Để không còn câu chuyện buồn về bệnh viện

Thứ Ba, 15/04/2025 13:35

|

(CATP) Câu chuyện có thật, làm lộ ra những vấn đề khám chữa bệnh (KCB) ở nước ta, đặc biệt khi trong các bệnh viện (BV) công có khám dịch vụ (DV). Công - tư lẫn lộn như vậy, nền y tế (YT) công phi lợi nhuận luôn là niềm mơ ước của người dân.

Trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện 1 người dân ở tỉnh Kon Tum về 1 bệnh viện (BV) lớn ở TPHCM chữa bệnh K dạ dày. Phải mất 2 chuyến đi với 2.400 cây số và 14 ngày ở trọ, ăn chực nằm chờ tốn mười mấy triệu đồng chỉ để nhận 1 cái đơn thuốc giá vài trăm ngàn mà bệnh nhân (BN) bị "hành" đủ chuyện, cả việc phải khám DV này nọ. Cuối cùng người viết câu chuyện này kết luận "Thôi thì thà die (chết) ở tỉnh cho nó đỡ khổ, đỡ bực mình lại tiết kiệm mớ tiền lo hậu sự cho rồi. Quá sợ cái BV...".

Sau đó 1 bác sĩ (BS) ở BV này đã phản hồi. Một BS khác rất nổi tiếng cũng đề cập đến với những câu hỏi đầy ray rứt... Câu chuyện này cho chúng ta thấy nhiều vấn đề trong công tác KCB cho người dân bằng bảo hiểm y tế (BHYT).

Miễn viện phí toàn dân, được không?

Câu chuyện đáng buồn này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhất là gần đây tại buổi gặp mặt các cán bộ công an từng chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sẽ chú trọng phát triển YT, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân.

Trước đó, tại buổi họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng ngày 15/3, Tổng Bí thư đặt vấn đề: "Có thể phấn đấu đến năm 2030 miễn viện phí cho nhân dân được hay không?". Và ông đề nghị nếu có thể, các cơ quan hãy bổ sung ngay mục tiêu này vào dự thảo báo cáo chính trị đại hội.

Các bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo tại xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

Ý kiến của Tổng Bí thư rất nhân văn, cũng là mục tiêu Đảng và Nhà nước ta phấn đấu để thỏa ước vọng của chính Bác Hồ "Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Mới đây, Nhà nước đã có lệnh miễn học phí toàn bộ cấp từ mầm non đến trung học phổ thông, bắt đầu từ năm học 2025-2026. Và nếu đến năm 2030, người dân được miễn viện phí nữa thì đó là điều hạnh phúc tột bậc của nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm từng phát biểu: "Đất nước giàu mạnh thì người dân phải được thụ hưởng thành quả. Tăng trưởng phải đến tất cả mọi người, làm sao bảo đảm hài hòa, công bằng, bình đẳng. Không chỉ có mục tiêu tăng trưởng mà làm sao nâng cao đời sống của người dân...".

Bảo đảm độ bao phủ y tế toàn dân

Chế độ BHYT ở nước ta được sửa đổi nhiều lần theo hướng ngày càng tốt hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu KCB của người dân.

Để bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ YT chất lượng tốt mà không phải chịu gánh nặng tài chính quá lớn, phải cải cách căn bản chế độ BHYT hiện tại đồng thời chuyển từ mô hình trọng tâm là BV sang mô hình trọng tâm là chăm sóc sức khỏe ban đầu với chất lượng cao trong một hệ thống tích hợp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), viện phí và học phí chiếm 30 - 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam (VN). Học hành và YT đang trở thành rào cản lớn nhất trên con đường thoát nghèo và phát triển, nhất là đối với những hộ có thu nhập dưới trung bình.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, phải cải cách BHYT. Ai cũng biết phí BHYT ở VN có mệnh giá rất thấp, chỉ bằng 1/10 đến 1/30 các nước phát triển. Vậy mà người dân cũng phải chật vật lắm mới đóng nổi, thậm chí mới đây trong kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội có nhiều ý kiến đề nghị không tăng phí BHYT khi lương cơ sở tăng lên.

Với mệnh giá BHYT thấp như vậy, DV chăm sóc sức khỏe cũng tương đương, khi nhiều hạng mục KCB không được BHYT chi trả, buộc BN phải tự bỏ tiền ra theo quy định, đặc biệt với các bệnh hiểm nghèo.

Đó là chưa kể nhiều hạng mục KCB phải thực hiện DV với giá cao, người nghèo không thể kham nổi.

Nhiều câu hỏi về khám dịch vụ trong bệnh viện công

Có một nghịch lý KCB ở nước ta là Nhà nước cho phép có DV trong BV công, nghĩa là trong BV công vẫn có thể khám theo yêu cầu và trả tiền cao hơn, thậm chí được chọn BS. Đây không khác nào hình thức BV tư trong BV công, tương tự như trường bán công trong trường công một thời được cho phép (nay đã bị cấm).

Khám chữa bệnh DV, theo yêu cầu trong BV công được Nhà nước cho phép. Xem đó là chính sách tự chủ tài chính cho các BV công, buộc các BV phải tìm cách kiếm tiền. Các BV không còn là "nhà thương", mà như một đơn vị "làm kinh tế".

Bệnh viện càng làm ra nhiều tiền, cán bộ, nhân viên càng được trả lương cao, càng giữ được nhân viên giỏi. Để làm ra nhiều tiền thì BV phải kiếm tiền, mà BV kiếm tiền thì không ai khác ngoài chính BN phải phục vụ cho công cuộc kiếm tiền của BV. Ở nhiều BV, ban giám đốc các BV công "giao kế hoạch" cho các khoa kiếm tiền bằng cách "động viên", "gợi ý” cho BN khám DV, sử dụng DV cho nhanh, đặc biệt với các BN bị bệnh hiểm nghèo. Cứ vào BV ung bướu hay các BV công lớn thì sẽ thấy và hiểu!

Với chính sách này, ngành y - một ngành đặc thù, liên quan đến an sinh của người dân, giống như những ngành kinh tế khác. Ngành nào thì cũng phải làm ra tiền. Với YT tư nhân thì việc ấy có thể chấp nhận được, vì đó là cơ sở kinh doanh, phục vụ cho người có tiền. Ở những nước tiên tiến, YT công là nơi phục vụ cho những người bệnh không có khả năng chi trả cho YT tư nhân, còn ở ta thì công - tư lẫn lộn.

Và tất nhiên bất công đã xảy ra. Cử tri tỉnh Vĩnh Long vừa phản ánh đến ngành YT, đề nghị cần có sự điều chỉnh đối với 2 loại hình khám DV và BHYT tại các BV công. Cử tri cho rằng có tình trạng phân biệt giữa KCB dịch vụ và BHYT ở một số BV lớn. Theo đó, khám DV thủ tục nhanh, chất lượng cao; còn khám BHYT phải chờ đợi lâu trong khi chất lượng không cao.

Bộ trưởng YT Đào Hồng Lan đã không trả lời thẳng ý kiến của cử tri, mà chỉ dám nói là theo quy định pháp luật hiện hành "không có sự phân biệt đối xử giữa người bệnh khám DV và người bệnh sử dụng BHYT".

Bộ trưởng trả lời như vậy là chưa sâu sát cơ sở

Bộ trưởng thừa hiểu rằng chính sách tự chủ tài chính của ngành YT dành cho các BV công đã bắt các cơ sở YT công phải tìm cách kiếm tiền, mà BV tìm cách kiếm tiền thì sinh ra bất công, đơn giản là vậy!

Mà BV cũng không dễ kiếm tiền. Còn nhớ năm 2022, các BV Bạch Mai, Bệnh viện K, Việt Đức... nguồn thu khó khăn, việc liên doanh, liên kết cũng gặp khó nên các đơn vị này xin thôi, không thực hiện tự chủ toàn phần, mà xin tự chủ một phần, tức là tự chủ chi thường xuyên; còn chi đầu tư như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới... ngân sách nhà nước bảo đảm.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 Quốc hội quyết định đầu năm là 372,9 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chi tiêu cho YT ở các nước trung bình chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Hệ thống KCB nước ta có công - tư rõ ràng. Bệnh viện công phục vụ cho người dân và phải phi lợi nhuận; BV tư phục vụ cho người có khả năng chi trả, có tiền. Rõ ràng và minh bạch.

Đã đến lúc cần tư duy lại khái niệm "BV tư trong BV công", khám DV trong BV công mà có lẽ chỉ ở nước ta mới có, trước khi nghĩ đến việc miễn viện phí cho toàn dân như Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang