Vụ lô hàng lậu lớn "lọt" hải quan: Ai chịu trách nhiệm?

Thứ Hai, 07/05/2018 09:25  | Hoàng Quân

|

(CAO) Báo Công an TP.HCM tiếp tục đi xác minh, làm rõ việc có dấu hiệu làm giả hồ sơ doanh nghiệp để nhập lậu lộ hàng hóa trị giá gần 2,6 tỷ đồng từ Trung Quốc đưa về Việt Nam. Vì sao lượng hàng lậu “khủng” lọt qua nhiều cửa ải, kiểm soát tại Đà Nẵng và Quảng Nam?

Từ người làm vườn "bỗng" thành đại diện doanh nghiệp

Như Báo Công an TPHCM đã thông tin, tối 22-11-2017, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng bắt quả tang 2 xe đầu kéo chở 2 container hàng điện tử điện lạnh tại kho hàng của Công ty TNHH F.D.T (số 25 Phạm Văn Xảo, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà). BĐBP Đà Nẵng khởi tố vụ án “Buôn lậu” và chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng ngày 5-2-2018.

Hàng hóa gồm máy giặt, tủ lạnh, điều hòa, nồi cơm điện trị giá khoảng 500 triệu đồng đều không có hóa đơn chứng từ, không đúng so với tờ khai hải quan của doanh nghiệp. Số hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập từ tàu biển, đưa ra khỏi cảng Tiên Sa rồi vận chuyển về Chi cục Hải quan Cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) sau đó đưa đi tiêu thụ.

Chủ lô hàng là Công ty TNHH May Gia Đạt có địa chỉ thôn Nam Đông (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam); người đại diện là ông Nguyễn Cao Cường (SN 1983, ngụ thôn Phú Mỹ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam). Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến khẳng định, địa phương không có Cty May Gia Đạt.

Ông Nguyễn Cao Cường (phải) không liên quan đến Công ty TNHH May Gia Đạt, không thành lập doanh nghiệp nào

Qua điều tra, BĐBP Đà Nẵng xác định, Cty May Gia Đạt không có thật. Ai đó thuê kho của Công ty F.P.T rồi đưa hàng ra thị trường tiêu thụ. Cty này mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Kỳ Hà.

Theo quy trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử, doanh nghiệp chỉ cần lên mạng đăng ký, gửi tờ khai điện tử, hồ sơ hợp lệ, nộp lệ phí thì được mở tờ khai. Khi doanh nghiệp nhập hàng thì hệ thống hải quan sẽ tiến hành phân luồng: luồng đỏ kiểm tra thủ công 100%; luồng vàng là kiểm tra hồ sơ, giấy tờ và luồng xanh được đi thẳng.

PV đã tìm hiểu tại xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) thì kết quả, không có Cty May Gia Đạt. Trước thông tin mình "bỗng" trở thành đại diện cho công ty, ông Nguyễn Cao Cường khẳng định: “Tôi không hề biết Cty May Gia Đạt, cũng không thành lập doanh nghiệp nào. Từ khi đi nghĩa vụ quân sự về địa phương đến nay tôi chỉ làm vườn, chăn nuôi bò. Toàn bộ sự việc tôi cũng đã khai báo rõ ràng với công an, biên phòng Đà Nẵng”.

Ông Cường nghi vấn ai đó đã lấy chứng minh thư của mình để thành lập Cty, trước đó ông có sử dụng CMND để làm một số thủ tục, giấy tờ với các cơ quan.

Nơi phát hiện lô hàng 

Dấu hiệu làm giả hồ sơ, buôn lậu tinh vi

Để dẫn đến việc thành lập Cty May Gia Đạt và nhập hàng lậu là cả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, có dấu hiệu làm giả hồ sơ, hợp thức hóa thủ tục. Tại “Giấy ủy quyền” ngày 6-7-2011, nội dung: ông Nguyễn Cao Cường uỷ quyền cho bà Phạm Thị Thúy (SN 1983, ngụ KP.11, P.An Xuân, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) để nộp hồ sơ thành lập Cty.

Trong khi ông Cường là người dân ở nhà chăn bò, không hề biết Cty May Gia Đạt, không thành lập công ty nào và ông nghi vấn bị lợi dụng giấy tờ để làm giả hồ sơ. Chữ ký thực tế của ông Cường khác xa với chữ ký trên giấy ủy quyền. Giấy này do ông Lê Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đàn xác nhận. Ông Bình thừa nhận ký xác nhận dựa theo chứng minh thư phô tô của ông Bình mà bà Thúy đem đến chứ không có người thực.

Từ tờ giấy này, ngày 11-7-2017, Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT Quảng Nam cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp cho Cty May Gia Đạt với vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Từ ngày 10-8 đến ngày 20-11-2017, Cty này mở tờ khai hải quan tại Hải quan cửa khẩu Cảng Kỳ Hà, khai nhập 11 lô hàng gồm 765 máy móc thiết bị may mặc trị giá 2,581 tỷ đồng.

Đại diện Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng kiểm tra thực tế kho để hàng lậu sau khi nhận hồ sơ từ BĐBP Đà Nẵng

Trong đó lô 1 (nhập ngày 10-8-2017 với 43 máy trị giá 181 triệu đồng và lô 7 nhập ngày 4-10-2017 với 83 máy, trị giá 144 triệu đồng) được phân luồng đỏ. Hải quan Cảng Kỳ Hà chọn ngẫu nhiên 2 lô này để kiểm tra thì kết quả đúng với tờ khai hải quan của doanh nghiệp là “linh kiện, máy móc phục vụ ngành may”. 9 lô hàng còn lại phân luồng vàng (trong đó có 2 container bị bắt vì hàng lậu).

Một doanh nghiệp không có trên thực tế nhưng được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có mã số thuế và nhập 11 lô hàng (trong đó có các lô hàng lậu) trị giá hơn 2,5 tỷ đồng lại dễ dàng trót lọt các khâu kiểm soát. Được biết, việc kiểm hóa trực tiếp các lô hàng phải có sự chứng kiến của doanh nghiệp và hải quan cùng ký vào biên bản.

Ông Phan Văn Phú – Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Kỳ Hà khẳng định, khi giao hàng thì doanh nghiệp cũng không cần đến nhận hàng, có thể cho đơn vị vận chuyển ký vào biên bản kiểm hóa và nhận hàng. Ông Phú khẳng định chưa từng gặp cán bộ, nhân viên nào của Cty May Gia Đạt.

Số hàng lậu được vận chuyển về kho của Cơ quan CSĐT

Ông Đoàn Đình Nhi – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Kỳ Hà cho rằng: “Doanh nghiệp tự mở tờ khai hải quan nên hải quan không cần kiểm tra hàng hóa, không cần xác minh thực tế doanh nghiệp vì trước đây hồ sơ đủ điều kiện nên đã được mở tờ khai hải quan điện tử. Việc nhập lậu hàng hóa thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ở đây họ lợi dụng kẽ hở, lách luật để buôn lậu. Hình thức buôn lậu này đã xảy ra ở một số cảng nhưng là lần đầu tiên tại Quảng Nam”.

Hiện Cơ quan CSĐT (Phòng Cảnh sát Kinh tế) Công an TP.Đà Nẵng đang điều tra vụ án.

Ông Võ Sỹ Quang– Cục phó Cục Hải quan Quảng Nam xác nhận: “Đơn vị đã cung cấp hồ sơ, tư liệu và phối hợp với cơ quan biên phòng, Công an Đà Nẵng để điều tra vụ việc. Một số cán bộ cũng đã được mời, triệu tập để phục vụ điều tra”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang