Viết tiếp bài Nhiều địa phương kiến nghị "giải cứu" gạo:

Xóa bỏ ngay hạn ngạch để tránh lợi ích nhóm

Thứ Năm, 23/04/2020 18:30  | Đăng Khoa

|

(CATP) Đó là kiến nghị của lãnh đạo và doanh nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gởi đến Chính phủ tại Hội nghị về tình hình lúa, gạo hàng hóa ở cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo (XKG), do Bộ Công thương tổ chức ngày 22-4 tại TPHCM.

Nhận định về quy định hạn mức XKG vừa qua, một số lãnh đạo địa phương cho rằng, hạn mức XKG 400.000 tấn là quá ít. "Xuất khẩu gạo càng nhiều thì đời sống người dân cao, do lúa, gạo được giá, dẫn đến sản xuất lúa, gạo tăng về chất lượng và số lượng. Nếu o ép số lượng xuất khẩu, gạo rớt giá, nông dân không có lãi thì sẽ bỏ cây lúa" - nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang cảnh báo.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ xóa hạn ngạch, để kinh doanh lúa, gạo diễn ra bình thường. UBND TP.Cần Thơ cho biết, tính đến nay, doanh nghiệp XKG ở thành phố này đã chuyển ra cảng 76.181 tấn. Trong đó, hơn 46.000 tấn đã mở tờ khai từ tháng 3-2020, nhưng vẫn chưa xuất khẩu được. Cần Thơ kiến nghị cho phép doanh nghiệp tiếp tục mở tờ khai xuất khẩu, ưu tiên những tờ khai đã mở trong tháng 3. Đại diện tỉnh Kiên Giang cho biết, lượng gạo các doanh nghiệp của tỉnh tồn tại cảng lên tới 12.000 tấn.

Ông Trần Hồ Hiền (Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực Bình Định - Bidifood) cho biết, ngày 24-3, công ty đưa gần 10.000 tấn gạo đến cảng Mỹ Thới (TP.Long Xuyên, An Giang), nhưng đến nay chưa thể xuất khẩu vì tờ khai hải quan bỗng nhiên bị mất trên hệ thống. Mỗi ngày, công ty phải chịu chi phí 200 triệu đồng, chưa kể đối tác đòi hủy hợp đồng vì vi phạm thời hạn giao hàng. Hai tàu chở gạo đã thông báo phạt công ty gần 200.000 USD.Công ty có nguy cơ "sụp đổ".

Nhiều container gạo chờ thông quan tại cảng Mỹ Thới

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo khác cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản. Báo cáo của cảng Mỹ Thới, trong 84.242 tấn hàng của các tàu đến nhận hàng gạo xuất khẩu tại cảng (từ ngày 22-3 đến 21-4), hiện đã cho bốc dỡ 35.792 tấn. Lượng gạo còn lại tại cảng là 48.450 tấn. Trong số đó đã xếp lên tàu đến hết ngày 20-4 là 11.360 tấn.

Sau cuộc họp chiều 20-4 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan về XKG, Phó thủ tướng yêu cầu tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5-2020, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện có gạo tồn đọng tại cảng, nhưng chưa mở được tờ khai hải quan.

Ngày 22-4, Bộ Công thương có văn bản đề nghị Bộ Tài chính phối hợp, chỉ đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu cơ quan hải quan tại các cửa khẩu quốc tế thống kê lượng gạo của các thương nhân hiện đang ở cảng, cửa khẩu, nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan XKG. Thống kê lượng gạo của các thương nhân đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu, nhưng có dấu hiệu khai khống để "giữ chỗ" (như không có số container và/hoặc số seal và/ hoặc tên tàu, tới nay chưa thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu đã được đăng ký).

Tại hội nghị ngày 22-4, ông Trần Quốc Khánh (Thứ trưởng Bộ Công thương) cho biết: "Bộ đề nghị tính lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp này vào 100.000 tấn ứng thêm trong lượng xuất khẩu thêm tháng 4. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân cho đề nghị này vì không để doanh nghiệp thiệt hại thêm nữa. Việc điều hành XKG thời gian qua có gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng đây là tình huống ảnh hưởng bởi an ninh lương thực, dịch bệnh và xâm nhập mặn phức tạp. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương sẽ đề xuất điều chỉnh cơ chế điều hành XKG tháng 5 và thời gian tới để báo cáo Chính phủ.

Trước mắt, Bộ Công thương sẽ làm việc với hải quan để giải quyết XKG nếp, giải quyết các lô hàng gạo tẻ đưa về cảng trước ngày 24-3, rồi đến các trường hợp đã mở tờ khai mà bị thất lạc, sau đó đến lượng hàng tồn trong kho của doanh nghiệp.

ĐBSCL: Nhiều địa phương kiến nghị
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang