Chỉ bán thiết bị, phần mềm ngụy trang cho đối tượng hạn chế

Thứ Ba, 23/05/2017 11:34

|

(CAO) Kể từ ngày 5-7, theo Nghị định 66, các cơ sở kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Ngoài ra, các cơ sở này chỉ được bán thiết bị, phần mềm ngụy trang cho đối tượng được pháp luật cho phép sử dụng biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật…

Cụ thể, Nghị định số 66/2017/NĐ-CP Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, chỉ các cơ sở kinh doanh sau đây mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị:

“Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; Cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự”.

Việc kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị sẽ được siết chặt quản lý trong thời gian tới.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp cho cơ sở kinh doanh quy định. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong Công an nhân dân. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong Quân đội nhân dân.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không quy định thời hạn sử dụng, trừ các trường hợp phải ghi rõ thời hạn dưới đây: “Cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn theo quy định của pháp luật; Giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp cho cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn thì thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không vượt quá thời hạn ghi trong các văn bản đó”.

Một điểm đáng lưu ý trong Nghị định này là về việc, hạn chế đối tượng được quyền mua và sử dụng các thiệt bị, phần mềm nguy trang. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 11 - Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh: “Chỉ được bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình cho đối tượng được pháp luật cho phép sử dụng biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật, đó là: Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo điều kiện, thẩm quyền, thủ tục về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định”.

Về đối tượng áp dụng, Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh và thành lập, cấp phép, đăng ký, quản lý hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Từ ngày 05 tháng 7 năm 2017, Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Đối với quy định cơ sở kinh doanh chỉ được bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình cho cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang