Taxi truyền thống “lột xác” nhờ công nghệ

Thứ Ba, 11/12/2018 08:07

|

(CAO) Xác định công nghệ sẽ làm thay đổi bức tranh ngành vận tải trong tương lai không xa, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã “bắt tay” cùng các công ty công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, sức cạnh tranh của mình với mục tiêu mang lại nhiều lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, việc “chuyển mình” này không hề dễ dàng vì gặp phải không ít những rào cản.

“Bắt tay nhau” để cùng thắng

Giữa tháng 11-2018, nhiều hành khách đi taxi ở Đắk Lắk cảm thấy rất thích thú khi hãng taxi Quyết Tiến mạnh dạn bắt tay cùng Grab triển khai ứng dụng Grab Taxi. Khác với Grab Car hoạt động theo đề án thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông vận tải, Grab Taxi chỉ đơn thuần là một ứng dụng nhằm kết nối taxi truyền thống với khách hàng có nhu cầu đặt xe di chuyển.

Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống bắt đầu áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh

Nếu như Grab Car là xe của cá nhân thì Grab Taxi là xe của các hãng taxi truyền thống, có gắn mào và đồng hồ tính cước như taxi thông thường. Lái xe và giá cước thuộc quản lý của hãng taxi truyền thống. Đây là một dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab và đã được Bộ Công thương cấp phép là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, hoạt động theo Nghị định 52 của Bộ Công thương.

Việc hãng taxi truyền thống Quyết Tiến “bắt tay” cùng một “ông lớn” công nghệ như Grab đã mang lại cho khách hàng nhiều trải nghiệm và lợi ích thiết thực. Theo đó, trước đây khách hàng muốn bắt xe phải tốn tiền gọi điện thoại lên tổng đài. Sau đó, khách phải ngồi chờ một cách rất thụ động đợi xe đến đón, thì với ứng dụng công nghệ Grab Taxi, khách hàng có thể biết trước khoảng bao lâu xe sẽ tới đón và giá tiền ước tính cho đoạn đường đi của mình.

Ông Khổng Mạnh Võ - Giám đốc taxi Quyết Tiến cho biết ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải để nâng cao chất lượng dịch vụ là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp taxi truyền thống. Đó là xu thế không thể nào thay đổi được. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa như taxi Quyết Tiến không thể có đủ tiềm lực tài chính để phát triển ứng dụng công nghệ riêng của mình. Chưa kể sau đó còn phải bỏ ra số tiền rất lớn để làm chi phí maketting, nhận diện thương hiệu cho ứng dụng đó. Vì vậy, việc “bắt tay” với các ứng dụng được nhiều người biết đến như Grab Taxi là chiến lược để hai bên cùng thắng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Vũ - Giám đốc BlueTaxi KonTum cho biết khi hợp tác cùng Grab triển khai dịch vụ Grab Taxi đã giúp tăng doanh thu đáng kể so với kinh doanh kiểu truyền thống trước đây. Đáng chú ý, việc triển khai dịch vụ này giúp BlueTaxi tiếp cận thêm được nhiều đối tượng khách hàng mới, qua đó góp phần quảng bá và nhận diện thương hiệu tốt hơn.

Taxi Quyết Tiến mạnh dạn "bắt tay" áp dụng công nghệ và đạt hiểu quả tốt

Ông Võ Ngọc Mãi – Giám đốc HTX vận tải cơ giới 19/5 Tuy Phước, tỉnh Bình Định (đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Quy Nhơn) cũng cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải đã thực sự làm “lột xác” các hãng taxi truyền thống, mang lại một bộ mặt mới với nhiều phản ứng rất tích cực. Theo đó, khách hàng được hưởng thụ nhiều lợi ích và chất lượng phục vụ tốt hơn. Còn các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng đạt được hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh tăng cao hơn.

“Nhờ ứng dụng kết nối giữa khách hàng với tài xế này, chỉ riêng giảm được chi phí tổng đài viên hỗ trợ đặt xe, các doanh nghiệp taxi truyền thống đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm”, ông Mãi nói.

Cần gỡ “rào cản” pháp lý

Dù lợi ích của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kết nối vận tải là rất lớn nhưng để triển khai các ứng dụng này vào cuộc sống không phải là chuyện dễ dàng. Ông Khổng Mạnh Võ cho biết trước khi bắt tay hợp tác triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải, công ty đã nghiên cứu rất kỹ các quy định pháp luật và thấy rằng ứng dụng Grab Taxi đã được Bộ Công thương cấp phép hoạt động trên phạm vi cả nước. Thế nhưng, khi công ty mới bắt đầu triển khai thí điểm thì gặp phải phản ứng từ một số hãng taxi truyền thống khác.

Theo đó, khi taxi Quyết Tiến bắt đầu triển khai ứng dụng không lâu thì ngày 19-11-2018, đại diện các hãng taxi truyền thống khác trên địa bàn… gửi đơn tố cáo lên UBND tỉnh Đắk Lắk và Sở GTVT vì cho rằng việc hợp tác này vi phạm đề án hợp đồng xe điện tử (đề án 24) và yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để taxi Quyết Tiến không được phép triển khai dịch vụ này. Trước sự phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp taxi truyền thống, Sở GTVT đã phải yêu cầu taxi Quyết Tiến tạm dừng triển khai dịch vụ Grab Taxi.

Cần gỡ “rào cản” pháp lý để các ứng dụng được triển khai rộng rãi

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, Sở luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, do một số công ty taxi truyền thống khác phản đối rất gay gắt nên trước mắt yêu cầu taxi Quyết Tiến tạm dừng triển khai dịch vụ Grab Taxi để xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT. Sở đã có công văn gửi Bộ GTVT và đang chờ ý kiến phản hồi. Nếu Bộ GTVT khẳng định việc triển khai các ứng dụng này là phù hợp với quy định pháp luật thì sẽ cho các doanh nghiệp triển khai tiếp.

Ông Khổng Mạnh Võ cho rằng dịch vụ kết nối Grab Taxi không làm thay đổi giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của taxi Quyết Tiến. “Hành khách vẫn chi trả giá cước vận chuyển theo đồng hồ tính cước đặt trên xe như quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Đây là một phương thức thuận tiện để nhận cuốc xe và đón khách, bên cạnh phương thức vẫy xe trực tiếp và gọi qua tổng đài”, ông Võ phân tích.

Ông Võ Ngọc Mãi cho biết thêm dù Bộ GTVT luôn khẳng định luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách. Trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân. Thế nhưng trong thực tế, một số cơ quan quản lý ở địa phương hiện đang hiểu “mập mờ” về các ứng dụng công nghệ này nên việc triển khai gặp không ít khó khăn.

“Cần phải gỡ được các rào cản pháp lý thì mới mở đường cho các doanh nghiệp vận tải ứng dụng được công nghệ mới vào hoạt động của mình. Chứ như hiện nay dù doanh nghiệp taxi chúng tôi rất muốn triển khai các dịch vụ như Grab Taxi nhưng cũng khó thực hiện” ông Mãi nêu quan điểm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang