(CAO) Nhạc sĩ ca khúc “Về đây nghe em” cho biết: “Hơn hai năm trước tôi bị một cơn bạo bệnh, tưởng chừng không qua khỏi, một số anh em báo chí và bằng hữu đến thăm. Có lẽ ai đó đưa thông tin lên mạng xã hội nên mọi người không biết mới 'đồn đại' như vậy”.
Gắn bó với công việc sáng tác gần nửa thế kỷ, theo dõi sự trưởng thành của nhiều thế hệ nhạc sĩ đàn anh đi trước như Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Văn Cao…nhạc sĩ Trần Quang Lộc nói rằng: “Dù đi đâu, ở đâu tôi vẫn dành tình yêu đặc biệt cho âm nhạc, nhớ về quê hương và vẫn sẽ viết về quê hương. Âm nhạc theo thời gian có nhiều biến đổi, bức phá, tiếp cận với nhiều vùng miền từ giai điệu đến tiết tấu, âm nhạc Việt Nam có rất nhiều nhạc sĩ xuất hiện làm mới đi các ca khúc để phù hợp với giai đoạn”.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc
Vào những năm 1970 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Trần Quang Lộc bắt đầu cho ra đời những ca khúc như: Về đây nghe em, Có phải em… mùa thu Hà Nội, Lạy Mẹ tàn phai... thời kỳ ấy được khán giả hưởng ứng tích cực và được phát trên Đài phát thanh, ra băng cassett và cuộc hành trình tìm kiếm âm thanh của nhạc sĩ Trần Quang Lộc bắt đầu từ đó.
Ông đã phổ biến cho khoảng 30 ca khúc qua các giọng ca có ít nhiều tên tuổi thời kỳ bấy giờ và hiện nay những cái tên đó đã thành danh và có chỗ đứng nhất định trong nền âm nhạc Việt Nam và hải ngoại.
Được sinh ra ở Gio Linh, tỉnh Quảng Trị lớn lên trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, mồ hôi và nước mắt quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn ông khôn lớn. Một vùng đất đầy nắng gió ở dải đất miền Trung đã hun đúc trái tim người nhạc sĩ để viết nên những ca khúc đi cùng năm tháng, đồng hành cùng sự trưởng thành của nhiều thế hệ ca sĩ.
Riêng ca khúc Về đây nghe em được trình diễn nhiều nhất và cũng chính ca khúc này đã để lại trong lòng nhạc sĩ nhiều cảm xúc khó lãng quên, hầu hết ca sĩ trong và ngoài nước đã hơn một vài lần trình bày. Thật ra, mỗi ca sĩ đều có một phong cách riêng nhưng đa số họ thay đổi phần hòa âm, tiết tấu để khác với những lớp ca sĩ đi trước.
Đến với âm nhạc như một định mệnh rồi duyên nợ đưa ông đến tận cùng hành trình sáng tác. Hơn 15 năm sống ẩn cư, không vướng bận bon chen cuộc đời và dường như “vắng bóng” trên các diễn đàn, báo chí. Thậm chí, có người “đồn đại” rằng ông đã mất, chia sẻ về điều này, nhạc sĩ cho biết: “Hai năm trước tôi bị một cơn bạo bệnh, tưởng chừng không qua khỏi, một số anh em báo chí và bằng hữu đến thăm. Có lẽ ai đó đưa thông tin lên mạng xã hội nên họ không biết mới 'đồn đại' như vậy”.
Về những dự định âm nhạc trong tương lai, nhạc sĩ cho hay: “Từ nay đến cuối đời tôi phát hành khoảng 5 Album nhạc với 5 chủ đề khác nhau, hy vọng những ấn phẩm âm nhạc mới sẽ làm hài lòng quý bằng hữu và thính giả. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các bằng hữu và thính giả trong và ngoài nước đã yêu mến âm nhạc của tôi và đã cho tôi những lời động viên chân tình khi nằm trên giường bệnh”.