Hàng chục siêu xe lậu vẫn bon bon trên đường (!)

Thứ Bảy, 13/02/2016 10:57

|

(CAO) Quy kết các bị cáo buôn lậu xuyên quốc tế nhiều ô tô thượng hạng, trong đó có những siêu xe lên đến triệu USD, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt mức án rất nghiêm khắc nhằm mang tính răn đe. Về 38 ô tô lậu, HĐXX bất ngờ giao toàn bộ cho các chủ sở hữu vì “mua bán ngay tình”.

 Theo ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, việc tòa không tịch thu tang vật buôn lậu là trái pháp quy định pháp luật.

NHỮNG CHIẾC XE “TRIỆU ĐÔ”

Như Báo CATP đã phản ánh, vụ án buôn lậu được TAND TPHCM đưa ra xét xử trong hai ngày 30 và 31-12-2015 với bốn bị cáo Nguyễn Quang Vinh (SN 1982, ngụ P. Tân Thuận Đông, Q7, TPHCM); Trần Phước Thạnh (SN 1967, ngụ P7, Q.Bình Thạnh, TPHCM), Trần Thái Nguyên (SN 1982, ngụ P6, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Nguyễn Giang Lam (SN 1975, ngụ P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TPHCM). Ngoài bốn bị cáo, có đến 117 người được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (phần lớn là Việt kiều) và nhân chứng.

Theo kết luận điều tra (KLĐT) của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM và cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TPHCM, từ đầu năm 2011 đến cuối 2012, Vinh và đồng phạm đã làm thủ tục nhập khẩu xe 54 ô tô, 12 mô tô đứng tên 64 Việt kiều hồi hương. Trong đó có 54 trường hợp được thuê mướn đứng tên trái pháp luật 54 ô tô nhãn hiệu nổi tiếng như Rolls - Royce (có chiếc hơn 1 triệu USD), Bentley, Lexus, Audi, BMW, Jaguar, Honda, Land Rover... Theo Cục Hải quan TPHCM, nếu không được miễn thì tổng số tiền thuế phải nộp nếu là 218,89 tỷ đồng, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt là 64,234 tỷ (đã nộp).

Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm

Cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ danh tính của các cá nhân, tổ chức mua bán 54 ô tô. Cụ thể như ông Nguyễn Thái Sơn (Chủ doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Thái Sơn) với 17 xe; ông Nguyễn Hoàng Triệu (Chủ Salon ô tô Hoàng Trọng) và gia đình 5 xe; ông Hoàng Minh Trung (Giám đốc Công ty Hoàng Lê Gia, đã qua đời ngày 19-5-2013) 4 xe; ông Trần Quốc Hiền (Giám đốc Công ty ô tô Vạn An) 3 xe; Công ty Tân Đại Lộc 3 xe; Công ty Thần Châu 2 xe...Ngoài ra còn nhiều đối tượng liên quan khác, trong đó có Nguyễn Văn Sỹ, Helana Phạm, Charile Ngô, Jenny, Nguyễn Hoàng Long, Ngô Năng Nghị, Đoàn Hiền…

Cơ quan điều tra xác định: Các đối tượng tổ chức mua tiêu chuẩn miễn thuế và đặt mua xe từ nước ngoài đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội nhưng không được phê chuẩn khởi tố. Riêng đối với ông Nguyễn Thái Sơn, ngày 10-1-2014 Cơ quan điều tra đã quyết định (QĐ) khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam trong vòng bốn tháng để điều tra về tội buôn lậu. Ngày 11-6-2014, VKSND TPHCM có QĐ hủy bỏ QĐ khởi tố với lý do: Ngoài lời khai của Nguyễn Quang Vinh cho rằng Sơn là chủ mưu buôn lậu, không có người thứ ba chứng minh hành vi phạm tội của Sơn. Cơ quan điều tra tiếp tục thu thập chứng cứ buộc tội trong các vụ án khác.

Trong số 54 ô tô buôn lậu, Cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên 38 chiếc vào ngày 2-12-2014.

XE LẬU VẪN ĐƯỢC SỬ DỤNG THOẢI MÁI (?)

Sau hai ngày diễn ra, HĐXX do thẩm phán Vũ Thanh Lâm ngồi ghế chủ tọa tuyên phạt Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Giang Lam mỗi bị cáo 16 năm tù; Trần Phước Thạnh 12 năm tù, Trần Thái Nguyên 9 năm tỳ về tội buôn lậu.

HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra và VKSND TPHCM tiếp tục điều tra làm rõ những đối tượng là chủ các doanh nghiệp salon ô tô cũng như xem xét xử lý đối với nhữngViệt kiều có hành vi giúp sức các bị cáo buôn lậu với vai trò đồng phạm.

Chấp nhận đề nghị của VKSND TPHCM, HĐXX hủy bỏ lệnh kê biên ngày 2-12-2014 của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đối với 38 chiếc xe buôn lậu, giao lại cho các chủ sở hữu tiếp tục quản lý, sử dụng. Cụ thể như sau:

Các bị cáo được đưa lên xe sau khi phiên tòa kết thúc

Có ba xe hiệu Rolls - Royce mang các biến kiếm soát (BKS) 51A-528.29 (của một doanh nghiệp); 51A-979.79 vả 43A-034.56 (của hai cá nhân). Có ba xe hiệu Bentley mang BKS 51A-300.68 (của một doanh nghiệp); 51A - 193.99 và 43A-05588 (của hai cá nhân). Có 4 xe Audi mang BKS 81A-019.36 (của một doanh nghiệp), 51A-135.99; 29A-504-79 và 51A-358.35 (của ba cá nhân). Có 13 xe nhãn hiệu Lexus, trong đó ba chiếc của doanh nghiệp; 10 của các cá nhân ở TPHCM, Gia Lai, Bình Dương, Thanh Hóa, Quảng Ninh.Có 6 xe hiệu Toyota của các cá nhân ở TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang.

Ngoài ra, còn 9 xe hiệu Land Rover, Porsche, BWM (mỗi loại hai chiếc); Jaguar, Honda, Ford (mỗi loại một chiếc) phần lớn của cá nhân ở TPHCM, Cà Mau, Quảng Ninh…

Theo HĐXX, số xe trên chủ sở hữu ngay tình trong việc mua bán, đăng ký đúng quy định pháp luật và không biết đây là xe nhập lậu.

Được biết, sau khi án tuyên, cả bốn bị cáo đều kháng cáo, trong đó Nguyễn Giang Lam kêu oan, cho rằng mình không phạm tội buôn lậu.

Trao đổi với PV Báo CATP sáng 26-1-2016, ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao nêu quan điểm: Cần phải xác định đây có phải là vụ án buôn lậu hay không, nếu phải thì chính phạm là ai? Cũng phải làm rõ ai là người mua và ai là người bán? Thực tế, trong vụ án này bị cáo Lam chỉ là người giới thiệu; ba bị cáo còn lại là người làm dịch vụ nhập xe, thủ tục nhập cũng được Cục Hải Quan TPHCM xác nhận là đúng đối tượng, đúng trình tự và đúng pháp luật.

Liên quan đến việc hủy bỏ lệnh kê biên và giao 38 xe lậu cho chủ sở hữu, ông Quế ngạc nhiên: Suốt mấy chục năm công tác trong ngành tòa án, ông chưa thấy có vụ án hình sự nào mà tang vật được xác định là buôn lậu lại trả về cho người mua. Dù ngay tình thì hàng buôn lậu cũng phải bị tịch thu, người mua nếu xác định bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường. Việc HĐXX giao tang vật buôn lậu cho chủ sở hữu là trái quy định pháp luật.

Đồng quan điểm với ông Quế, luật sư Trần Hải Đức - Đoàn Luật sư TPHCM, lên tiếng: Với phán quyết của tòa, hàng chục “siêu” xe lậu vẫn bon bon trên đường, như thế là chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang