Di sản văn hóa ở TPHCM trong phát triển và hội nhập hiện nay

Thứ Sáu, 02/05/2025 08:02

|

(CATP) TPHCM - thành phố (TP) trẻ tuổi năm mươi kể từ khi đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), tuy chỉ có lịch sử hình thành hơn 325 năm nhưng đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa (VH), xã hội hàng đầu của Việt Nam. So với những TP có tuổi đời hàng nghìn năm trên thế giới, sự tích luỹ về VH, kinh tế của TPHCM vẫn còn khiêm tốn. Nhưng chính sự giao thoa, tích tụ từ các dòng chảy VH phương Bắc vào phương Nam đã tạo nên một bản sắc VH phong phú và độc đáo, mang đậm dấu ấn của một TP năng động, sáng tạo và cởi mở. Đây chính là nguồn nội lực mạnh mẽ để TP phát triển và hội nhập trong bối cảnh hiện nay.

GIÁ TRỊ VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, TPHCM đã hội tụ nhiều dòng VH khác nhau. Hơn 325 năm trước, Bến Nghé - Sài Gòn xưa là nơi tiếp nhận các nguồn lưu dân từ các tỉnh miền Trung (Ngũ Quảng) và những di dân người Hoa. Đến thế kỷ XX, nhiều cư dân ở các tỉnh từ Bắc, Trung, Nam đến định cư, lập nghiệp. Sự giao thoa từ VH vật thể đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, VH ẩm thực, trang phục, các nghi lễ, lối sống, nếp sống... đã tạo nên diện mạo VH đa dạng của TP. 

TPHCM hiện nay không chỉ là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, mà còn là nơi bảo tồn và phát huy nhiều giá trị VH đặc sắc, từ VH dân gian đến VH đô thị hiện đại. Di sản VH của TPHCM được hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Từ thời kỳ khai phá đất phương Nam, người Việt di cư vào đây đã tiếp thu và hòa quyện với các nền VH các dân tộc thiểu số tại chỗ và VH người Hoa. Quá trình thuộc địa hóa của Pháp và sự hiện diện của người Mỹ cũng để lại dấu ấn không nhỏ trong diện mạo VH của TP. 

Đình An Khánh, TP.Thủ Đức là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trong hội nhập quốc tế, VH TPHCM càng được làm giàu bởi sự giao lưu với các nền VH khác. Từ VH ẩm thực, lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, kiến trúc... đều phản ánh rõ nét sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Những giá trị như tinh thần năng động, sáng tạo, tính nhân ái, cởi mở, nghĩa tình, bao dung… đã trở thành những phẩm chất nổi bật của con người trưng của TP. 

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HOÁ TẠI TPHCM 

Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị VH truyền thống của TPHCM. Các giá trị VH, nếu không được gìn giữ cẩn trọng, có nguy cơ bị mai một hoặc biến dạng trong dòng chảy của thời đại. 

Một số lễ hội truyền thống đã bị biến đổi hoặc thất truyền, nhiều làng nghề thủ công đang dần phai nhạt do không thể cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp hiện đại. Đồng thời, sự giao thoa VH toàn cầu, dù mang lại những cơ hội mới, cũng tạo ra áp lực không nhỏ trong việc duy trì và phát huy bản sắc VH địa phương. 

Nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng ở TPHCM

Bên cạnh đó, sự di dân mạnh mẽ từ các tỉnh, thành và quốc gia khác về TPHCM để tìm kiếm cơ hội kinh tế đã tạo nên sự pha trộn VH đa dạng. Tuy nhiên, nếu không có sự định hướng đúng đắn, tình trạng này có thể dẫn đến sự thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng và không học hỏi những giá trị VH đặc trưng của TP. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ phai nhạt bản sắc VH địa phương, đặc biệt khi các giá trị VH truyền thống của TP chưa được phổ biến rộng rãi và hệ thống. Do đó, cần thiết phải xác định rõ các giá trị VH cốt lõi, bao gồm những giá trị đại đồng mang tính phổ quát và những giá trị đặc trưng mang bản sắc riêng của TPHCM. Việc quảng bá, truyền thông và giáo dục để các cộng đồng dân cư nhập cư cần thiết. Chỉ khi có sự giao thoa hài hòa giữa VH truyền thống và hiện đại, giữa cộng đồng cũ và mới, quá trình phát triển mới thực sự bền vững.

Để phát huy những giá trị VH truyền thống trong thời kỳ mới, TPHCM cần chú trọng nâng cao nhận thức về di sản VH, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị VH truyền thống, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản VH, các buổi tham quan thực tế đến các di tích lịch sử, bảo tàng... nhằm khơi dậy tình yêu và niềm tự hào về VH truyền thống trong thế hệ trẻ.

Nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng ở TPHCM 

Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, các chính sách cần bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy di sản VH. Đầu tư vào công tác bảo tồn di sản VH phi vật thể, tăng cường nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học để bảo tồn các lễ hội truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian và làng nghề thủ công. Thúc đẩy sự sáng tạo trong VH, khuyến khích sự sáng tạo trong nghệ thuật, đồng thời phát huy các giá trị truyền thống trong các hoạt động VH hiện đại, tổ chức các cuộc thi sáng tác nghệ thuật, festival VH - nghệ thuật để tạo sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ. Bên cạnh đó, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào các sản phẩm VH hiện đại như phim ảnh, âm nhạc, thời trang cũng là cách thức sáng tạo giúp các giá trị VH truyền thống được lan toả và bảo tồn một cách tự nhiên.

Với bề dày VH được hình thành từ nhiều thế kỷ, hiểu, học tập và hòa nhập với VH địa phương là điều TPHCM đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của một đô thị trẻ trong quá trình phát triển và hội nhập. Chính những giá trị VH truyền thống là nguồn nội lực quan trọng giúp TP phát triển bền vững, khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị VH truyền thống không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân sống tại TP này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang