Tân Hoàng Minh dùng thủ đoạn gì để chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng?

Thứ Hai, 18/03/2024 09:47

|

(CATP) Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã có quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vào ngày 19/3/2024. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày, do Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn ngồi ghế chủ tọa và hơn 20 luật sư tham gia bào chữa. Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng truy tố Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đỗ Anh Dũng và các đồng phạm bị cáo buộc thông qua phát hành trái phiếu đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng.

Ngụy tạo hoạt động kinh doanh

Cơ quan tố tụng cáo buộc, trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các Công ty kiểm toán ban hành báo cáo kiểm toán nội dung không đúng thực tế; trong khi các Công ty thẩm định giá ban hành báo cáo thẩm định chưa đảm bảo đủ tin cậy. Hồ sơ vụ án thể hiện đầu năm 2021, Tân Hoàng Minh gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư. Để có tiền chi phí và thanh toán các khoản nợ, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo thuộc cấp tìm phương án huy động vốn.

Trên cơ sở đề xuất của cấp dưới, ông Dũng thống nhất chủ trương cho Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút được nhiều người mua. Sau đó, hợp thức trái chủ, sử dụng pháp nhân, thương hiệu của Tân Hoàng Minh để bán cho nhà đầu tư thứ cấp.

Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Theo cáo trạng, từ tháng 6/2021 - 3/2022, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty, gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông, phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu như ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần... không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc tập đoàn. Các bị cáo đã thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Công ty Tân Hoàng Minh được thành lập năm 1993, trụ sở chính tại 72 Lê Thánh Tôn (P.Bến Nghé, Q1, TPHCM), có vốn điều lệ 10.000 tỷ. Trong đó, ông Đỗ Anh Dũng góp 5.100 tỷ (chiếm hơn 51%) và 5 công ty liên quan. Để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, ông Dũng thành lập thêm nhiều công ty rồi chỉ định người nhà hoặc cá nhân, pháp nhân liên quan đến Tân Hoàng Minh đứng tên pháp nhân. Tuy nhiên trên thực tế, các công ty này đều hoạt động dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Đỗ Anh Dũng.

Ngoài ra, các bị cáo còn ký các hợp đồng "giả cách" chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền "khống" thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị "ảo" các gói trái phiếu. Viện Kiểm sát xác định, các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư "khống" làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Kết quả điều tra xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng. Quá trình điều tra đến nay, cơ quan điều tra đã thu hồi toàn bộ thiệt hại của vụ án.

Để phát hành được trái phiếu, nhóm thuộc cấp của ông Dũng "thông đồng" với cá nhân tại công ty kiểm toán hợp thức báo cáo tài chính với ý kiến chấp nhận toàn phần, đủ điều kiện phát hành và tổ chức chạy dòng tiền "khống" để tạo lập giá trị "ảo" của trái phiếu, hợp thức thanh toán hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu sơ cấp và phương án phát hành trái phiếu; Đồng thời, thống nhất các thủ tục liên quan với đơn vị cung cấp dịch vụ thẩm định giá, tư vấn phát hành, quản lý tài sản đảm bảo trái phiếu.

Cụ thể, ngày 08/6/2021, hai bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (đại diện Công ty Ngôi Sao Việt), Trần Hồng Sơn (đại diện Công ty Soleil) ký với bị cáo Bùi Thị Ngọc Lân (Giám đốc Công ty Kiểm toán Nam Việt - Chi nhánh phía Bắc) hợp đồng kiểm toán số 7.11/2021 và 7.12/2021, nội dung: "Kiểm toán báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil". Giá trị mỗi hợp đồng 121 triệu đồng.

Bùi Thị Ngọc Lân sau đó phân công Trần Thị Linh, Kiểm toán viên trưởng nhóm kiểm toán Công ty Ngôi Sao Việt và Nguyễn Thị Nguyên Nhung, Kiểm toán viên trưởng nhóm kiểm toán Công ty Soleil, cùng các trợ lý kiểm toán thực hiện nhiệm vụ.

