(CAO) Tại “Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa” được tổ chức tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) vào 16-17/5, một thí sinh tham dự phần thi “Thiếu nữ với sắc phục dân tộc” bằng bộ trang phục truyền thống dân tộc Thái “không có áo”. Ngay sau khi Báo điện tử Công an TP.HCM có bài phản ánh, chúng tôi tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến chuyên sâu về sự việc này.
Như bài viết trước chúng tôi đã phản ánh, tại “Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI”, thí sinh Hoàng Thị T. (Đơn vị dự thi huyện Triệu Sơn) có mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc Thái nhưng lại “không có áo”, trong phần thi “Thiếu nữ với sắc phục dân tộc”. Lý giải cho sự khác thường này, ông Bùi Kim Dậu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - TDTT huyện Triệu Sơn cho rằng đây là bộ “Trang phục truyền thống dân tộc Thái cách tân.” |
Trao đổi với chúng tôi về việc có hay không sự “cách tân” trong trang phục truyền thống dân tộc Thái? Nhà nghiên cứu văn hóa Thái - ông Cao Bằng Nghĩa (trú tại bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhận định: “Trong sự phát triển của dân tộc Thái đúng là có sự cách tân, đổi mới trong trang phục. Dễ nhận thấy nhất là sự cách tân ở chiếc áo Cóm. Ngày nay như chúng ta đã thấy, để phù hợp hơn với đời sống sinh hoạt, chiếc áo Cóm đã có sự thay đỏi là chất liệu, màu sắc và hoa văn rất phong phú; độ dài ngắn của ống tay áo cũng khác nhau; cổ áo có thể hình tròn hay chữ V; hoa văn, họa tiết cúc áo khác lạ…Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu tôi có thể khẳng định rằng trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái mà không có chiếc áo Cóm thì không thể chấp nhận được, đó là sự vứt bỏ phũ phàng chứ không phải là cách tân.”
Thí sinh mặc trang phục dân tộc Thái “không có áo” để tham dự phần thi “Thiếu nữ với sắc phục dân tộc”
Ý kiến của ông Nghĩa cũng trùng với quan điểm của bộ phận đồng bào vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái có quan điểm phản đối cách mặc trang phục dân tộc Thái theo kiểu “không có áo” nói trên. Đa phần lớp người trẻ, bộ phận giáo viên, công chức nhà nước… dù chấp nhận có sự cách tân trong trang phục truyền thống dân tộc Thái tuy nhiên đều cho rằng “cách tân” là làm đẹp hơn, phù hợp hơn chứ “cách tân” không có nghĩa là đem loại bỏ chiếc áo Cóm khỏi trang phục truyền thống của dân tộc Thái.
Sự cách tân ở chiếc áo Cóm trong trang phục truyền thống dân tộc Thái
Một số quan điểm khác lại cho rằng, trong đời sống của người Thái, cũng có thời điểm người con gái Thái mặc trang phục mà “không có áo”. Về chi tiết này, ông Cao Bằng Nghĩa lý giải: “Đúng là trong đời sống hằng ngày, có thời điểm người con gái Thái mặc trang phục truyền thống mà không mặc áo. Tuy nhiên, đây là thời điểm cô gái đi từ nhà ra suối để tắm. Tình huống này cũng được tiết chế rất khắt khe, cụ thể là khi đã mặc trang phục “không mặc áo” đi tắm thì cô gái Thái phải lén đi từ cửa sau ngôi nhà, khi đi tắm về cũng lên nhà từ cửa sau chứ không được đi qua cửa trước. Nói vậy để chúng ta hiểu được rằng, khi đã không khoác trên mình chiếc áo Cóm thì không cô gái Thái nào lại công khai mình giữa đám đông trẩy hội cả.”
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, việc thí sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc Thái “không có áo”, dự thi tiết mục văn nghệ nhằm thể hiện nét đẹp thiếu nữ Thái trong đời sống sinh hoạt (Tắm suối) thì có thể chấp nhận. Tuy nhiên, việc mặc trang phục truyền thống dân tộc Thái mà lại không có chiếc áo Cóm để dự thi phần thi “Thiếu nữ với sắc phục dân tộc” là không thể chấp nhận được. Đây là thiếu sót đáng trách đối với thí sinh dự thi, ban tổ chức Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần XVI.
Ông Bùi Kim Dậu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - TDTT huyện Triệu Sơn cho hay tiết mục của đoàn Triệu Sơn đã qua phần tổng duyệt của ban tổ chức Liên hoan. Do ban tổ chức không loại phần thi này, thí sinh của đoàn Triệu Sơn vẫn mặc trang phục truyền thống dân tộc Thái “không có áo” tham dự Liên hoan trong phần thi “Thiếu nữ với sắc phục dân tộc”, tiết mục này không đạt giải nào.