Sau vụ dùng súng cướp hơn 700 triệu đồng của ngân hàng tại Huê

Nhiều điểm giao dịch ngân hàng chưa chú trọng an ninh

Thứ Năm, 08/12/2016 10:57  | Song Ngọc

|

(CAO) Vụ cướp ngân hàng hết sức táo tợn ở Huế vừa xảy ra, là tiếng chuông cảnh báo cho thực trạng an ninh tại nhiều điểm giao dịch của các ngân hàng, đặc biệt là tại các phòng giao dịch của các ngân hàng nhỏ.

Nhân viên bảo vệ chỉ để... giữ xe

Dạo một vòng quanh các điểm giao dịch của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy công tác an ninh nhiều nơi còn chưa được chú ý đúng mức. Dù đa số các trụ sở chính và chi nhánh lớn của các ngân hàng đều tổ chức hệ thống bảo vệ hai lớp khá bài bản.

Trong đó, lớp ngoài cùng thường thuê các công ty dịch vụ bảo vệ, chủ yếu làm nhiệm vụ trông giữ xe cho khách. Lớp trong là bảo vệ nội bộ của ngân hàng. Đội ngũ này thường được trang bị công cụ hỗ trợ như roi điện, súng bắn đạn cao su,... Tuy nhiên, tại các điểm và phòng giao dịch trực thuộc, hệ thống bảo vệ và công tác an ninh còn khá lỏng lẻo.

Trong vai một khách hàng đến gửi tiền tại các phòng giao dịch nhỏ của các ngân hàng, chúng tôi thật sự bất ngờ trước trang bị nghèo nàn của đội ngũ nhân viên bảo vệ ở đây. Dù làm bảo vệ cho ngân hàng là công việc đặc thù, đòi hỏi yêu cầu cao về trình độ nghiệp vụ và kỹ năng, thế nhưng đội ngũ này tại các ngân hàng còn rất nhiều hạn chế và nghiệp dư.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để tiết giảm chi phí, các điểm giao dịch ngân hàng nhỏ thường thuê công ty bảo vệ bên ngoài làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh. Với mức lương mà các công ty bảo vệ chi trả rất thấp, nên chất lượng của đội ngũ này thường khá tệ.

Chẳng hạn, tại phòng giao dịch thuộc Ngân hàng A. trên đường Trần Hưng Đạo (P.Phạm Ngũ Lão, Q1), hai nhân viên bảo vệ ở đây không có bất kỳ một công cụ hỗ trợ nào. Gợi chuyện vụ cướp vừa xảy ra ở Huế nhưng không thấy nhân viên bảo vệ của ngân hàng lấy công cụ hỗ trợ chống trả, người này liền phản ứng ngay “làm gì có mà chống trả”. Theo nhân viên này thì rất ít người được trang bị súng bắn đạn cao su hay các công cụ hỗ trợ khác. Nhiệm vụ của họ chủ yếu chỉ hướng dẫn và trông xe cho khách.

Hiện trường vụ ném trái khói ở Ngân hàng VIB (Quận 9)

Thực tế cho thấy khi xảy ra chuyện, vai trò của lực lượng bảo vệ tại ngân hàng rất hạn chế. Vụ lộn xộn mới xảy ra tại phòng giao dịch Ngân hàng VIB nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp (P.Phước Long A, Q9) vừa qua là một ví dụ. Theo đó, chiều 2-11, Huỳnh Văn C. (40 tuổi, ngụ Q9) đến ngân hàng này để giao dịch thì xảy ra mâu thuẫn với nhân viên ngân hàng. Bất ngờ, ông C. rút 2 trái khói ném xuống nền nhà,â khiến khói bao trùm làm cả ngân hàng một phen nhốn nháo.

Điều đáng nói, khi vụ việc xảy ra, lực lượng bảo vệ dù khá đông nhưng lại hành động hết sức nghiệp dư nên không thể khống chế được đối tượng. Chỉ đến khi ông C. tiếp tục quay lại ngân hàng định quậy phá tiếp thì mới bị lực lượng công an bắt giữ. Nhiều khách hàng chứng kiến sự việc không khỏi bàng hoàng và đặt câu hỏi: nếu đó là vụ cướp ngân hàng, chắc chắn đội ngũ bảo vệ cũng chỉ có thể đứng nhìn.

Tiềm ẩn nguy cơ bị cướp

Để phòng ngừa nguy cơ bị cướp, các ngân hàng thường bố trí bộ phận ngân quỹ nằm phía trong cùng hoặc ở trên lầu. Thế nhưng, với các điểm giao dịch nhỏ lẻ, do diện tích hạn hẹp nên tất cả đều ngồi chung một chỗ. Chẳng hạn, tại phòng giao dịch thuộc Ngân hàng P. (P8, Q.Tân Bình), khuôn viên của phòng giao dịch này chỉ khoảng vài chục mét vuông, được xây dựng tận dụng lại một góc của cây xăng thuộc hệ thống Petrolimex. Trong không gian chật hẹp đó, các bộ phận giao dịch viên, ngân quỹ ở đây ngồi chung một dãy nằm ngay cửa ra vào, nên rất dễ trở thành mục tiêu cho bọn cướp.

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn trên địa bàn TP.HCM cho biết thêm, hiện nay một số ngân hàng đang áp dụng chính sách một cửa. Theo đó, trước đây khi khách hàng làm thủ tục xong thì đến gặp nhân viên ngân quỹ để nộp hoặc nhận tiền. Còn nay, nhân viên giao dịch sẽ kiêm luôn công việc thu chi tiền để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Dù số tiền của mỗi nhân viên giao dịch được giữ chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng do vị trí của những người này ngồi thường ở ngay cửa, nên cũng rất dễ làm mồi cho bọn cướp.

Ngoài ra, các phòng giao dịch nhỏ thường không xây dựng kho chứa tiền, mà tất cả đều chuyển về chi nhánh. Hàng ngày, nhân viên ngân quỹ sẽ theo xe chuyển tiền đến kho của chi nhánh, nhận một số tiền nhất định để đảm bảo hoạt động cho phòng giao dịch đó. Đến cuối ngày khi kết sổ xong, toàn bộ số tiền này được đem về nhập vào kho quỹ ở chi nhánh. Nhưng do nhiều phòng giao dịch cùng đi chung một xe tiền nên vào cuối ngày, các phòng giao dịch thường phải giữ một số tiền lớn chờ xe tiền đến để chuyển đi. Đây là thời điểm nhiều rủi ro nếu xảy ra cướp.

Theo một cán bộ Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, vụ cướp ngân hàng tại Huế rất manh động và liều lĩnh, nếu trước đây các đối tượng gây án chỉ nhắm đến người rút tiền tại các điểm giao dịch, cây ATM thì đây là trường hợp ít gặp. Có thể đối tượng đã theo dõi, nắm được quy luật cũng như giờ giấc hoạt động của ngân hàng, để có thể chuẩn bị lên phương án cướp và thoát ra nhanh chóng.

Phòng giao dịch của một ngân hàng nằm ngay góc đường

Tình hình nóng hiện nay là các đối tượng trước khi gây án, thường sử dụng ma túy đá nên rất manh động và liều lĩnh. Rất nhiều đối tượng khi bị khống chế đều đang trong tình trạng “phê” thuốc, không kiểm soát được hành vi. Các ngân hàng nên nâng cao tinh thần cảnh giác, trang bị thêm các thiết bị báo động, nhân lực, cũng như lên phương án hoạt động và bảo vệ hiệu quả.

Vị này cũng phân tích thêm, ngoài các hội sở, chi nhánh lớn của các ngân hàng thường tập trung rất đông nhân viên, trong đó có nhiều nhân viên bảo vệ đảm trách nhiệm vụ an ninh cũng như hệ thống giám sát qua camera rất chặt chẽ, theo một quy trình khép kín nên khó có thể xảy ra các vụ cướp manh động như thế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có không ít các chi nhánh nhỏ, phòng giao dịch (PGD), đặc biệt là ở các quận, huyện ven thành phố lại rất ít nhân viên, mà đặc thù của ngành này thường nữ nhiều hơn nam.

Do quy mô hoạt động nhỏ, để cắt giảm chi phí, nhiều PGD thường bố trí lực lượng bảo vệ mỏng, thường được thuê từ các công ty tư nhân, có thể chưa được đào tạo bài bản nghiệp vụ trấn áp, khống chế, xử lý các tình huống bất ngờ, mà đa phần chỉ thực hiện nhiệm vụ chính là trông giữ xe máy, hướng dẫn khách giao dịch.

Các CN, PGD ngân hàng thường chọn mặt tiền làm địa điểm hoạt động, nên diện tích sử dụng thường bị hạn chế, quầy thu ngân bố trí sát với đường, các đối tượng gây án dễ tiếp cận và thoát ra dễ dàng trước khi có sự ứng phó của lực lượng hỗ trợ.

Mặt khác, nhiều PGD và CN ngân hàng hiện nay vẫn khá xem nhẹ khâu an ninh trong cơ sở, chỉ chú trọng công tác vận chuyển. Rất ít ngân hàng thực hiện giao dịch nội bộ để kết quỹ, lưu kho mà tận dụng tối đa thời gian phục vụ khách hàng. Như Ngân hàng V. mở cửa giao dịch đến 16 giờ 30 thì đóng cửa để giao dịch nội bộ, qua đó đảm bảo an toàn trong quá trình kiểm kê quỹ.

Một lãnh đạo Ngân hàng TMCP cũng thừa nhận: “Công tác đảm bảo an ninh trong hoạt động vận chuyển, vận hành của các chi nhánh luôn được chú trọng, khi vận chuyển thường phối hợp với cơ quan công an, bảo vệ cũng được đào tạo. Cái khó hiện nay là các nhân viên được trang bị dụng cụ hỗ trợ thiếu và thô sơ, nên khó khống chế ngay được các đối tượng manh động, có vũ khí nóng”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang