Bộ TT&TT thông tin vụ huỷ hợp đồng Mobifone mua cổ phần AVG

Thứ Ba, 13/03/2018 17:11

|

(CAO) Chiều nay 13-3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát đi bản thông cáo báo chí về việc chấm dứt hợp đồng Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Theo thông cáo, ngày 8-3, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến của Ban Bí thư về Dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Theo đó Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, trong điều kiện hợp đồng Mobifone mua 95% cổ phần AVG chưa thực hiện xong, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Mobifone làm việc với nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG để đàm phán chấm dứt hợp Mobifone mua 95% cổ phần AVG với nguyên tắc thu hồi đầy đủ số vốn mà Mobifone đã bỏ ra.

Ngày 12-3, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan chủ quản - đại diện chủ sở hữu của Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone), đại diện Mobifone và các cổ đông chuyển nhượng của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã họp, trao đổi về việc chấm dứt hợp đồng và thống nhất một số nguyên tắc.

Cụ thể, nhóm cổ đông và Mobifone thống nhất việc chấm dứt hợp đồng; Mobifone hoàn trả lại toàn bộ cổ phần AVG cho nhóm cổ đông. Nhóm cổ đông hoàn trả lại đầy đủ số tiền Mobifone đã thanh toán cộng với tiền lãi và các chi phí liên quan. Các nội dung chi tiết và trình tự thực hiện, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Như vậy, Mobifone sẽ nhận được số tiền lớn hơn số tiền Mobifone đã thanh toán cho nhóm cổ đông.

Bên cạnh đó, do việc thanh tra Mobifone chưa thực hiện thanh toán nốt 5% giá trị chuyển nhượng theo đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng. Vì vậy, trong trường hợp Mobifone không chấp thuận việc chấm dứt hợp đồng thì nhóm cổ đông có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật và Mobifone có thể bị phạt tới 8% giá trị hợp đồng, điều này là không có lợi cho Mobifone (Nhà nước).

Từ đó, có thể thấy việc Mobifone và nhóm cổ đông AVG thống nhất chấm dứt hợp đồng là giải pháp tối ưu, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn mà Mobifone đã đầu tư, không làm thất thoát vốn của Mobifone, của Nhà nước theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Được biết, sáng 13-3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ về thông tin hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa Mobifone và AVG.

Cùng với việc gửi báo cáo cho Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đã trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái về những diễn biến của sự việc này, để Thanh tra Chính phủ và Đoàn thanh tra có căn cứ xem xét những thông tin, tài liệu bổ sung để gửi tới người ra quyết định thanh tra, theo đúng quy định tại Điều 35 của Thông tư số 05/2014/TT-TTCP.

Trước đó, ngày 8-3, Ban Bí thư đã có văn bản đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.

Điều 35. Xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra

1. Sau khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra và báo cáo bổ sung (nếu có) của Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra chủ trì xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra.

Nội dung Dự thảo kết luận thanh tra hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật thanh tra.

Nội dung Dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.

2. Người ra quyết định thanh tra xem xét hoặc giao cho cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu Dự thảo kết luận thanh tra để tham mưu, đề xuất cho mình chỉ đạo hoàn thiện Dự thảo kết luận thanh tra. Ý kiến tham mưu, đề xuất của cơ quan, đơn vị chuyên môn với người ra quyết định thanh tra được thể hiện bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

3. Trong quá trình xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra.

4. Trường hợp cần thiết, để bảo đảm cho việc nhận xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý được chính xác, khách quan, người ra quyết định thanh tra quyết định tiến hành thanh tra bổ sung, trưng cầu giám định, tham khảo ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

5. Trường hợp gửi Dự thảo kết luận thanh tra để đối tượng thanh tra giải trình thì việc giải trình của đối tượng thanh tra phải thực hiện bằng văn bản kèm theo các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung giải trình.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra để hoàn thiện và gửi đơn vị thẩm định Dự thảo kết luận thanh tra.

Nội dung tiếp thu ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra, ý kiến tham gia của đơn vị thẩm định, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại khoản 4 Điều này (nếu có) phải được Trưởng đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang