Thú tiêu khiển của Tả quân Lê Văn Duyệt nơi Gia Định thành

Chủ Nhật, 07/02/2021 19:59

|

(CATP) Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) là người duy nhất hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành, để lại dấu ấn lớn về sự cai trị vùng đất phương Nam. Ghi nhận trong thời gian trấn nhậm đất này, Đức Tả quân có những thú vui giải trí vừa thanh tao vừa đầy sức mạnh.

“Phan An tọa trấn sửa xây kim thành”

Nói đến Tả quân Lê Văn Duyệt, ngày nay nơi quận Bình Thạnh, Lăng Ông Bà Chiểu vẫn là chốn linh thiêng dân chúng khắp nơi đến chiêm bái, tưởng nhớ ơn của ông với vùng đất phương Nam, nhất là công lao khi hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành (1812 - 1815, 1820 - 1832). Nguyễn Liên Phong trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca ghi nhận:

Ông Lê Văn Duyệt rất hay, Phan An tọa trấn sửa xây kim thành.

Công nghiệp của ông khi trị nhậm đất phương Nam, được Việt Nam danh tướng yếu mục khái quát: “Chẳng bao lâu tiên sanh đã dẹp an cả bọn chòm ong ổ kiến ấy. Tiên sanh sắp đặt việc cai trị xứ Nam Kỳ rất kỹ lưỡng, một mực công bình; có công thì thưởng có tội thì răn, nên chi những quân cướp đảng, nghe danh tiên sanh thì tan rã, thế chẳng khác giò đè cỏ yếu, nắng rã sương mai”. Lân bang là Xiêm và Chân Lạp thì sợ uy. Đại Nam liệt truyện thì đánh giá: “Lấy lợi trừ hại, dân tình yên ổn lắm”.

Đó là nói tới việc cai trị. Còn trước đó khi xông pha nơi sa trường, vị tướng họ Lê được biết tới là người can đảm có thừa, như Nhật Nham Trịnh Như Tấu miêu tả trong bài viết “Tả quân Lê Văn Duyệt” đăng trên Tri Tân tạp chí số 28, ra ngày 19-12-1941: “Luôn luôn Lê đi tiên phong, xông pha tên đạn, treo gương dũng mãnh cho quân đội soi chung”. Trong chiến đấu, Việt Nam nhân thần giám ngợi khen là “Ông ấy đi đến đâu thì giặc nào cũng yên, và mọi nào cũng phục”. Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca thì thi tán việc này:

Phó thang tạo hỏa chiến trường, dự trăm trận đánh trải đường binh nhung;

Dãi dầu biết mấy lao công, Phò an chơn mạng Gia Long thái bình.

Dành trọn đời giúp Gia Long phục quốc, an dân để xây nền thái bình. Việc quân quốc trọng sự bận bịu thế, nhưng khi rảnh rỗi, Đức Tả quân cũng dành cho mình những thú vui riêng. Mà thú tiêu khiển ấy, phần nào nói lên tính cách và ảnh hưởng bởi khí chất của ngài. Việt Nam danh tướng yếu mục cho biết từ dạo nhỏ, thú vui của Tả quân tương lai lúc đó đã là thích những trò liên quan đến cung tên nên suốt ngày theo bạn bè chăn trâu lúc tập binh, lúc tập võ, rồi lại bẫy chim, bắt cá… Đến khi lớn lên, qua những xông pha trận mạc, những lằn ranh sinh tử… thú tiêu khiển của vị Tổng trấn đầy tính chiến đấu.

Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt

Thích voi đấu hổ, ham chơi chọi gà

Ghi nhận ở Tả quân Lê Văn Duyệt, trò tiêu khiển yêu thích của ngài là cho hổ đấu với voi hay chơi chọi gà. Trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs), Trương Vĩnh Ký cho hay: “Ông đã cho lập một thao trường để cho người, hổ và voi vật lộn nhau. Ông còn ưa các cuộc chọi gà”… “Người ta kể lại rằng những con hổ ông nuôi để đấu vật đều sợ ông và tuân theo giọng nói của ông”. Trong nghiên cứu Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841), Choi Byung Wookông tổng hợp từ các sử liệu Việt Nam còn cho rằng ông đã nuôi 100 con gà, 100 con chó. Mỗi khi ông ở nhà luôn có một con hổ và năm mươi con chó theo chân.

Việc luyện voi cũng cho thấy được cái uy của ông trước loài vật to lớn, hoang dã: “Những con voi bất trị nhất, đặc biệt trong thời kỳ muốn giao hợp, chỉ sợ một mình quan Tổng trấn. Voi lớn nhất và dữ nhất tên là Voi Vinh; một khi nó nổ cơn điên thì tàn phá, lôi kéo, lật đổ tất cả những gì gặp trên lối đi qua. Khi được tin ấy, ông Tổng trấn lên một chiếc cáng trống trải, đến thẳng mặt chú voi khổng lồ, ông kêu tên nó và ra lệnh cho nó phải trở nên yên lặng. Voi ta như hiểu biết, nguôi giận tức thì”.

Thêm một phần thuộc vào hàng truyền thuyết, ấy là Điếu cổ hạ kim thi tập cho rằng Tả quân là người cầm tinh cọp bạch, vì thế ảnh hưởng đến tính khí mạnh mẽ của ông. Lại trong Việt Nam trung hưng công thần Lê Văn Duyệt do Đặng Thúc Liêng dịch, có đề cập đến những linh dị của ông liên quan đến cọp dữ. Tỉ như việc dân Quảng Ngãi hay bị hại vì cọp, khi biết chuyện Tả quân thu phục được cả bầy nằm mọp nghe lời; hay có lần ở Hóc Môn có cọp quấy dân, quan ở Bình Long cấp báo, vị Tổng trấn liền lệnh cho quân sửa soạn xuống bắt cọp. Đêm ấy cọp quanh bưng Tầm Lạc rống gọi nhau bỏ đi hết vì sợ…

Ham thích chọi gà từ dạo chưa thành danh, nên tài coi tướng gà của Lê Văn Duyệt được nhiều người biết đến, như lời Nguyễn Liên Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập ghi: “coi chạn [vóc dáng] gà định ăn thua hay lắm, mỗi khi ngài bước tới trường gà, thời mấy ông chủ kê đều mượn ngài coi, ngài coi rồi, định chạn ăn thua mười chạn không sai một, cho nên bữa nào có đá gà, thì ngài đều đặn có tiền thưởng nhiều ít”. Vẫn về món đá gà, Cao Hải Để khi viết và in tác phẩm Lê Văn Duyệt tiểu sử năm 1924 cũng ghi tương tự trên và cho rằng thú đá gà là cái thú mà Lê Văn Duyệt thích chí nhất.

Kinh tượng vệ thời Nguyễn

Yêu cây cỏ, nghe tuồng hát bội

Không chỉ ưa cảm giác mạnh với những thú tiêu khiển đậm chất chiến đấu, vị Tổng trấn Gia Định thành cũng dành riêng cho mình những phút giây thư thái đậm chất thanh tao, nhàn nhã. Trong Chuyên khảo về tỉnh Gia Định của Hội Nghiên cứu Đông Dương cho biết ở tư gia của Tổng trấn thuộc Bình Hoa, tương ứng với khu vực Lăng Ông hiện nay, Tả quân có một khu vườn rộng lớn đến tận rạch Cầu Bông và rạch Thị Nghè: “Đây là nơi ông thích đến để nghỉ ngơi giữa hoa lá, vườn của vị quan này có những loại hoa rất hiếm, với bầy gà chọi (bầy gia cầm nổi tiếng trong vương quốc), bầy ngựa và các tài tử của ông”.

Năm 1819, đại úy hải quân Mỹ là John White ghé thăm Sài Gòn và ghi lại cảm nhận qua tác phẩm A voyage to Cochinchina (Chuyến du hành sang Việt Nam), trong đó miêu tả lại nơi ở của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, chú ý tới các chi tiết như những chậu sứ trồng nhiều loại cây trong nước và cả nhập từ nước ngoài, và bên cạnh phòng làm việc của ngài “là một khu vườn được tổ chức theo một sở thích đáng ca ngợi, trong đó có rất nhiều loại cây ăn trái”.

Các tài tử được Chuyên khảo về tỉnh Gia Định đề cập là các nghệ sĩ hát tuồng, một loại hình nghệ thuật sân khấu phổ biến dạo ấy được Lê Văn Duyệt ưa thích. Quan Tổng trấn là người đích thân nuôi, bảo trợ cho họ và ngài cũng dựng rạp hát riêng. Theo ý kiến của Trương Vĩnh Ký, sân khấu dành cho tuồng được dựng ở ngoài cổ thành, vị trí tương ứng với địa phận của Hội trường Thống Nhất (dinh Thống đốc xưa) và trường THPT Lê Quý Đôn sát ngay cạnh (xưa là trường Chasseloup Laubat).

Trong tác phẩm Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa có ghi nhận từ các tài liệu cho hay thời gian 1822 - 1823, đoàn sứ bộ Miến Điện đã đến nước ta xin giao hảo nhưng không được vua Minh Mạng tiếp. Trước khi đoàn rời Sài Gòn về nước, đã được Tổng trấn Lê Văn Duyệt mời xem một buổi diễn tuồng hát bội, trong buổi diễn đó có diễn vở tuồng liên quan sự tích Phàn Lê Huê.

Bình luận (0)

Lên đầu trang