Nhiều sai phạm tại công ty kiểm toán

Cáo buộc cho rằng, bị cáo Lân với vai trò phụ trách 2 cuộc kiểm toán đã thực hiện không đúng các quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, nhiều khoản mục chính chưa thực hiện kiểm tra hoặc thiếu bằng chứng nhưng vẫn ký phát hành Báo cáo kiểm toán độc lập số 216/2021 và số 219/2021, với ý kiến "chấp nhận toàn phần đối với Báo cáo tài chính của Soleil và Ngôi Sao Việt".

Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Đoàn kiểm tra do Bộ Tài chính chủ trì về tuân thủ pháp luật kiểm toán độc lập tại Công ty Kiểm toán Nam Việt đã kết luận: "Kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil".

Tại Công ty Cung Điện Mùa Đông, cũng trong tháng 6/2021, bị cáo Nguyễn Khoa Đức (Giám đốc công ty) đã ký hợp đồng kiểm toán số 44/2021 với bị cáo Lê Văn Dò (đại diện Công ty CPA Hà Nội) để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020 của Cung Điện Mùa Đông, trị giá hợp đồng 110 triệu đồng.

Sau khi ký, phía CPA Hà Nội thành lập nhóm kiểm toán do ông Dò phụ trách chung; bị cáo Nguyễn Thị Hải (Phó Tổng Giám đốc) làm Trưởng nhóm... Quá trình kiểm toán, Dò, Hải và nhân viên Phan Anh Hùng đã hợp thức báo cáo kiểm toán giúp cho Tân Hoàng Minh tạo lập các điều kiện gian dối trong phát hành trái phiếu.

Đoàn kiểm tra do Bộ Tài chính chủ trì về việc tuân thủ pháp luật kiểm toán độc lập tại Công ty CPA Hà Nội kết luận: "Ý kiến kiểm toán dạng chấp nhận toàn phần được đưa ra chưa dựa trên bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp theo quy định của Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam. Kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng Chuẩn mực Kiểm toán trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2020 và 2021 của Cung Điện Mùa Đông".

Đối với các đơn vị thẩm định giá, ba đại diện Công ty: Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông, đã ký hợp đồng để được ban hành các chứng thư, báo cáo thẩm định giá tài sản tại gói trái phiếu do ba công ty phát hành, tổng giá trị hơn 13.302 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Thẩm định giá Ecomax, thẩm định giá tài sản bảo đảm đối với 4 gói trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil, Công ty Cung Điện Mùa Đông, với tổng giá trị thẩm định phát hành chứng thư hơn 5.110 tỷ đồng; Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá VAA thẩm định giá tài sản bảo đảm đối với 3 gói trái với tổng giá trị thẩm định phát hành chứng thư hơn 5.322 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thành Đô, thực hiện thẩm định giá tài sản bảo đảm 1 gói trái phiếu giá trị hơn 1.229 tỷ đồng; Công ty CPA Hà Nội, thực hiện thẩm định giá tài sản bảo đảm 1 gói trái phiếu giá trị hơn 1.640 tỷ đồng.

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã có văn bản đánh giá các chứng thư thẩm định giá và báo cáo kết quả thẩm định giá do các Công ty thẩm định giá ban hành cho ba công ty của Tân Hoàng Minh là "chưa đảm bảo độ tin cậy".

Sai phạm của nhóm Công ty kiểm toán và Công ty thẩm định giá, tạo điều kiện cho 3 công ty con của Tân Hoàng Minh, chào bán thành công 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thu gần 14.000 tỷ đồng. Qua đó, giúp ông Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Trong vụ việc, các đơn vị tham gia tư vấn phát hành, đại lý đăng ký và lưu ký số trái phiếu trên gồm Công ty Chứng khoán An Bình, Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Everest, Chứng khoán Agriseco, Chứng khoán KIS Việt Nam. Thêm vào đó, quá trình phát hành trái phiếu, 3 công ty phát hành này cũng đã ký các hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo với các ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Tây Thăng Long, SHB Trung tâm kinh doanh và Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân.

Theo quy định, các ngân hàng phải giám sát mục đích sử dụng tiền có được từ phát hành trái phiếu theo đúng mục đích phát hành, tuy nhiên, các đơn vị này đã không thực hiện đúng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang