Phòng chống dịch Covid-19: Các bệnh viện cần siết chặt chế độ thăm nuôi

Thứ Năm, 03/12/2020 14:56

|

(CATP) Sau 120 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19, chỉ trong 4 ngày từ 28-11 đến 1-12, TPHCM đã ghi nhận thêm 4 trường hợp nhiễm mới với hai ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước tình hình đáng báo động này, chiều 1-12, Sở Y tế TPHCM đã cùng tất cả 129 bệnh viện (BV) thuộc bộ ngành, công lập và tư nhân tổ chức họp trực tuyến để bàn về công tác tăng cường phòng chống dịch. Cuộc họp được đánh giá là rất quan trọng khi yêu cầu sự tham gia của tất cả giám đốc và phó giám đốc các BV, cũng như đội ngũ trưởng phòng, trưởng khoa.

Bệnh viện vẫn đông nghịt người

Tuy nhiên, dù ý thức và mức độ chủ động trong phòng dịch của Sở Y tế TPHCM là rất cao, việc xử lý kiểm soát hàng ngàn người đổ về để khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân hay thăm bệnh tại các BV không phải là điều dễ dàng. Trên thực tế, nhiều BV đã chủ động trong các biện pháp phòng chống dịch nhưng tỏ ra lúng túng khi lượt người đổ về khám bệnh quá đông.

Sáng 2-12, phóng viên có mặt tại khuôn viên BV Chợ Rẫy và chứng kiến dòng người vẫn tấp nập đổ về đây. Các hoạt động khám chữa bệnh tại BV này hiện vẫn bình thường. Vì là một trong những BV tuyến cuối lớn nhất Việt Nam, BV Chợ Rẫy đón hàng chục ngàn lượt người đến khám chữa bệnh mỗi ngày.

Nhiều người cởi khẩu trang để nói chuyện trong lúc chờ khám bệnh

Quan sát tại khu vực cổng chính BV trên đường Nguyễn Chí Thanh, chỉ trong khoảng 1 giờ, ước tính có đến hàng ngàn người ra vào. Ở cổng này, có ít nhất 5-6 bảo vệ được cắt cử để phân luồng dòng người ra vào, tiện cho việc kiểm tra thân nhiệt. Tuy vậy với lượt người ra vào quá lớn, việc đo thân nhiệt tất cả các cá nhân dường như là điều bất khả thi. Các bảo vệ tỏ ra lúng túng khi bệnh nhân cứ chen vào bằng mọi ngả đường, nhiều người còn cố tình "né chốt".

Còn tại khu vực sảnh chờ khám bệnh, lấy thuốc, hàng dài người vẫn ngồi la liệt khắp nơi. Các bệnh nhân và người thân ngồi san sát nhau, nhiều người vẫn vui vẻ bỏ khẩu trang trò chuyện như không biết đến nguy cơ lây lan Covid-19 đang hiển hiện trước mặt.

Bên trong BV là thế, còn ở khu vực bên ngoài BV Chợ Rẫy, dòng người cũng tấp nập với vô số hàng quán, tiệm thuốc tây, quán cơm... mọc lên san sát khắp nơi. Hầu hết đều vô tư tiếp xúc, trò chuyện mà không hề quan tâm đến công tác phòng dịch.

Còn tại BV Trưng Vương, khu vực cổng chính của BV này (đường Lý Thường Kiệt, Q10) trước đây luôn mở nhưng giờ đã đóng kín hoàn toàn. Tất cả người ra vào đều phải đi bằng cổng phụ ngay bên cạnh, với lối đi nhỏ hơn và chỉ dành cho người đi bộ. Đây cũng là nơi mà lực lượng bảo vệ sẽ làm nhiệm vụ đo thân nhiệt người ra vào, cũng như nhắc nhở tất cả các bệnh nhân, người chăm bệnh về việc thực hiện quy định đeo khẩu trang.

"Khẩu trang của chú đâu? Đeo khẩu trang mới được vào chú ơi!" - một bảo vệ nhắc nhở người đàn ông đến khám bệnh khi người này quên không đeo khẩu trang sáng 2-12.

Ngay phía sau cổng chính là khu vực tầm soát dịch bệnh, nơi đặt một chiếc container được trưng dụng để làm nhiệm vụ cách ly, lấy mẫu các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Theo chị M. (người chăm bệnh nhân), mấy ngày trước hiếm khi thấy container này mở cửa hay có bác sĩ ngồi bên trong.

"Mấy bữa trước ra vào thoải mái lắm, chỉ cần nói đang chăm người bệnh là đi vào luôn, thỉnh thoảng mới phải đo thân nhiệt thôi. Tuy nhiên hôm nay thì BV có vẻ nghiêm túc hơn khi ai vào cũng phải khai báo y tế, nhiều người bị đưa vào container để lấy mẫu khiến mình cũng sợ sợ" - chị M. cho hay.

Riêng về tình hình chăm bệnh, dù đã có yêu cầu mỗi bệnh nhân chỉ một người chăm bệnh, nhưng do lượng người ra vào đông nên việc kiểm soát gần như là điều bất khả thi. Tại khu vực Khoa Ngoại tổng hợp (BV Trưng Vương), nhiều phòng dành cho bệnh nhân luôn đến 3-4 thân nhân bệnh nhân. Cụ thể, tại phòng 218, phóng viên nhận thấy có đến 3 người đang thăm hỏi người bệnh bên trong.

Sau khoảng 30 phút, nhóm người này kéo nhau ra về mà không có bất kỳ sự nhắc nhở nào từ các y tá, điều dưỡng hay bảo vệ. Trên thực tế, bảo vệ tại các BV hoàn toàn "bó tay" với những người giả vờ vào khám bệnh nhưng rồi lại đi thang bộ, thang máy lên các phòng khoa để thăm thân nhân.

"Không thể kiểm soát hết được, họ cứ ra vào liên tục và mình không có cách gì biết được họ đi đâu. Hỏi thì nhiều người cứ nói vào khám bệnh, không ai dại gì khai đi thăm bệnh để bị từ chối không cho vào" - anh Đỗ Duy Hải, bảo vệ một BV cho biết.

Ghi nhận tại BV quận 2, ngay cổng BV cũng đã được trang bị máy đo thân nhiệt từ xa. Mọi người đến BV đều phải khai báo y tế và đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn và đo thân nhiệt.

Bệnh viện quận 2 cũng đã chia ra hai cửa ra vào riêng biệt cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Những bệnh nhân đi đến từ khu vực đã ghi nhận ca bệnh hoặc có các triệu chứng nghi ngờ sẽ được đi lối riêng đến phòng khám sàng lọc.

Tại BV phụ sản Từ Dũ, buồng khám sàng lọc được đặt ngay cổng và hoạt động liên tục cả ngày. Từ ngày 30-11, BV thay đổi quy định, cho phép mỗi sản phụ đăng ký 2 người chăm nuôi. Trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, chỉ có một người được phép ở lại để chăm sóc cho cả sản phụ và em bé.

Công tác phòng dịch được đề cao ở các cơ sở y tế, BV trực thuộc thành phố và Trung ương là thế, nhưng tại một số phòng khám quốc tế, phòng khám tư nhân, việc này lại bị xem nhẹ hoặc thậm chí bỏ qua. Tối 1-12, hàng chục người khám bệnh đã có mặt tại một phòng khám trên đường Ngô Quyền (Q10). Phòng khám này không tổ chức kiểm tra thân nhiệt bệnh nhân, cũng không thấy nhắc nhở việc đeo khẩu trang. Khai báo y tế ở BV - phòng khám tư dường như là một điều xa xỉ khi không có ai được phân công để thực hiện nhiệm vụ này.

Khi được hỏi, chị Uyên, một người đến khám tại phòng khám tư cho biết: "Khám ở BV giờ quá phiền phức, nào là khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, chờ đợi quá lâu lại chỉ khám được giờ hành chính nên tôi đi phòng khám tư cho nhanh. Bác sĩ cũng uy tín, làm ở BV lớn mà đỡ phiền phức hơn nhiều".

"Quan trọng là mình biết mình đi những đâu, có nguy cơ hay triệu chứng của Covid-19 hay không và chủ động phòng dịch. Việc cấm không cho thân nhân vào thăm bệnh là điều vô lý, nếu người thân bị bệnh nặng thì phải vào thăm chứ. Đó là truyền thống của người dân Việt Nam rồi", chị Uyên chia sẻ ý kiến về quy định hạn chế thăm bệnh.

Tăng cường kiểm soát

Trong cuộc họp chiều 1-12, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các BV phải kiểm soát chặt chẽ những người có thể trở thành nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Quy định giãn cách đối với những bệnh viện lớn là quá khó thực hiện khi người dân không hợp tác

Cụ thể, trước tình hình xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, ông Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM yêu cầu các BV phải thực hiện nghiêm túc các quy định phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn từ Bộ Y tế. Các cơ sở y tế cần duy trì hoạt động kiểm soát người ra vào, bao gồm người bệnh, thân nhân, nhân viên BV... Bên cạnh đó, các quy định như khai báo y tế, mang khẩu trang, kiểm soát thân nhiệt... phải được thực hiện đầy đủ.

Sở Y tế cũng yêu cầu các BV phải thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán đối với các trường hợp từng đến những nơi có nguy cơ cao trong thời gian mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã công bố. Đây là động thái bắt buộc dù các trường hợp này có hoặc không có triệu chứng của bệnh.

Trong cuộc họp, ông Tăng Chí Thượng còn yêu cầu cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tập huấn cho toàn bộ nhân viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh, kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn, các chẩn đoán - điều trị viêm đường hô hấp cấp tính...

"Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 hiện nay, mục tiêu của ngành Y tế TPHCM là không để một BV nào bị trở thành ổ dịch".

"Việc đi lại giữa các khoa, phòng cần phải được hạn chế. Giảm tình trạng tập trung đông người tại những khu vực thường bị ùn tắc trong BV, thực hiện giãn cách theo quy định. Các BV phải gửi báo cáo nhanh tình hình tầm soát các trường hợp nghi ngờ, cách ly về Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế, trước 7 giờ 30 tối mỗi ngày" - Phó giám đốc sở nói trong cuộc họp.

Trước đó, ngày 19-8, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không để người nhà chăm bệnh nhân tại các khoa hồi sức, cấp cứu và truyền nhiễm trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đó là giai đoạn Đà Nẵng đã phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 mới, lây lan giữa các nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.

Theo công văn này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức rà soát, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch đã ban hành. Thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong BV giữa các khoa, phòng và các nhóm nhân viên y tế.

Công văn của Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh. Số lượng người chăm sóc bệnh nhân cũng phải giảm thiểu đến mức tối đa, các trường hợp bệnh nặng chỉ cho phép một người nhà ở lại để hỗ trợ chăm sóc cố định.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng TPHCM):

Để phòng dịch Covid-19, BV vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp sàng lọc, giám sát y tế. Tất cả người đến BV đều phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt, rửa tay.

Hiện tại, BV Nhi đồng thành phố đã lắp đặt các máy đo thân nhiệt từ xa, máy rửa tay tự động cảm ứng để hạn chế tiếp xúc. Mặt khác, BV cũng phân luồng lối đi và thực hiện giãn cách an toàn.

"Những trường hợp khai báo y tế ngay cổng BV mà có yếu tố dịch tễ nguy cơ Covid-19 hoặc có triệu chứng sốt, ho, suy hô hấp nhanh... đều được đi lối riêng, khám cách ly tại phòng khám riêng ở Khoa Nhiễm và được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19", bác sĩ Nam nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang