(CATP) Để hội nhập và phát triển, chúng ta cần chuẩn bị một nền tảng văn hóa vững bền mới có thể tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Muốn phát triển văn hóa, con người, nguồn nhân lực trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, đầu tiên chúng ta tiếp cận từ góc độ di sản.
Hơn 320 năm trước, Bến Nghé - Sài Gòn xưa là nơi tiếp nhận các nguồn lưu dân từ các tỉnh miền Trung (Ngũ Quảng) và những di dân người Hoa. Đến thế kỷ XX, nhiều cư dân ở các tỉnh trong cả nước đến Sài Gòn định cư, lập nghiệp. Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị đón nhận những ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Sự giao thoa từ văn hóa vật thể, như: các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các hệ thống hiện vật...; đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, món ăn, trang phục, ma chay, cưới hỏi, văn hóa nghệ thuật, lối sống, nếp sống..., tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng tại đây.
Người Việt di cư vào Sài Gòn từ thế kỷ XVII, cộng đồng luôn tôn trọng giá trị của văn hóa địa phương, học hỏi văn hóa địa phương để bổ sung vào kho tàng văn hóa của mình mang theo vào vùng đất mới, tạo nên một phong cách văn hóa Sài Gòn - TPHCM có những nét độc đáo, đặc sắc. Do nhiều nguyên nhân, không ít di sản văn hóa của TPHCM chưa thực sự được đề cao, bảo tồn đúng mức nên bị thất truyền, mai một.
Ngày nay, sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự di cư ồ ạt của một lực lượng lao động ở các vùng trên cả nước, cùng tập trung sinh sống ở các đô thị lớn. Các cộng đồng dân cư mới đến cũng không quan tâm, chú trọng đến văn hóa truyền thống địa phương, mà ứng xử với nhau theo văn hóa ở làng quê mình. Chính sự thiếu tôn trọng văn hóa địa phương khi di cư đến vùng đất mới, khiến vùng đất đó ngày càng mất đi bản sắc văn hóa.
Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, TPHCM có khoảng 9 triệu dân. Trong thực tế, có khoảng 13 triệu người đang sinh sống và làm việc, trung bình mỗi năm thành phố tăng khoảng 200 ngàn người. Nếu thành phố chưa chuẩn bị cho xây dựng các chuẩn mực về văn hóa, với tốc độ phát triển kinh tế, dân cư như trên sẽ dẫn đến các hệ lụy khôn lường.
Ở TPHCM, những phường, khu vực trung tâm thành phố khi văn hóa đã định hình rõ nét, sẽ khó có thể bị phai nhạt bởi sự di dân. Dân cư mới đến chỉ là thiểu số và phải tôn trọng văn hóa, phong cách ở nơi đã định hình. Tuy nhiên, những vùng ven như các quận: Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức; các huyện ngoại thành như: Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, với nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất ngày càng phát triển, thu hút lực lượng lao động ở các nơi đổ về. Những cộng đồng cư dân truyền thống lại là thiểu số so với lực lượng lao động mới đến. Dân di cư không quan tâm đến bản sắc văn hóa địa phương, vẫn ứng xử theo văn hóa mang từ quê nhà.
Văn hóa có những giá trị đại đồng, nhưng cũng có những giá trị khu biệt. Văn hóa khu biệt đó chỉ có giá trị ở tại một khu vực, một cộng đồng. Ra khỏi cộng đồng đó thì giá trị văn hóa ấy có khi không phù hợp, thậm chí đối nghịch với văn hóa ở nơi khác. Tôi cho rằng, sự xuống cấp văn hóa, xuống cấp đạo đức phần lớn cũng từ những nguyên nhân trên. Muốn tiếp thu được tinh hoa của người khác thì bản thân văn hóa của chúng ta phải bền vững, chúng ta phải có vốn về văn hóa. Nếu không cẩn trọng, ta chỉ tiếp thu được cái xấu, cái thô của người khác, thậm chí mất luôn cả cái mà chúng ta đã dày công xây dựng.
Để xây dựng nền văn hóa được hài hòa, cần xác định hệ giá trị văn hóa địa phương, văn hóa các cộng đồng tộc người cũng như văn hóa quốc gia. Từ đó, tạo nền tảng vững bền về văn hóa, vốn văn hóa để bước vào hội nhập, chủ động hội nhập và tiếp thu được tinh hoa. Các công ty, xí nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào địa phương, cần có sự cam kết đầu tư, hỗ trợ cho văn hóa địa phương. Có như thế, sự phát triển văn hóa mới đồng bộ, vững bền.
Mặt khác, cần nhìn nhận có chọn lọc những thế mạnh để phát triển văn hóa, những di sản không thể bảo tồn, phát huy, cần chấp nhận cho sự suy giảm để dành kinh phí đầu tư phát triển văn hóa khác. Cần xác định rõ những chuẩn mực văn hóa truyền thống ở TPHCM và xây dựng những chuẩn mực mới chung cho con người trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS Lâm Nhân (Đại học Văn Hóa)