Cần bình đẳng về thuế giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ

Thứ Ba, 16/04/2019 12:47

|

(CAO) Các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống cho rằng hiện đang có sự bất bình đẳng trong chính sách về thuế giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Điều này không chỉ làm cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống gặp khó khăn vì phải cạnh tranh không công bằng mà còn khiến Nhà nước thất thu thuế.

Taxi truyền thống nộp thuế VAT cao hơn taxi công nghệ

Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh taxi công nghệ kê khai và nộp thuế đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Taxi truyền thống kinh doanh ngày càng khó khăn vì cho rằng bị cạnh tranh không công bằng

Các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải hợp tác với các công ty công nghệ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Cá nhân kinh doanh vận tải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với với tổ chức kinh doanh vận tải nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo tỉ lệ 3% doanh thu nộp thuế GTGT, 1,5% doanh thu nộp thuế TNCN.

Đối với các phần thưởng khuyến khích theo doanh thu ngày, cá nhân nộp thuế TNCN theo tỉ lệ 1% trên tiền thưởng. Đối với khoản tiền thưởng chất lượng phục vụ theo đánh giá sau tính thuế TNCN với mức 10% trên tiền thưởng từ 2 triệu đồng/lần trở lên.

Trong văn bản mới đây gửi Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, đại diện của hãng taxi công nghệ phổ biến là Grab cho biết “về nghĩa vụ thuế của đối tác vận tải, cơ quan thuế đã ủy quyền cho Grab thu hộ, nộp hộ nghĩa vụ thuế cho các đối tác tham gia kinh doanh vận tải bằng ứng dụng với tỷ lệ tổng cộng là 4,5% doanh thu chia sẻ (trong đó 3% là tỷ lệ thuế GTGT, 1,5% là tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân). Như vậy toàn bộ khoản phí ứng dụng trong mỗi cuốc xe luôn bao gồm khoản nghĩa vụ thuế của đối tác vận tải”.

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng hiện Grab được ủy quyền thu hộ nộp nghĩa vụ thuế cho các đối tác tham gia kinh doanh vận tải bằng ứng dụng với tỷ lệ tổng cộng 4,5% doanh thu chia sẻ, là con số rất thấp so với mức thuế các đơn vị không sử dụng dịch vụ của Grab đang thực hiện là 10% thuế GTGT tính trên doanh thu vận tải chứ không phải tính trên doanh thu chia sẻ.

Ngoài ra, theo giải thích của Grab như trên thì việc thực hiện nghĩa vụ thuế là chưa đúng vì chưa xác định rõ nghĩa vụ thuế của 2 chủ thể kinh doanh gồm: các đơn vị kinh doanh vận tải có sử dụng dịch vụ kết nối của Grab và Grab kinh doanh dịch vụ kết nối. Hai chủ thể kinh doanh này ở 2 ngành nghề khác nhau với mức thuế và các quy định cụ thể khác nhau.

Taxi truyền thống cho rằng đang có sự bất bình đẳng trong chính sách thuế so với taxi công nghệ

Cần bình đẳng

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, việc Grab thu phí kết nối từ 20-25% doanh thu của từng cuốc xe đó là phần doanh thu dịch vụ kết nối. Grab phải kê khai và nộp thuế phần kinh doanh này theo quy định của pháp luật.

Còn các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ kết nối của Grab phải hạch toán doanh thu bao gồm cả phần chi trả 20-25% cho dịch vụ kết nối và chịu thuế VAT. Dựa trên kết quả kinh doanh đã hạch toán trong đó phần chi phí có khoản 20-25% trả cho việc sử dụng dịch vụ kết nối, nếu có lãi thì bên vận tải phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (hoặc cá nhân) theo quy định của pháp luật.

“Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam luôn luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối hỗ trợ cho dịch vụ vận tải, nhưng phải tạo ra sự công bằng; cạnh tranh, lành mạnh; thúc đẩy hoạt động kinh doanh vận tải phát triển theo hướng hiện đại và Nhà nước không thất thu về thuế”, ông Quyền nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hồ Huy – Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho rằng, về bản chất các công ty ứng dụng công nghệ như Grab, Uber đều hoạt động kinh doanh vận tải, nguồn thu từ vận tải thì đương nhiên phải có trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các loại thuế, phí khác như các doanh nghiệp vận tải.

“Đó không chỉ là sự minh bạch mà còn tạo sự bình đẳng, công bằng trong môi trường đầu tư và kinh doanh”, ông Huy nhấn mạnh.

Ông Văn Công Điểm – nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý Vận tải Sở GTVT TP.HCM cũng cho rằng quy định hiện nay, nhất là về thuế, phí chưa tạo được sự công bằng giữa kinh doanh vận tải taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Do đó, ông Điển đồng tình với quan điểm của Bộ GTVT trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mới đây xem mô hình kinh doanh như Grab là loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi.

Để tránh thất thu thuế cho Nhà nước, ông Điển cho rằng Bộ Tài chính cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thuế của loại hình xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.

Đồng thời, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ GTVT cũng cần quy định kiểm soát chặt dữ liệu của các doanh nghiệp sử dụng phần mềm điện tử nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cũng như đóng thuế đầy đủ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang