(CATP) Giá vàng liên tục lên cao, người dân kéo vào Bồng Miêu (thôn Bồng Miêu, H.Phú Ninh, Quảng Nam) đào bới, khai thác vàng trái phép. Đặc biệt từ khi Công an H.Phú Ninh giải thể, 2 chốt bảo vệ khu vực này không có cán bộ chiến sĩ túc trực nên người dân đổ xô vào tìm "vận may". Trước thực trạng trên, Công an xã Tam Lãnh cùng các ngành chức năng tăng cường truy quét, đẩy đuổi.
Tranh thủ thời điểm giá vàng lên cao, các chốt kiểm soát không có lực lượng chức năng, người dân kéo nhau vào khu vực các bãi vàng ở Bồng Miêu khai thác trái phép. Người dân đi xe máy, mang theo cuốc, xẻng vào đào lấy đất đá, sau đó về nhà xay, tách lấy vàng. Gần các vị trí khai thác vàng trái phép, các phu vàng dựng lán trại tạm nghỉ ngơi, ăn uống. Khi có người lạ vào, họ lập tức bỏ chạy. Ông T.T.L. (người địa phương) cho hay, công việc làm rẫy bấp bênh nên ông cùng nhóm bạn rủ nhau vào khu vực này đào đất đá kiếm vàng. Vị trí khai thác vàng trước đây có đơn vị vào thi công, hoàn thổ mỏ vàng Bồng Miêu. "Sau không thấy ai nữa nên người dân vào mót vàng, mỗi ngày kiếm được vài chục cho đến vài trăm ngàn", ông L. nói.
UBND xã Tam Lãnh cho hay, thời gian qua, UBND xã đã quyết liệt triển khai kiểm tra, truy quét các khu vực làm vàng trái phép, như: Đồi Sim, Sũng Mùn, Thác Trắng, Đập Tây, Đập Làng, Hố Nà Răm... thuộc thôn Bồng Miêu; Hố Ba Liên, Truông Tối, Hố Ông Bòng... thuộc thôn Đàn Thượng và một số khu vực khác trên địa bàn xã Tam Lãnh. Qua các đợt truy quét, đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực khoáng sản và đất đai; lập thủ tục giao Công an xã xử lý một số vụ việc theo thẩm quyền.
Đơn cử như tại khu vực Đập Tây (thôn Bồng Miêu), tổ công tác phát hiện 2 đối tượng là bà P.T.T.V. (SN 1988, ngụ thôn Bồng Miêu) và ông Đ.N.C. (SN 1996, ngụ xã Tiên Mỹ, H.Tiên Phước, Quảng Nam) khai thác khoáng sản trái phép. Qua làm việc, bà V. cho biết thuê ông C. sử dụng xe cơ giới để khai thác vàng. Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện 1 xe máy đào lớn, 1 máy nổ, 1 máy bơm nước gắn liền với máy nổ, 1 giàn xối bằng kim loại, 20 mét dây nước, 9 tấm thảm nhựa, 2 bao khoáng sản nặng 112 kg... Tổ công tác tiến hành lập biên bản, tạm giữ các tang vật, phương tiện liên quan đưa về trụ sở Công an xã để tiếp tục điều tra, xác minh và tham mưu xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng truy quét, phá hủy nhiều lán trại, máy móc của "vàng tặc" ở Bồng Miêu
Theo ông Phan Dương Mậu - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn diễn ra khá thường xuyên, bởi lâu nay người dân địa phương quen với công việc này. "Trước đây, Công an huyện lập 2 chốt để kiểm soát người ra vào khu vực khai thác vàng. Khi thực hiện chủ trương giải thể Công an cấp quận huyện, 2 chốt này không còn cán bộ túc trực nên người dân đi vào khai thác trái phép nhiều hơn", ông Mậu nói và cho biết thêm, lực lượng cán bộ quá mỏng, không quản lý xuể diện tích 20 km2.
Từ đầu tháng 03/2025 đến nay, Công an xã Tam Lãnh đã tổ chức 4 đợt truy quét; ngoài ra phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tổ chức truy quét 2 đợt. Kết quả làm mất tác dụng 12 máy nổ, 3 đi-na-mô, 4 cối xay, 200 mét bạt, 550 mét dây nước. Đồng thời lập hồ sơ xử lý 1 vụ 2 đối tượng về hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép, tạm giữ 1 xe máy đào, 1 máy nổ...
Trước đó, ngày 18/03, UBND H.Tiên Phước đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình ô nhiễm nguồn nước sông Quế Phương do hoạt động khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu. Vào ngày 24/3, ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu UBND H.Phú Ninh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động khoáng sản khu vực Bồng Miêu; quản lý và thực hiện công tác phục hồi môi trường mỏ vàng Bồng Miêu theo hồ sơ dự án đã được phê duyệt; quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm sông Bồng Miêu (đầu nguồn sông Quế Phương và sông Tiên qua huyện Tiên Phước). Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc tỉnh và UBND H.Phú Ninh kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động khoáng sản trái phép tại khu vực Bồng Miêu và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định...
Mỏ vàng Bồng Miêu được khai thác từ thời Pháp thuộc, là một trong những mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước. Năm 2005, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác, giấy phép hết hạn năm 2016. Năm 2018, Tòa án ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty. Theo Luật Khoáng sản, mỏ hết thời hạn khai thác phải đóng cửa, nhưng công ty này phá sản nên không thể triển khai. Mỏ vàng lại không được quản lý chặt chẽ nên người dân từ nhiều nơi kéo về khai thác. Thực trạng này khiến địa phương mất tài nguyên nhưng không thể thu thuế; đất đai bị đào bới; hóa chất, bùn thải ra môi trường không được xử lý; tiềm ẩn nguy cơ sập hầm, sạt lở núi, mất an ninh trật tự.
Tháng 3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu trên diện tích 368ha với kinh phí 19,5 tỷ đồng, giao địa phương thực hiện. Kinh phí từ nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước đó của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và bổ sung từ ngân sách tỉnh. Nhà thầu sẽ xây tường chắn cửa lò chính, nổ mìn đánh sập cửa lò khai thác trái phép, tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, trồng cây và giám sát môi trường sau khi đóng cửa mỏ. Dự án hiện đã hoàn thành, được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam nghiệm thu và đang chờ Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành quyết định đóng cửa mỏ.