Tiền hiền Tạ Dương Minh là người có công lớn đối với việc khai khẩn, phát triển của vùng đất Thủ Đức thuở mới lập ấp.
Từ lúc còn sơ khai, vùng đất Thủ Đức ngày nay tương ứng với huyện Ngãi An của tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai). Sau nhiều biến thiên của lịch sử, nhập rồi tách, vùng đất này sát nhập vào tỉnh Gia Định (TPHCM ngày nay).
Dưới thời Pháp thuộc, ngày 9-10-1868, tên Thủ Đức xuất hiện với việc huyện Ngãi An tách ra lập khu thanh tra độc lập, mang tên gọi là khu thanh tra Thủ Đức.
Chợ Thủ Đức đã hơn 150 năm tuổi, nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn như lúc mới xây dựng, chỉ sửa sang chút ít
Tiếp đó, ngày 1-1-1911, tỉnh Gia Định được người Pháp chia thành 4 quận là: Hóc Môn, Thủ Đức (gồm cả Q.2 và Q.9 ngày nay), Gò Vấp và Nhà Bè. Như vậy tên gọi Thủ Đức đã xuất hiện cách nay ít nhất 150 năm.
Về danh xưng Thủ Đức, dựa vào các di tích và sử liệu còn ghi lại, có ông Tạ Dương Minh (còn gọi là Tạ Huy, hiệu Thủ Đức), thủ lĩnh của thiểu số người Hoa "bài Thanh phục Minh" bị nhà Thanh truy đuổi ráo riết nên lẩn tránh, di cư sang Việt Nam xin thần phục nhà Nguyễn và tự nguyện làm thần dân nước Việt.
Với chính sách "chiêu dân lập ấp" rộng rãi của triều đình lúc bấy giờ, ông Tạ Huy đã được thu nhận. Tại vùng Linh Chiểu Đông xưa kia, họ đã cùng một số cư dân người Việt, người Champa, người Chân Lạp khai khẩn đất hoang, mở rộng canh tác rồi lập nghiệp.
Phần mộ tiền hiền Tạ Dương Minh hình voi phục
Để thuận tiện cho người dân buôn bán, ông Tạ Dương Minh cho xây ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đẹp, thuận tiện giao thương ở khu vực này và gọi là chợ Thủ Đức – một trong những ngôi chợ lớn và sầm uất của Sài Gòn thời bấy giờ.
Trước đây, bên hông chợ Thủ Đức còn có ngôi nhà từ đường thờ ông Tạ Dương Minh, nhưng sau năm 1975, khánh thờ của ngôi từ đường này được dời vào đình Linh Chiểu Đông (tức đình Linh Đông), P.Linh Chiểu (Thủ Đức). Trong từ đường có biển ghi bằng chữ Hán, nội dung được dịch là: "Từ đường Tạ Dương Minh, tiền hiền họ Tạ, hiệu Thủ Đức húy Huy - Chánh đản ngày 19-6".
Cũng tại P.Linh Chiểu có một ngôi mộ cổ tọa lạc trên diện tích khoảng hơn 100 mét vuông, kiến trúc theo hình voi phục, có hai vòng tường dày gần nửa mét bao trong ngoài.
Toàn cảnh khu mộ tiền hiền Tạ Dương Minh mới được trùng tu, khang trang, sạch đẹp
Phía trước mộ là tấm bia đá gắn liền với chân mộ, khắc chữ Hán, nội dung như sau: “Mộ ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức, tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông nước Đại Nam. Ông mất ngày 19-6. Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2 năm 1890”.
Ngôi mộ này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2007. Qua quan sát, mộ nằm trên gò đất cao so với các vùng xung quanh của P.Linh Chiểu, cách chợ Thủ Đức khoảng 500 mét.
Do ngôi mộ xuống cấp nên mới đây chính quyền địa phương và ngành Văn hóa thông tin quận tổ chức quyên góp các mạnh thường quân để trùng tu, với kinh phí gần 120 triệu đồng, vừa khánh thành vào ngày 22-7-2016.
Hiện còn hạng mục tấm bia đá ghi thông tin để dựng tại khu mộ và hệ thống bảng chỉ đường vào khu mộ, kinh phí dự kiến khoảng 30 triệu đồng, đang tiếp tục được vận động để thực hiện.
Quận Thủ Đức hôm nay đang trên đà phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình hiện đại
Trao đổi với chúng tôi, chú Tín (49 tuổi), sống từ nhỏ đến lớn gần khu mộ trên cho biết: “Người dân ở đây xưa nay gọi khu mộ này là mộ ông tiền hiền, hương khói mỗi ngày, đến ngày cũng giỗ có phường, quận xuống tổ chức. Theo thời gian ngôi mộ bị xuống cấp, sứt mẻ nhiều chỗ nên mới được trùng tu lại khang trang như hiện nay”.
Trong tác phẩm Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong (NXB Phát Toán, năm 1909) có bài thơ về vùng đất Thủ Đức, xin trích một số câu:
“Thủ Đức chợ nhóm rất đông
Hai bên phố xá chánh trung nhà làng
Đình thần vén khéo nghiêm trang
Thưởng niên tế tự kỷ cang kinh thành
Dẫu xưa chữ nghĩa học hành
Nay hãy để dành khí tập phong thinh
Thuở xưa ông Tạ Dương Minh
Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu này…”
Từ những thông tin trên có thể khẳng định, do những đóng góp to lớn của ông Tạ Dương Minh - Tạ Huy - Thủ Đức đối với vùng đất này, nhất là việc khai lập chợ Thủ Đức tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày này, nên ông đã được nhân dân nơi đây tôn thờ phụng. Và cũng từ tên ngôi chợ nổi tiếng nhất vùng mà phát sinh ra tên gọi Thủ Đức cho đến ngày nay.