Giai thoại năm Tý

Thứ Bảy, 25/01/2020 22:52

|

MƯỢN CHUỘT CHỬI LÝ TRƯỞNG

Thời Pháp thuộc, ở ngoại vi thành phố Hà Tĩnh có tên lý trưởng nọ nổi tiếng gian tham và háo sắc, lòng dạ rất hẹp hòi. Làng ấy có cô gái đang độ xuân thì, ai ai cũng khen đẹp người đẹp nết. Tên lý trưởng bao phen dò la, theo dõi, muốn hỏi cô làm vợ bé nhưng lần nào cũng bị từ chối. Cũng như bao người khác, cô rất quý trọng thầy đồ dạy học trong làng. Vì cớ này, lý trưởng đâm ra thù ghét thầy đồ, cho rằng vì người này mà hắn không được lòng cô gái xinh đẹp kia. Nhiều lần lý trưởng dựng chuyện để bôi nhọ thanh danh thầy đồ, nhưng ông là người đàng hoàng, đứng đắn, cho nên chẳng ai tin lời tên lý trưởng.

Bấy giờ cuộc khởi nghĩa Hương Khê bùng nổ, dân làng cũng có người bí mật đi theo cuộc khởi nghĩa này. Tên lý trưởng muốn vu cho thầy đồ tội thông đồng với các thủ lĩnh Hương Khê để quan trên bắt đi cho khuất mắt, nhưng hắn không tìm được chứng cớ gì. Thầy đồ biết thế bèn ngầm sai vài học trò đến nhà lý trưởng mật báo rằng:

- Gần đây, chúng tôi thấy thầy đồ thỉnh thoảng lại tiếp khách lạ ở xa đến. Khi khách đi rồi, thầy lại chui vô buồng đọc tờ giấy gì đó ra vẻ bí mật lắm. Có khi đêm khuya, thầy lẻn ra sau vườn, đào đất và chôn một vật gì đó trông có vẻ bí mật hơn nữa, ông ạ!

Lý trưởng nghe vậy thì mừng lắm. Từ đó, đêm đêm hắn đích thân dẫn theo mấy tên đầy tớ, đến núp sẵn trong vườn nhà thầy đồ để theo dõi mọi động tĩnh. Một đêm nọ, tên lý trưởng thấy thầy đồ ra vườn, lúi húi đào lỗ chôn một gói gì đó. Hắn hô đày tớ đến bắt, đèn đuốc được thắp sáng lên. Thầy đồ một mực kêu oan khiến dân làng nghe kêu mà vội chạy ùa đến. Trước mặt mấy chục người dân làng, tên lý trưởng tự tay đào bới chỗ thầy đồ vừa chôn. Nhưng hỡi ôi! Cái gói mà thầy đồ chôn chỉ là một con chuột chết đã bốc mùi hôi thối. Lý trưởng tức điên lên còn thầy đồ thì mỉm cười, nói to:

- Làng ta có bầy chuột hôi hám dơ bẩn, đêm khuya cứ rình mò, đục khoét, phá hoại tiền của rất nhiều. Tôi dùng gậy đập chúng chết rồi. Sợ để xác đến ngày mai sẽ bốc mùi thối trong làng nên mới đem chôn đó thôi.

Dân làng nghe xong cười vang, còn tên lý trưởng và bọn đầy tớ cúi gằm mặt, tìm đường rút êm!

BÀI THƠ GHÉT CHUỘT

Nhắc đến con chuột, người ta thường ví chúng với loại người đáng ghét: Đó là bọn tham nhũng hại nước hại dân. Dưới đây là bài thơ Ghét chuột (Tăng thử) của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Trời sinh ra lòng người

Ấm no theo lòng dục.

Ô! Xưa đời thánh nhân

Dạy dân trồng ngũ cốc

Cha mẹ được nuôi nấng

Vợ con có dưỡng dục

Chuột lớn kia bất nhân

Găm khoét thật thâm độc

Đồng ruộng trơ lúa khô.

Kho đụn hết gạo thóc

Nông phụ cùng nông phu

Bụng đói miệng gào khóc.

Mệnh người dám coi thường

Chuột mi sao tàn khốc

Ỷ thành và làm càn.

Thần, nhân đều hằn học

Mi làm mất lòng người.

Tất bị người tru lục.

Thây phơi chốn thị triều.

Thịt cho cú vọ rúc.

Khiến cho dân điêu tàn.

Thái bình được hưởng phúc.

Ai cũng muốn được ấm no, sung túc, đó là lẽ tất nhiên, nhưng bọn tham nhũng ăn vụng, ăn trộm hết thì còn đâu để nuôi cha mẹ, vợ con. Tội ác của bọn chúng thật lớn, thủ đoạn cũng vô cùng tinh vi, xảo quyệt. Con chuột ngày nay có cái miệng đa năng và cái bụng ác liệt hơn chuột ngày xưa nhiều: Không chỉ ăn lúa gạo nó còn ăn được mọi thứ như sắt thép, xi măng, phân bón, hàng cứu trợ bão lụt…

Mong rằng, năm Tý những con chuột tham nhũng sẽ bị trừ khử, thanh toán và cho vào lò lửa, như thế thì “Thái bình được hưởng phúc” như lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

THÒ ĐUÔI CHUỘT

Khoảng năm 1907 - 1913, quan công sứ Pháp ở tỉnh Bắc Ninh tên là Devin Tovere. Thạo chữ Hán, nói sõi tiếng Việt, y từng được bọn tay sai khen là một học giả. Devin Tovere đã đứng ra bắt dân phu xây dựng một chiếc Tam Môn ở đền Tam Á, bắt chước theo kiểu “Khải hoàn môn” ở Paris và tựtay hắn viết bốn chữ lớn Nam Giao Học Tổ ở cổng đền Sĩ Nhiếp (tên Thái thú đời Hán ở nước ta). Y đã tổ chức kỷ niệm Sĩ Nhiếp thật linh đình. Trong buổi lễ, tên công sứ Pháp tuyên thệ sẽ theo gót Sĩ Vương mang văn hóa Âu Mỹ sang giáo hóa cho dân tộc An Nam và khuyên người An Nam phải hết lòng vâng lời, phục tùng quan cai trị Pháp.

Sau việc làm đó, Devin Tovere hỉ hả vì tưởng đã lừa bịp được nhiều người. Không ngờ, ngay buổi chiều hôm đó, y đã nhận được một bài thơ không rõ của ai gởi tặng:

“Nước mẹ” bày ra cũng lắm trò.

Giả cầy trọng Đạo với sùng Nho.

“Nam Giao Học Tổ” tô tên hiện.

Bắc quốc văn nhân sửa miếu thờ.

Quan sứ học đòi quan Thái thú.

Ông Tây bắt chước kiểu thằng Ngô.

Ô hô, Nho Đạo là như vậy.

Đuôi chuột che đi vẫn cứ thò.

Với bài thơ ấy, âm mưu đen tối của Công sứ Pháp đã bị vạch trần. Nhục nhã hơn nữa là tác giả bài thơ đã coi y như một con chuột, dù là đầy mưu mô, xảo quyệt chuyên rình mò, phá hoại nhưng cuối cùng thì cũng lộ rõ bản chất xấu xa, gian trá. Devin Tovere như bị một cái tát vào mặt.

GIỎI ỨNG ĐỐI

Nguyễn Hằng là người làng Hoa Cầu huyện Văn Giang (Hưng Yên). Ông đậu tiến sỹ năm 39 tuổi, đời Hậu Lê, làm quan đến chức Đặc tiến kinh sử vinh lộc đại phu. Khi về hưu, ông được vua tặng chức Thái Bảo, tước Thọ kiều hầu. Tuy làm quan to nhưng tính tình giản dị, sống một cuộc đời thanh bạch, luôn giữvững khí tiết và rất vui tính.

Bạn đồng khoa của Nguyễn Hằng là Tiến sỹ Lê Thế Lộc, người làng Cót huyện TừLiêm (Hà Nội). Ngày nọ, Lê Thế Lộc sang chơi làng bạn, khi đi qua cầu Nghĩa Trụ, đọc đùa một vế xuất:

Sẻ đỗ đầu cầu đi lát sát.

“Sẻ đỗ đầu cầu”, cầu có nghĩa là qua sông vừa là làng Hoa Cầu của Nguyễn Hằng.

Nguyễn Hằng nghe xong liền đối ngay:

Chuột ngồi miệng cót vẩy le te.

Ai đã tận mắt quan sát những con chuột ngồi trên miệng cót thóc vừa ăn vừa vẩy trấu thóc tứtung, mới thấy vế đối của Nguyễn Hằng là sống động. Cót vừa là cót thóc, vừa là làng Cót, làng của Lê Thế Lộc.

Vế xuất đã hay, vế đối lại càng tuyệt. Trong vế đối ta như nghe rõ cả tiếng cười lạc quan của ông nghèthanh bạch.

VẾ ĐỐI CỦA NI CÔ

Lê Quý Đôn người làng Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông kiến thức uyên thâm, đời sau suy tôn là bác học. Lê Quý Đôn từng làm Đốc đồng sử ở Kinh Bắc. Lúc bấy giờ ở xứ Kinh Bắc có nhiều quan lại, nhà quyền quý áp bức, nhũng nhiễu dân nghèo. Khi ông đến nhậm chức thì nghiêm cấm lễ lạc và ức chế người dân. Dân nghèo được nhờ nên rất cảm kích và biết ơn ông.

Một lần, Lê Quý Đôn đến thăm chùa Phật Tích. Thời điểm ấy vào độ tháng mười, trên con đường vào chùa, chỗ thì có tiếng trống giục đẵn thông, chỗ thì có tiếng mõ rao giữ thóc, chim quạ bay nháo nhác trên trời. Chợt nảy ra một ýhay, Lê Quý Đôn liền xuất vế đối:

Tùng tùng trống giục đẵn thông, ô ngày trước quạ hay đỗ đó.

Vế ra chơi chữ rất hay: Tùng tùng là tiếng đánh trống, Tùng cũng là thông, ô cũng là quạ. Một câu diễn tả đúng cảnh vật lúc đó mà lại có hai cặp từ đồng nghĩa.

Đám quan lại đi cùng Lê Quý Đôn đều tấm tắc khen hay, nhưng bảo đối thì không ai đối được. Người dẫn khách đi vãn cảnh chùa lúc ấy là một ni cô. Ni cô bỗng khẽ khàng thưa:

- Kẻ này có trộm nghĩ được vế đối, nhưng chỉ e thất lễ.

- Không sao, mời ni cô!

Được khuyến khích, ni cô thong thả đọc:

Cốc cốc mõ rao giữ thóc, thử đêm nay chuột có ăn không?

Lê Quý Đôn giật mình. Vế đối rất chỉnh: Cốc cốc là tiếng gõ mõ, cốc cũng là thóc, thử cũng là chuột, hai cặp từ đồng nghĩa đó cũng đúng với cảnh vật quanh chùa, mà lại có ý sâu sắc. Thử đêm nay chuột có ăn không? Chuột nào? Chuột bốn chân hay chuột hai chân? Mặt khác, lại có ý nhắn nhủ: Cứ thử xem ông tân quan này làm ăn ra sao, có để cho bọn tham quan ô lại đục khoét của dân nữa không? Thật thâm thúy vô cùng!

Bình luận (0)

Lên đầu trang