Mệt mỏi với kiểu "khủng bố" đòi nợ qua điện thoại

Thứ Ba, 15/04/2025 13:29

|

(CATP) Người khác vay tiền nhưng bỗng dưng mình bị chủ nợ gây áp lực. Bạn đã bao giờ rơi vào hoàn cảnh này chưa? Xử lý như thế nào với những cuộc gọi, tin nhắn "khủng bố" đòi nợ?

Anh P.N.T, 44 tuổi, trú tại P.Thới Hòa, TP.Bến Cát (Bình Dương), bức xúc phản ánh đến Chuyên đề Công an TPHCM về việc liên tục bị "khủng bố" tinh thần qua điện thoại. Anh T. kể lại: "Hơn một tháng nay, thuê bao của tôi thường xuyên bị nhiều số điện thoại lạ gọi đến và nhắn tin SMS, với cùng một nội dung: "Hãy nói với N.M.V. rằng trả nợ gấp, nếu không sẽ gặp phiền phức". Trong khi tôi không hề biết N.M.V. là ai".

Anh T. chỉ biết đoán rằng đây có thể là một "màn kịch" được kẻ xấu dựng lên khiến người dùng điện thoại rơi vào trạng thái tâm lý bực bội, lo lắng, sợ hãi. Sau cùng, bị khủng hoảng tinh thần, vượt quá sức chịu đựng, người bị "khủng bố" sẽ chấp nhận chuyển khoản, trả nợ thay để mong được yên thân.

Rất dễ thấy toan tính của các đối tượng trong câu chuyện trên. Không kết bạn Zalo, Facebook; không đăng tải trên mạng xã hội để cơ quan chức năng khó truy vết. Chúng dùng phương pháp liên lạc "truyền thống" là gọi trực tiếp hoặc nhắn tin SMS. Chiêu thức "đánh hội đồng" bằng nhiều số điện thoại khác nhau, quả nhiên lợi hại.

Tin nhắn, các cuộc gọi "khủng bố" tinh thần "con nợ"

Thấy số lạ người dùng vẫn phải bấm nghe, sau đó dù thực hiện thao tác chặn cuộc gọi cũng trở nên vô ích, bởi lẽ không loại trừ khả năng là số từ các thiết bị phát sóng BTS lậu, chỉ dùng một lần theo hướng gọi đi, mà không "nhận lại". Thủ đoạn kiếm tiền cũng hoàn toàn khác với nhiều chiến thuật trước đây. Đối tượng lấy danh nghĩa chủ nợ, yêu cầu người nghe tác động với "con nợ" thanh toán tiền vay.

Người dùng điện thoại rất cần đề cao cảnh giác với mánh khóe "quýt làm cam chịu" trên. Khi có dấu hiệu bị "đòi nợ" thay, không nên tiếp nhận những cuộc gọi từ số lạ. Trường hợp người quen gọi có việc khẩn cấp, chắc chắn sẽ để lại tin nhắn và xưng danh tính, khi ấy hồi âm cũng không muộn.

Chị P.T.T.M, sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học tại Quận 1 (TPHCM) cũng đang mệt mỏi với những cuộc gọi với lời lẽ mất văn hóa. "Chúng như "vòi bạch tuộc", tôi chặn số này thì chúng gọi bằng số khác" - chị M. giải thích thêm.

Những trò lừa đảo nghe qua rất vô lý, xưa như trái đất, nhưng kẻ gian vẫn "làm ăn" được. Có thể kể đến giả danh shipper, nhân lúc người dân vắng nhà thông báo có đơn hàng đề nghị thanh toán online. Bỗng nhiên nhận được "quà tặng" rẻ tiền kèm phiếu cào trúng thưởng, yêu cầu quét mã QR để nhận giải. Vừa thực hiện xong sẽ biết ngay là không được nhận quà, lại còn bị "tiền mất hận mang", tiền trong tài khoản "bốc hơi".

Bình luận (0)

Lên đầu trang