Lời giải nào cho các di sản ở TP.HCM?

Thứ Ba, 11/06/2019 15:35  | Quang Hà

|

(CATP) Thực trạng di sản đang bị xâm hại, phá hoại tại nhiều địa phương gióng lên hồi chuông báo động.

Trong đó, nhiều di tích, di sản rất có giá trị về lịch sử, văn hóa tại TPHCM cũng bị xâm hại, thậm chí biến mất, nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng, chung cư cao cấp.

NHIỀU DI SẢN KHẢO CỔ... “BIẾN MẤT”!

Phát biểu tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 10-6-2019, tiến sĩ - kiến trúc sư (TS-KTS) Nguyễn Hạnh Nguyên (Trưởng bộ môn Lý luận lịch sử, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) nêu thực tế đau lòng: “Vấn đề là chúng ta có muốn bảo vệ di sản hay không thì sẽ tìm ra giải pháp. Còn nếu người ta không muốn thì sẽ chỉ tìm thấy lý do”.

Nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc sư khác cũng chung nhận định: TPHCM đang đứng trước nguy cơ bị mất rất nhiều di tích, di sản; trong khi đó, nhiều nước trên thế giới, họ đã nhận ra sự phá hủy di sản chính là “sự tự vẫn về văn hóa”.

Tòa nhà Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM - một trong những di sản đẹp, giá trị về kiến trúc xây dựng

Theo nhà nghiên cứu khảo cổ Lương Chánh Tòng, TPHCM có rất nhiều di tích khảo cổ học, niên đại hàng ngàn năm. Trong đó, có 2 di tích được công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia, là di tích lò gốm Hưng Lợi (Q8) và di tích Giồng Cá Vồ (H.Cần Giờ).

Các di tích này có niên đại khoảng 2.500 năm, giá trị lịch sử văn hóa được đánh giá rất cao, không chỉ ở trong nước mà còn đối với cả thế giới. Nhưng cho đến nay, những di tích này vẫn chưa gắn kết được với du lịch và với sự phát triển đô thị ở TPHCM.

Điều đáng buồn là di tích lò gốm Hưng Lợi được giới khảo cổ đánh giá chứa đựng rất nhiều những giá trị không chỉ trong lòng đất mà còn giá trị về phương thức kinh tế, kỹ thuật, do trên các di tích của TPHCM đều có dấu tích của lò gốm Hưng Lợi.

Tuy nhiên, cũng như di tích Giồng Cá Vồ, tại di tích lò gốm Hưng Lợi, hiện nay Nhà nước vẫn chưa xác định được quyền sở hữu để xác định di tích này là đất công. Vừa qua, hàng loạt lò nung gốm ở di tích lò gốm Hưng Lợi đã bị người dân phá hủy, san ủi hết.

Tại TPHCM, còn nhiều mảng kiến trúc cổ như đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, cảng... cũng không gắn kết được với sự phát triển, đặc biệt là các tour du lịch như nước ngoài đã làm. Ví dụ như lăng mộ ông Võ Duy Nghi (ở Cô Giang, Q.Phú Nhuận) là di tích gắn liền với nhân vật lịch sử, các yếu tố văn hóa lịch sử Sài Gòn - Gia Định thế kỷ XVIII - XIX.

Khi chúng ta thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hàng loạt di tích như: cảng Bến Nghé xưa, đồn Cá Trê... đã được kiến nghị cho thực hiện khảo cổ, nhưng trên thực tế tại các di tích đó, ngay từ khi xây dựng đã bị khoanh vùng, cấm vào vì nhiều lý do.

Một trong những lý do là các đơn vị xây dựng, chủ đầu tư rất “ngại” các nhà nghiên cứu văn hóa vào khảo sát sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình, quy hoạch đã phê duyệt... Chính vì điều đó, hàng loạt di tích đã bị xóa sổ. Mà khi đã bị xóa sổ rồi thì không còn cách gì để nhận thức và lập các tư liệu lưu giữ lại được.

Theo ông Tòng, giá như vào năm 2015, khi một loạt xóm Tàu Ô, cảng Bến Nghé bị san ủi, TPHCM chỉ cần đầu tư khai quật, nghiên cứu trong một tháng thì sẽ có được rất nhiều trang sử trong lòng đất được lưu giữ lại, mà sau này chúng ta có thể phục hồi, thực hiện bảo tàng.

CẦN CÓ “CÔNG CỤ” BẢO VỆ DI SẢN

TS-KTS Nguyễn Hạnh Nguyên cho rằng, câu chuyện bảo tồn di sản, di tích cần được thay đổi. Tại TPHCM, chúng ta đã phá hủy quá nhiều di tích và thực hiện việc bảo tồn quá trễ. Để thay đổi, việc đầu tiên là phải nhận diện được chúng ta phải có một công cụ thật sự để mọi người hiểu và thay đổi nhận thức của cả 4 thành phần: các nhà chuyên môn, nhà quản lý, nhà đầu tư là người nắm giữ di sản trong tay và cộng đồng.

