Xu hướng xem phim truyền hình trên Youtube

Thứ Năm, 08/09/2016 04:25

|

(CAO) Trong thời gian sắp tới, Google đang có kế hoạch triển khai dịch vụ truyền hình trả tiền trên Youtube. Dự án mang tên Unplugged, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2017.

Đài Truyền hình Bình Thuận ngưng chiếu phim do Trung Quốc sản xuất

Dấu mốc mới của Youtube

Như vậy, trong tương lai gần, chúng ta có thể xem các kênh truyền hình cáp yêu thích với chất lượng và tốc độ cao nhất ngay trên Youtube. CEO Youtube được cho là đang đàm phán với các dịch vụ truyền hình trả tiền lớn tại Mỹ như: NBC Universal, Viacom, CBS và Fox để phát các kênh truyền hình của họ trực tiếp trên Youtube.

Truyền hình FOX trên Youtube

Dịch vụ xem truyền hình cáp trên Youtube sẽ hoạt động giống với Youtube Red hiện tại, tức người dùng cần trả tiền thuê bao hàng tháng mới xem được. Giá thuê bao dự kiến cho dịch vụ mới của Youtube vào khoảng 35 USD, nhưng vẫn đang tiếp tục hướng đến một cái giá còn thấp hơn nữa để có thể phù hợp với mọi người.

Những bước đi của Youtube cho thấy họ luôn có định hướng đúng đắn, nhất là trong xu thế phát triển. Cái mà Youtube muốn làm là thay thế phần nào các kênh truyền hình nhưng không dùng biện pháp “tiêu diệt” để chiếm vị trí độc tôn. Vì nếu làm như thế Youtube phải đứng trước hàng loạt bài toán về quản lý, chi phí, nhân sự,…

Trong khi đó, việc tồn tại song song với các kênh truyền hình và ký kết các thỏa thuận cùng nhau phát triển là một bước đi khôn ngoan khiến nội dung trên Youtube vẫn phong phú và phần nào giảm thiểu việc vi phạm bản quyền do người dùng tự tiện upload quá nhiều clip.

Việc người dùng chọn Youtube thay kênh truyền hình có thể hiểu đơn giản là do họ có thể chọn lựa xem bất cứ chương trình mình thích, hơn là đi theo một “thời khóa biểu” định sẵn của các kênh truyền hình.

Kênh truyền hình NBC Universal trên Youtube

Đó cũng là nguyên do chính khiến những nhà quảng cáo muốn tiếp cận Youtube hơn là các kênh truyền hình. Mặt khác, chi phí khi thực hiện quảng cáo trên truyền hình thường đắt hơn rất nhiều so với Youtube.

Nên không có gì lạ khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lựa chọn Youtube làm kênh quảng cáo chiến lược cho mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc quảng cáo trên truyền hình truyền thống phải giảm.

Các kênh truyền hình nước ngoài đã nhanh chóng xác định Youtube là kênh phát triển song song khi liên tục xây dựng hàng loạt dự án và kế hoạch trong tương lai có sự góp mặt của Youtube. Quả thật, có những chương trình không đủ điều kiện để phát triển trên truyền hình vẫn có thể phát trên Youtube nhưng hiếm khi có chiều ngược lại.

Việc sản xuất clip chẳng hạn, cũng từ đó mà nhiều cá nhân hay nhóm có thể tự tạo cho mình thu nhập từ việc làm clip đăng trên Youtube và nhận được lượng truy cập khủng.

Bắt kịp xu hướng thế giới

Có được thành công ngày hôm nay, Youtube không chỉ xác định hướng đi lớn mà còn biết nắm bắt những sự việc mang tính địa phương. Chẳng hạn, thời gian gần đây một loạt phim Hàn Quốc như: Chuyện tình bác sĩ, Yêu không kiểm soát, Hoa trong ngục,… đang được phát trên Youtube. Điều này khiến tín đồ mê phim Hàn ở Việt Nam không khỏi mê mẩn.

"Yêu không kiểm soát": Phát trên Youtube trước truyền hình

Dĩ nhiên, không chỉ riêng phim Hàn, người dùng ở Việt Nam có thể dò được các bộ phim nhiều tập của TVB, phim Nhật, phim Việt, phim hoạt hình,… để xem lại. Tất cả chúng đều được thu thập đầy đủ và có sự sắp xếp rất tiện lợi như: giới thiệu các tập tiếp theo, những bộ phim có nội dung tương tự,…

Vài năm trước, kênh Yan TV đẩy một số chương trình do mình sản xuất như Tám văn phòng, Awesome (Tuyệt vời) lên Youtube, sau đó mới đưa lên truyền hình. Thậm chí, kênh truyền hình này còn sản xuất chương trình chỉ phát sóng riêng trên Youtube.

Ngày càng có nhiều đài truyền hình “bắt tay” với Youtube như: VTV digital (5-2014), Truyền hình Vĩnh Long (11-2014), Kênh ANTV (6-2015),... Và không chỉ bắt tay với Youtube phát online sau khi lên sóng, xu thế mới mà một số kênh là tung phim truyện lên Youtube trước khi lên sóng truyền hình.

Việc tung phim lên Youtube trước khi lên truyền hình được xem là khá liều lĩnh, bởi còn tồn tại nhiều vấn đề, nhất là về bản quyền. Tuy nhiên, nếu không có những quyết định táo bạo thì việc tồn tại song song với Youtube sẽ chắc chắn thất bại.

Ngoài ra, thành công của Youtube ở Việt Nam không thể không nhắc tới Vlog (Video blog), dạng clip ngắn, hoàn toàn thủ công mà mọi người có thể thực hiện bằng máy quay video, webcam,… Hình thức này mang tới ảnh hưởng nhất đến đời sống giới trẻ Việt trong 2, 3 năm về trước.

Kênh HTV trên Youtube

Từ người đưa Vlog vào Việt Nam là Lê Hưng (du học sinh Mỹ), đến người làm bùng nổ trào lưu là JVevermind, Vlog đã trở thành một món ăn tinh thần bổ ích và có tác động lớn đến giới trẻ. Youtube cũng nhanh chóng đặt hàng, ký kết hợp đồng với các vlogger,… nhằm tạo nên một xu hướng mới.

Từ những Vlog nền tảng, hàng loạt các Vlog khác liên tục xuất hiện trên Youtube, phần nào làm thỏa cơn khát của cả những người tạo dựng Vlog và người theo dõi. Khi đó, những Vlog được nhiều người truy cập nhất hiển nhiên được Youtube đặt ở vị trí thuận lợi, dễ theo dõi, truy cập.

Tuy nhiên, thời gian gần đây không khó để nhận ra trào lưu Vlog đang bắt đầu nhạt dần khi nhiều vlogger đình đám như: JVevermind, An Nguy… không còn những sản phẩm gây bão cộng đồng mạng. Lượt xem của những Vlog này trên Youtube cũng bắt đầu giảm hẳn và không còn “ngất ngưởng” như trước đây.

Cũng như Vlog, truyền hình thực tế đang đặt những viên gạch đầu tiên trong nền móng tương lai, nơi mà Youtube tồn tại song song với truyền hình. Liệu sẽ có một hình thái nào phát triển hơn hay đơn giản là xuất hiện một sản phẩm tương tự Youtube? Nếu có thì nó sẽ trở thành một hiện tượng, thậm chí là một cột mốc trong lịch sử của truyền hình Internet.

Bình luận (0)

Lên đầu trang