ 8-10/4, nhiều phụ huynh có con theo học tại trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tân Phong, Quận 7) phản ánh việc con mình sau khi ăn bán trú tại trường đã có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đi ngoài, có bé bị sốt, nghi do ngộ độc thực phẩm. Một số trường hợp phải nhập viện để điều trị.

Phản ánh của phụ huynh trên các group
Chị T.H, phụ huynh của một học sinh lớp 2 cho biết, sau bữa trưa và chiều ngày 8/4 tại trường, con chị về nhà và không ăn thêm gì, nhưng đến tối bắt đầu đau bụng, nôn ói, đi ngoài liên tục. Sau một đêm theo dõi, gia đình đưa con đến Bệnh viện Tâm Anh (Quận 7) khám, được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi do ngộ độc thức ăn. “Cháu phải truyền nước, chích thuốc chống nôn và sụt mất gần 3kg sau 3 ngày không ăn được. Gia đình rất xót xa và lo lắng”, phụ huynh chia sẻ.
Trên các diễn đàn của cha mẹ học sinh, nhiều ý kiến cũng phản ánh tình trạng tương tự, đặc biệt tập trung ở các khối lớp 1, 2 và 3. Nhiều học sinh xuất hiện triệu chứng ngay trong chiều 8/4 sau các bữa ăn tại trường.
Một số học sinh có biểu hiện bệnh nặng phải theo dõi y tế
Theo thực đơn ghi nhận trên phần mềm do nhà trường đăng tải, ngày 8/4, học sinh ăn trưa với các món: trứng chiên thịt, bầu xào tỏi, canh mây và dưa hấu tráng miệng; bữa xế gồm hủ tiếu thịt bằm. Ngày 9/4, thực đơn có cánh gà chiên nước mắm, su su xào cà rốt, canh chua bắp cải và bữa chiều là sữa tươi tiệt trùng.
Đại diện nhà trường cho phụ huynh biết đã phối hợp với các cơ quan chức năng ghi nhận sự việc, lấy mẫu lưu thức ăn, bệnh phẩm của học sinh và tiến hành kiểm tra cơ sở cung cấp suất ăn. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cần từ 7 đến 10 ngày. Trong thời gian chờ kết luận chính thức, trường đã chỉ đạo tăng cường giám sát khâu chế biến và phân phát thức ăn.
Thực đơn bữa ăn tại trường trong hai ngày 8/4
Trước đó, nhiều phụ huynh cũng từng phản ánh tình trạng bữa ăn bán trú tại trường có cảm quan kém chất lượng. Sau nhiều lần phản ánh, góp ý, ban đại diện phụ huynh đã làm việc với nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn về việc cải thiện thực đơn. Sau đó chất lượng bữa ăn đã được cải thiện, song sự cố lần này làm dấy lên lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Được biết, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường tiểu học Võ Thị Sáu cũng thuộc Quận 7, đây là bếp ăn đã cung cấp dịch vụ cho trường nhiều năm qua. Ngoài trường tiểu học Võ Thị Sáu, đơn vị này còn cung cấp suất ăn bán trú cho một số trường khác trên cùng địa bàn.
Trước thông tin về các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm, nhiều phụ huynh tại trường đã bày tỏ lo lắng, chị T. - một phụ huynh có con học tại trường chia sẻ: "Mấy hôm nay đọc thông tin về các ca nghi ngộ độc của các bạn cùng lớp con tôi và các lớp khác tôi vô cùng lo lắng. Tôi vốn rất kĩ với việc ăn uống của con, phần lớn buổi sáng cũng nấu đồ ăn cho con ở nhà. Sau sự việc ngày 8/4, ngày nào con đi học tôi cũng thấp thỏm, hồi hộp vì sợ con có thể gặp sự cố giống các bạn, mà quy định của trường không được mang suất ăn trưa tới trường trừ những trường hợp đặc biệt. Tôi mong nguyên nhân của sự việc sớm được sáng tỏ và nhà trường có giải pháp triệt để".
Theo ghi nhận, đến chiều 11/4 vẫn còn một số học sinh phải nghỉ học do các triệu chứng nôn ói, mệt mỏi.
Trong khi chờ phản hồi từ phía nhà trường và cơ quan chức năng, ban đại diện các lớp cũng tích cực khuyến cáo cha mẹ theo dõi sức khỏe của con em mình. Hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng phối hợp điều tra, làm rõ.
Mới đây, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản gửi các Sở Giáo dục - Đào tạo, các cơ sở giáo dục về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, theo đó yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, phối hợp chặt chẽ các bên liên quan khi phát sinh tình huống ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học; đặc biệt tăng cường phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục –Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn bán trú để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong cơ sở giáo dục.