Thực tế thì các doanh nghiệp rất khó có thể xác định họ làm đúng hay không. Nhiều doanh nghiệp chỉ nhìn thấy giá trị bất động sản và nhắm vào xây cao ốc, mà không cần biết dưới nền đất đó là cái gì, bất chấp việc mọi người bị mất đi một phần ký ức về lịch sử, văn hóa. Nếu kết nối chủ đầu tư và người chuyên môn về di sản thì chủ đầu tư sẽ nghĩ khác. Khi đó, việc giữ gìn di sản trong giai đoạn mới sẽ thể hiện tầm của chủ đầu tư. Đồng thời, giữ gìn di sản để hoạt động trong giai đoạn mới cũng là tầm của một thành phố.

Những mảnh gốm phát lộ về di tích lịch sử cảng Bến Nghé xưa

Theo TS-KTS Nguyên, có nhiều giải pháp để bảo vệ di sản văn hóa, song lại thiếu công cụ đã được cụ thể hóa. Hiện nay, mặc dù chúng ta đã có Luật Di sản từ rất lâu rồi, nhưng việc thực hành nhiều điều trong luật này không thể làm được, bởi quy định còn quá chung chung. Đó là di sản văn hóa, nhưng trong di sản văn hóa có bao nhiêu câu chuyện, như: di sản thiên nhiên, di sản vật thể, di sản phi vật thể, di sản kiến trúc, di sản kiến trúc trong đô thị...

“Khi có quá nhiều di sản như thế, chúng ta cần Luật Di sản thì sẽ không thể làm được gì. Vấn đề là phải cụ thể hóa đó là luật gì. Luật Di sản đối với thành phần riêng kiến trúc đô thị thì dù khó cũng phải làm. Hiện nay, chúng ta có các quy hoạch chung, quy hoạch 1/2000, quy hoạch 1/500, nhưng chưa bao giờ chúng ta có một quy hoạch di sản nằm trong một quy hoạch chung của đô thị. Đặc biệt là đối với các đô thị di sản, như: TPHCM, Đà Lạt, Hà Nội, Hải Phòng, Sapa. Nếu TPHCM quan tâm và bắt đầu từ bây giờ thì vẫn còn kịp” - TS-KTS Nguyên chia sẻ.

Hiện nay việc thực hiện quy chế quản lý di tích cũng rất kém. Di sản không tồn tại độc lập một cách vật lý mà nó tồn tại theo một hệ thống của các ngành khác nhau và ngành nào cũng được hưởng lợi từ di sản chứ không chỉ là ngành du lịch, văn hóa, kinh tế. Vậy nên khi tư duy lối ra cho di sản cần có sự tham gia của tất cả các ngành đó, gọi chung là tư duy đa ngành khi thực hiện nghiên cứu, phân tích và đưa ra giải pháp.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu:

Giá trị di sản của kiến trúc đô thị, đặc biệt là TPHCM có giá trị về lịch sử. Thứ hai là có giá trị nhận diện, tạo nên bản sắc của đô thị. Thứ ba là từng công trình cảnh quan mang giá trị kiến trúc nghệ thuật, nói lên lịch sử quy hoạch của đô thị đó theo một định hướng như thế nào và tất nhiên nó có giá trị kinh tế.

Giá trị kinh tế của di sản không phải đến trực tiếp bằng tư duy “tiền tươi, thóc thật” mà nó phải đi đường vòng. Vấn đề là chúng ta phải nhìn thấy con đường vòng đó để khai thác giá trị kinh tế, chứ không phải chúng ta đòi hỏi di sản phải cho giá trị ngay lập tức.

Riêng với TPHCM, nếu chúng ta không ứng xử một cách tôn trọng với quá khứ của một đô thị thì việc nhìn nhận, đánh giá lịch sử sẽ không có sự nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan.

Để phát triển di sản bền vững, di sản là bản sắc của đô thị mà đô thị không còn bản sắc thì sẽ không còn phát triển được về văn hóa, du lịch. Trong phát triển, chắc chắn chúng ta sẽ có sự đánh đổi hoặc thỏa hiệp.

Tuy nhiên, chúng ta phải xác định trong đô thị có những giá trị không thể đánh đổi, nhất là các khu trung tâm, nơi chứa đựng những giá trị lịch sử, giá trị di sản lớn nhất. Cạnh đó, TPHCM còn có nhiều di sản như: bến cảng, kênh rạch, bến tàu... đã trở thành những di sản nhận diện của Sài Gòn từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX. Nếu chúng ta không nhận diện được nó thì một phần chúng ta đã đánh mất nó.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM:

Về di sản văn hóa phi vật thể, TPHCM có nhiều điểm tham quan nổi tiếng, như: di tích lịch sử địa đạo Bến Dược, Hội trường Thống Nhất, Trụ sở UBND TP, Bưu điện TP... Trong số 536 ngàn hiện vật lưu trữ trong hệ thống bảo tàng cũng được du khách biết đến.

Tuy nhiên, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đã có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa. Thời gian qua, ở một số di sản nổi tiếng, đã có những hoạt động đầu tư phát triển, trong đó có những xâm hại nghiêm trọng tới di sản mà trong giai đoạn kế tiếp sẽ phải trả giá rất đắt cho việc phục hồi những giá trị di sản đã bị xâm hại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang