(CAO) Với hơn 400 tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình... về văn học, nghệ thuật, văn hóa – tư tưởng, khoa học xã hội và nhân văn đã được viết và công bố trong khoảng thời gian gần 50 năm qua, “Tổng tập Trần Trọng Đăng Đàn” vừa được giới thiệu đến công chúng vào sáng 20-7 tại TPHCM.
Sáu tập với hơn 7.200 trang sách khổ lớn, số tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình mà nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn đưa vào Tổng tập bao gồm nhiều vùng đề tài lớn, chứa đựng nhiều phạm vi chủ đề rộng, sâu; hướng kết quả nghiên cứu các chủ đề, các đề tài đó song hành với phương hướng chiến thuật, chiến lược chính trị – triết học của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Nhà nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời gắn với yêu cầu kế thừa truyền thống dân tộc và giao tiếp ảnh hưởng quốc tế có chọn lọc, có phê phán, có sáng tạo. Bộ sách được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phối hợp cùng tác giả chuẩn bị trong khoảng thời gian hai năm (2014-2016).
Đại diện Bảo tàng chứng tích chiến tranh tặng bức tranh "Hòa bình trên khắp Việt Nam" cho Tiến sĩ Trần Trọng Đăng Đàn
Chia sẻ về tác phẩm đồ sộ này, tác giả cho biết: “Mỗi bài viết, mỗi công trình nghiên cứu được in trong Tổng tập này gắn rất chặt với bối cảnh lịch sử xã hội, với môi trường học thuật cụ thể của nơi và lúc mà chúng được hình thành và được công bố.
Nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn tặng tác phẩm cho đại diện Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM
Do vậy, để nhận được nhiều hơn sự đồng cảm của bạn đọc, sau mỗi bài viết, mỗi công trình tác giả có ghi rõ thời điểm mà chúng xuất hiện và tên các tổ chức, cơ quan công bố, xuất bản tác phẩm đó.
Logic kết cấu của ý, của lời, của những nhận định đánh giá, những bình luận, kết luận của mỗi bài viết, mỗi công trình trong tổng tập này được gói gọn trong phạm vi của bản thân từng bài viết, từng công trình ấy”.
Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
Đông đảo bạn đọc, các nhà văn nhà thơ và những người làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật TPHCM đã đến tham dự, chúc mừng buổi ra mắt tác phẩm.
Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nhận định: “Tổng tập này thể hiện sự nghiên cứu tâm huyết, đặt hết tình cảm và trách nhiệm cá nhân của tác giả. Đây cũng là tài liệu vô cùng quý giá sẽ giúp các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình có tài liệu để tham khảo, học tập, tra khảo phục vụ công tác chuyên môn. Tổng tập cũng là bộ tài liệu quý giá với thế hệ trẻ, đối với thế hệ thanh niên đang rèn luyện mình trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn”.
Tác giả Trần Trọng Đăng Đàn và nhà văn Vũ Hạnh
Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM khẳng định: “Đối với tôi, chú Trần Trọng Đăng Đàn không chỉ là bậc cha chú, không chỉ là tác giả lão thành của thế hệ đi trước, mà còn là chỗ dựa về niềm tin để tiếp sức chúng tôi bước trên con đường sáng tạo văn học nghệ thuật, vì một nền văn học nghệ thuật cách mạng tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Lý luận phê bình (LLPB) trong giai đoạn hiện nay đang chìm lắng, bị xem nhẹ vai trò vị trí, trong khi với sáng tạo văn học nghệ thuật LLPB có vai trò rất quan trọng. Với giải thưởng 5 năm về văn học nghệ thuật lần 2 của TPHCM, tác phẩm này rất xứng đáng”.
Tổng Biên Tập Báo Công an TPHCM Trần Trọng Dũng tham dự và tặng hoa chúc mừng
Nhà văn Vũ Hạnh cho biết ông đến từ rất sớm để tham dự buổi ra mắt đầy ý nghĩa này. “Tôi rất vui vì đã có mặt hôm nay, đây là công trình lớn xứng đáng nhận được sự quan tâm, phản hồi đóng góp ý kiến của công chúng độc giả” - nhà văn chia sẻ.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu bày tỏ sự khâm phục: “Ít có nhà văn nào giữ được 7.000 trang bản thảo như vậy. Chỉ có nhà nghiên cứu mới làm được. Việc xuất bản được hơn 7.000 trang này là một kỳ công. Tổng tập này đặc biệt có giá trị với nghiên cứu sinh, những người tiếp tục tục nghiên cứu các vấn đề văn học cận đại, hiện đại”.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời
Đến tham dự và tặng hoa chúc mừng, Tổng Biên Tập Báo Công an TPHCM Trần Trọng Dũng chia sẻ: “Tôi thực sự kính phục sự lao động không mệt mỏi của chú, dù đã ở tuổi được nghỉ ngơi, để cố gắng để lại cho đời một tác phẩm đầy giá trị như Tổng tập lần này. Dù chú đã nói đọc bài của chú thì phải đặt trong điều kiện lịch sử của tác phẩm, nhưng tôi tin rằng trải qua 5, 10 hay 30 năm nữa thì giá trị hướng tới cái thiện, cái đẹp của từng bài viết trong toàn bộ tác phẩm sẽ vẫn giữ nguyên giá trị”.
Đề tài khoa học lớn và nhiều nhất trong Tổng tập là đề tài nghiên cứu về văn hóa – tư tưởng và văn học, nghệ thuật sản sinh trong các vùng Mỹ chiếm đóng tại Nam Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975. Bắt đầu nghiên cứu đề tài này từ nhiều năm trước giải phóng và cả nhiều năm sau giải phóng, kết quả nghiên cứu của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn là nhiều loạt bài nghiên cứu, tiểu luận, phê bình đã xuất hiện trên nhiều báo chí, nhiều sách đã được công bố tại nhiều nhà xuất bản mà trong Tổng tập này có thể tìm thấy. Đề tài Người Việt Nam ở nước ngoài nằm trong vùng được đặc biệt lưu ý của nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn từ thời điểm đất nước mới được giải phóng. Và đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước thì nó đã trở thành một trong những đề tài nghiên cứu chính. Tổng tập có hơn 7.200 trang Đọc Tổng tập Trần Trọng Đăng Đàn, độc giả còn gặp nhiều loạt bài cùng phạm vi đề tài và chủ đề với các loạt bài đã in trong tác phẩm Hồ Chí Minh, V. I. Lênin, C. Mác, Đảng Cộng sản và Việt Nam đổi mới do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2012. Những luận văn này nằm trong vùng hoạt động lý luận lâu dài và nhất quán của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn để mong góp phần vào việc xây dựng, áp dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn lịch sử xã hội Việt Nam; mong góp phần định vị luận thuyết chính trị – triết học Hồ Chí Minh; khằng định công lao xây dựng sáng tạo, phát triển bền vững học thuyết cộng sản chủ nghĩa vào Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam. |