Một thoáng 30 năm

Thứ Sáu, 02/09/2016 01:10

|

(CAO) Sau 10 năm lưu hành nội bộ, ngày 2-9-1986,  Báo Công an TPHCM phát hành rộng rãi trong xã hội. Một tờ báo mà nhiều độc giả có danh phận đã từng nhận xét là “một sản phẩm báo chí hết sức đặc biệt”, số đông giới bình dân thì lại cho rằng “người bạn đường” của họ. Thật diễm phúc cho những người tạo ra một sản phẩm, nhất là món ăn tinh thần, lại được xã hội đón nhận nồng nhiệt và tình cảm, sự tin cậy đó giữ vững trong suốt mấy thập niên.

Ấy vậy mà đã ba mươi năm rồi. Thời gian là thước đo nẩy mực cho mọi diễn biến của cuộc sống, nhất là về sự thành bại, hay dở của một con người, một đơn vị. Với con người, ba mươi năm là đã làm xong một sự nghiệp, với đơn vị, nó cũng đủ độ dầy để chứng minh khả năng hoạt động. Nói điều gì trong chuỗi tháng ngày chồng chồng, lớp lớp, bao nhiêu con người đã thay ngôi đổi vị, vao nhiêu sử ký đã thuộc nằm lòng.

Báo  Công an TPHCM trên sạp báo

Tôi là người góp mặt ở tờ báo từ những ngày đầu gian khó, nhận thấy những mặt mạnh, điểm yếu của đơn vị, trong nhiều năm qua hầu như người ta đã đánh giá đầy đủ hết rồi. Có khác chăng, là từ một tờ báo tuần, ngày nay Công an TPHCM đã phát triển đến ngưỡng một nhật báo. Điều này cho thấy những lớp chỉ huy kế tục luôn khát khao cống hiến, không chấp nhận thụ hưởng những gì đã có sẵn, tạo ra một sức bật mới, chấp nhận đương đầu với những khó khăn nghề nghiệp mà ai cũng có thể nhận thấy. Đó là điều đáng quý.

Độc giả trung thành của báo
Trang Nhất báo Công an TPHCM phát hành ngày 2-9

Làm báo ngày nay khó lắm. Nếu như trước kia độc giả chờ đợi kiên trì đến cả tuần để đọc tiếp một bài tường thuật vụ án, thì ngày nay sự đòi hỏi đó chỉ gói gọn trong một ngày, thậm chí chỉ trong một giờ, nửa giờ. Khó có tờ báo tuần nào sống nổi trước sự thôi thúc ấy, cả những tờ báo ngày cũng phải ngụp lặn trước cơn bão thông tin đến từ các phương tiện điện tử. Sự tranh giành độc giả không chỉ thuộc về yếu tố bài hay, mà còn cần phải nhanh, phải nhạy, đáp ứng những điều mà họ đang quan tâm nhất. Cái tố chất quan trọng của người cầm bút là phải biết xông pha, thậm chí dám hy sinh. Bởi thông tin hay văn hóa – tư tưởng cũng là một mặt trận. Mà đã chiến đấu thì chắc chắn không chỉ nghĩ đến thành công, còn phải đối mặt với những thất bại, tổn thất. Chỉ có lòng quyết tâm và sự hy sinh mới giúp con người vượt qua các chướng ngại, đạt đến mục đích mà mình mong muốn. Nguyễn Công Trứ đã đúc kết một câu rất hay: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng, hào kiệt có hơn ai…”!

Những ngày này, nhân kỷ niệm 30 năm ngày báo ra công khai, ngoài công việc chuyên môn, khi hỏi những kỷ niệm riêng tư, nhiều anh em kể cả phóng viên lẫn nhân viên trị sự đều nhắc đến sân bóng đá Tao Đàn. Ồ! Nghe cũng chí lý! Trong hơn 20 năm, cái sân bóng cạnh cơ quan hầu như là bạn đồng hành của Báo CATP. Nó không chỉ là nơi mà suốt một thập niên (1995 – 2005), đội bóng đá Báo CATP đứng trên tốp đầu bảng các đội bóng phong trào, không chỉ ghi danh là đối thủ hùng mạnh trong các giải mini của làng báo thành phố, nó còn là nơi giúp nhiều anh em rèn luyện thể lực, tìm phút thư giản sau thời gian làm việc mệt nhọc.

Phóng viên, biên tập viên Báo Công an TPHCM

Trên sân Tao Đàn, với bóng đá tôi cũng ghi chép được nhiều kỷ niệm. Ngày 23-4-2004, một ngày khó quên, nhằm tìm cách giúp đỡ đồng bào nghèo khi mùa mưa bão sắp đến, một trận đấu bóng đá giữa Báo CATP và Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ diễn ra. Trước ngày thi đấu, khi gặp Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty Đồng Tâm, tôi gợi ý: “Lâu rồi, mình chưa phối hợp một việc gì cụ thể để siết chặt tay nhau, Thắng thấy thế nào?”. Nhà làm kinh tế trẻ tuổi, đẹp trai, vui tính hứng khởi nói: “Ô kê ngay, anh đưa kế hoạch đi”. Biết Thắng là người mê bóng đá, tôi đề nghị tổ chức trận đá bóng gây quỹ từ thiện xây nhà tình thương cho người nghèo, đặc biệt là ở nông thôn. Thắng nói mạnh mẽ: “Quá được! Dự kiến bao nhiêu căn?”, tôi ước chừng 50 đến 60 căn. Anh bạn trẻ dứt khoát: “Ấn định 100 căn. Mình hy vọng sẽ được nhiều hơn thế nữa!”. Lòng tôi như mở cờ và cuộc vận động được hai bên tiến hành ráo riết.

Ngày ra quân, bên đội Doanh nghiệp trẻ còn có Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên; Thái Tuấn Chí, Giám đốc Công ty dệt Thái Tuấn; Trần Lệ Nguyên, Giám đốc Công ty Kinh đô… đặc biệt, có sự hiện diện của ông Calisto, nguyên huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Trận đấu kết thúc, tỷ số thu được là… 125 căn nhà tình thương. Một kết quả quá đẹp, ngoài sự mong đợi (nếu tính theo qui định bây giờ thì số tiền chi ra khoảng 5 tỷ). Tôi và Thắng mừng rỡ ôm nhau. Bóng đá là như thế, không chỉ là trò chơi, đôi khi có còn thể hiện tính nhân văn cao quý!

Trong lịch sử hơn 300 năm Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, vườn Tao Đàn là một trong những địa danh nổi bật, được nhiều người biết đến, ít nhất là từ 150 năm trước với cái tên Jardin de la Ville, mà người Việt quen gọi Vườn Ông Thượng hay Vườn Bờ-rô (Préau). Tọa lạc khiêm tốn ở một góc Công viên Tao Đàn, trong lịch sử non trẻ của mình, Báo Công an thành phố cũng đã góp phần chăm thêm màu xanh cho khu vườn đáng yêu ấy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang