(CATP) Sau đại dịch Covid-2019, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước đều gặp rất nhiều khó khăn do không ít ngành nghề sản xuất bị ngưng trệ, nhân công thất nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu cần vốn của doanh nghiệp, cần tiền xoay xở cho cuộc sống của người dân, một số đối tượng, băng nhóm nhân cơ hội bung tiền cho vay, giải ngân "sau một cuộc gọi điện thoại" nên nhiều người đang bức bách về tài chính đã "nhắm mắt làm liều" vay nóng với mức lãi suất "cắt cổ". Vòi bạch tuộc của "tín dụng đen" vươn dài khắp nơi từ trong đời sống thực tại đến mạng xã hội với nhiều hình thức như vay qua app, dán tời rơi, núp bóng các công ty tài chính. Hoạt động của các nhóm "tín dụng đen" khiến xã hội bất ổn về an ninh, trật tự (ANTT) xuất phát từ việc cho vay, đòi nợ của các đối tượng khiến không ít người vay rơi vào cảnh bần cùng, kiệt quyệt, bị đe dọa, khủng bố, uy hiếp, cố ý gây thương tích, làm nhục trên mạng xã hội...
Dự báo trước được thực trạng phức tạp do hoạt động "tín dụng đen" gây ra cho xã hội, từ đầu năm 2023, Bộ Công an (CA) đã chỉ đạo CA các tỉnh, thành phố (TP) tập trung trấn áp mạnh tội phạm "tín dụng đen". Việc này được CA các địa phương quán triệt thực hiện quyết liệt, triệt để, trong đó có CA TPHCM. Tại TPHCM, đơn vị chủ công trấn áp tội phạm "tín dụng đen" vẫn là Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) và lực lượng hình sự của CA các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Thực hiện Cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phòng CSHS tấn công đa dạng các loại tội phạm, trong đó trấn áp quyết liệt nhất với tội phạm "tín dụng đen". Tính từ ngày 15/12/2023 đến nay, đơn vị đã triệt phá cả chục băng, nhóm tội phạm có hoạt động cho vay lãi suất cao và đòi nợ manh động như băng nhóm của Phạm Hữu Tài (SN 1979) cho vay lãi suất 360%/năm, dùng súng để đánh người vay nhằm thu hồi nợ. Qua điều tra, Phòng CSHS đã bắt 4 đối tượng về hành vi "cướp tài sản" và "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Trước đó, ba nhóm hoạt động "tín dụng đen" với lãi suất từ 420%/năm đến 900%/năm cũng bị Phòng CSHS lập án đấu tranh và triệt phá. Thủ đoạn đòi nợ của các nhóm này rất táo bạo, xem thường pháp luật như đánh con nợ, đe dọa người thân của con nợ. Qua điều tra, Phòng CSHS đã bắt gần 20 đối tượng để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Đáng nói, cũng trong cao điểm, ngoài việc bắt các băng nhóm cho vay lại nặng hoạt động chuyên nghiệp, Phòng CSHS còn bắt thêm một số cá nhân là nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty tài chính đã cấu kết với số đối tượng bên ngoài cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Việc làm này đã góp phần chấn chỉnh, làm trong sạch, không để "con sâu làm rầu nồi canh", gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín các ngân hàng, công ty tài chính.
Chu Mạnh Cường và một số đối tượng trong nhóm
Mới nhất, vào ngày 28/12/2023, Phòng CSHS tiếp tục lập chiến công, góp phần bảo đảm ANTT chung cho TP bằng việc khám phá liên tiếp hai chuyên án, bắt giữ các nhóm đối tượng hoạt động "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự". Thủ đoạn đòi nợ của các nhóm này cũng gây hoang mang, bức xúc không kém cho con nợ và người thân của họ.
Theo đó, sau thời gian ngắn lập chuyên án đấu tranh, ngày 28/12/2023, Đội Trọng án thuộc Phòng CSHS đã khám phá 2 chuyên án về hoạt động của tội phạm "tín dụng đen" trước sơ kết 15 ngày thực hiện Cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Trong đó nổi lên là băng nhóm do Chu Mạnh Cường (SN 1995, ngụ TP.Hà Nội) cầm đầu với 9 đồng phạm. Với số đông đối tượng, nhóm của Cường phân chia rõ vai trò cho từng cá nhân, cũng như địa bàn hoạt động để dễ quản lý.
Nhà dân, phương tiện bị tạt sơn, chất bẩn uy hiếp đòi nợ
Hồ sơ, vật chứng cho vay lãi nặng
Căn cứ trên hồ sơ trinh sát cho thấy băng này chủ yếu hoạt động tại khu vực TPHCM và tỉnh Bình Dương, đã thu lợi bất chính hàng tỷ đồng từ việc cho vay lãi nặng. Băng nhóm của Cường cho vay với lãi suất từ 500% đến 550%/năm. Phương thức thủ đoạn là phân việc cụ thể kẻ tìm nguồn khách, người đòi nợ, người nhắn tin đe dọa. Trong trường hợp khách không có khả năng trả nợ sẽ nhắn tin uy hiếp tinh thần, chưa hiệu quả thì sẽ pha sơn với chất bẩn tạt vào nhà, sân, cổng để buộc người vay phải trả tiền bằng mọi cách. Thực tế đã có rất nhiều nhà dân ở khu vực Tân Uyên, Dĩ An tỉnh Bình Dương và TPHCM bị khủng bố bằng sơn và chất bẩn gây nhức nhối về trật tự xã hội.
Số đàn em hoạt động trong nhóm được Cường bao ăn, ở sinh hoạt và trả lương từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Qua sàng lọc phân loại, Cơ quan cảnh sát điều tra (Phòng CSHS) đã bắt 10 đối tượng trong nhóm của Cường về các hành vi "cưỡng đoạt tài sản" và "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Với việc đánh mạnh, quyết liệt vào các nhóm hoạt động "tín dụng đen", Phòng CSHS đã góp công cùng các lực lượng của CA TPHCM mang lại bình yên cho TP để người dân yên tâm đón chào một mùa xuân mới.