Vụ trả hơn 37 tỷ đồng tiền tài trợ ở bệnh viện ung thư Đà Nẵng: Nguy cơ hình sự hóa quan hệ dân sự

Thứ Năm, 30/06/2016 05:05  | Xuân Hoài

|

(CAO) Sau khi có kết luận thanh tra về vụ Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung thư Đà Nẵng chuyển trả 37,2 tỷ đồng (làm tròn số) cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (NH BĐLV), khiến dư luận “bàn tán” nhiều chiều. Chúng tôi đã trao đổi với luật sư Trần Khánh Linh, Công ty Luật TNHH LDL (số 77 đường Tiểu La, Đà Nẵng), người am tường về sự việc này.

Luật sư Linh nhìn nhận, máy DSA mà NH BĐLV cam kết tài trợ cho BV Ung thư là “hệ thống máy chụp mạch máu số hóa” chuyên dùng để can thiệp về tim, mạch. Vậy, nếu mua máy này về có giúp được bệnh nhân ung thư(?), hay để “đắp chiếu”?

Luật sư Linh đề cập, khi chuyển giao Công ty TNHH MTV (Cty) BV Ung Thư Đà Nẵng vào thời điểm tháng 8-2015 tài khoản của BV còn kết dư gần 200 tỷ đồng, thế mà lại cho rằng “BV Ung thư bước đầu đi vào hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, thiếu trang thiết bị y tế, không tự bảo đảm kinh phí hoạt động, nhờ ngân sách thành phố hỗ trợ, cùng sự nỗ lực vận động tài trợ của Hội Bảo trợ để bổ sung nguồn kinh phí duy trì hoạt động và mua sắm trang thiết bị y tế cho bệnh viện”?.

Điều đáng nói, chính nội dung kết luận thanh tra cũng cho rằng nếu tiền không chuyển trả, mà vẫn ở tài khoản của Cty thì: “BV Ung bướu tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ liên quan đến số tiền 37,2 tỷ đồng và thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế như đã cam kết với Ngân hàng BĐLV.”

Theo luật sư Linh, BV Ung thư Đà Nẵng thuộc Cty BV Ung thư Đà Nẵng lại là một doanh nghiệp được đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và thuộc sở hữu của Hội Bảo trợ, một tổ chức xã hội được hoạt động theo quy định của pháp luật về hội. Tại thời điểm ký lệnh chuyển kết dư tiền trên tài khoản của Công ty gần 200 tỷ (chưa kể tài sản cố định khác) thì khoản 37,2 tỷ hoàn toàn thuộc thẩm quyền của giám đốc.

Luật sư Linh - Ảnh: Xuân Hoài 

“Thuật ngữ “tài trợ” trong trường hợp này thực chất là một hợp đồng tặng cho tài sản, hơn nữa, nó là một hợp đồng tặng cho tài sản “có điều kiện”. Nói dễ hiểu là, ngân hàng tài trợ mua máy DSA thì bệnh viện phải mua cái đó, không được mua cái khác, không mua thì trả tiền lại, nếu làm sai (có thể) yêu cầu bồi thường thiệt hại vì vi phạm điều kiện nhận, tặng, cho tài sản. Nguy cơ hình sự hóa một quan hệ dân sự trong vụ này là rất có thể”, luật sư Linh nhìn nhận.

Luật sư Linh còn chỉ ra rằng, thẩm quyền thanh tra trong trường hợp này cần xem lại, còn có sự “nhập nhằng”. Ngoài ra, “cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày”, trong khi đó, vụ việc này thanh tra từ tháng 12-2015 mà đến gần cuối tháng 6-2016 mới kết luận, công bố (khoảng 6 tháng) là quá thời hạn quy định.

“Trong kết luận thanh tra thừa nhận nội dung “...và thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế như đã cam kết với Ngân hàng BĐLV”. Như vậy, thanh tra thừa nhận mối quan hệ giữa BV Ung thư lúc ông Trân làm giám đốc với NH BĐLV là quan hệ dân sự. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, và nghĩa vụ của mình (giám đốc), ông Trân có quyền làm việc đó, chuyển tiền hoàn trả khi không thể thực hiện được “cam kết với ngân hàng” là không có gì sai sót”, LS Linh lập luận.

Bác sĩ Trân - Ảnh: Xuân Hoài 

Xem ra vụ việc hy hữu trên còn “lạ” về cách hành xử, xử lý, rất cần sự giải quyết thấu tình đạt lý từ cơ quan có thẩm quyền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang