Diễn biến chi tiết vụ xả trộm dầu thải xuống đầu nguồn nước sông Đà

Thứ Năm, 17/10/2019 10:33

|

(CAO) Chi tiết diễn biến và phương hướng xử lý vụ đổ dầu trộm tại đầu nguồn nước sông Đà tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình vừa có báo cáo về bước đầu về vụ xả trộm dầu thải ở đầu nguồn nước sông Đà.

Theo báo cáo này, sau khi nhận được thông tin, Sở Tài nguyên Môi trường Hòa Bình, Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) cùng Uỷ ban nhân dân huyện Kỳ Sơn, Uỷ ban nhân dân xã Phúc Tiến, PC05 Công an tỉnh Hòa Bình đã kiểm tra hiện trường.

Con đập trên suối với mục đích ngăn dầu chảy về hạ nguồn. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định, vào sáng 9/10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) - đơn vị vận hành nhà máy nước sạch sông Đà đã kiểm tra, phát hiện có váng dầu tại suối Bằng; sau đó kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm.

Từ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150m. Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh.

Công ty nước sạch sông Đà đã thông báo tới công an xã Phúc Tiến, công an huyện Kỳ Sơn trong chiều 9/10.

Sau đó, công ty nước sạch sông Đà rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom khoảng 100 lít dầu, nước dính dầu, 7 bao tải có dính dầu khoảng 60kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy.

Khoảng 3-4m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.

Nước suối đổi màu vì nhiễm bẩn. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Ngày 11/10, đoàn kiểm tra Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Y tế Hà Nội lấy mẫu nước tại trạm bơm Tây Mỗ, bể chứa trung gian tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) và tại nhà máy nước Sông Đà (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả phân tích.

Công an huyện Kỳ Sơn, công an tỉnh Hòa Bình cũng tiến hành kiểm tra sáng 10/10, lập biên bản sự việc.

Ngày 14/10, liên ngành gồm Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường); Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hòa Bình cùng các ban ngành liên quan đã kiểm tra thực tế, vị trí đổ thải trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh vẫn còn mùi khét của dầu thải; có cát đổ trên đường; khu vực sườn dốc xuống suối Trầm còn cát đổ lẫn dầu thải chưa được thu gom khoảng 2-3m3.

Nước suối Trầm cách vị trí đổ thải khoảng 100m và cách vị trí đổ thải về phía hạ lưu khoảng 0,6km đều không có váng dầu, không có mùi, hai bên bờ không thấy váng dầu bám vào cây cỏ.

Tại suối Bằng (cách điểm đổ dầu khoảng 2,5km), điểm xả thải sau hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy nước sông Đà có màu đen. Theo báo cáo của công ty, đơn vị này sử dụng than hoạt tính trong hệ thống xử lý và rải 1 tấn than hoạt tính tại suối tiếp nhận nước thải của nhà máy.

Dầu thải còn đọng lại trên suối Khại ngày 14/10. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Tại thời điểm kiểm tra, ao cá nuôi nhà ông Thắng (xã Phúc Tiến) không có váng dầu, không thấy dầu bám quanh ao; cá chết chưa xác định rõ nguyên nhân đã được thu gom và ủ vào trong 2 thùng để làm phân.

Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc đã lấy 4 mẫu nước mặt (gồm mẫu nước ở bờ suối Bằng cách điểm xả thải của công ty khoảng 50m về phía hạ nguồn); mẫu nước tại hạ nguồn suối Trầm, mẫu nước tại vị trí kênh lấy nước đầu vào của công ty; mẫu nước mặt tại suối Bằng sau khi tiếp nhận nước thải sau xử lý; 1 mẫu nước thải tại cống xả nước thải của công ty trước khi xả thải ra suối Bằng.

Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hòa Bình cho biết, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của nhà máy nước sông Đà không đúng quy định; yêu cầu công ty khẩn trương thu gom, xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy.

Cơ quan chức năng cũng đề nghị tiếp tục giám sát chặt chẽ chất lượng nước thô đầu vào và nước đầu ra để có biện pháp xử lý phù hợp.

Đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn theo quy định, không để hiện tượng nước thải đen sau xử lý chảy ra suối Bằng.

Nước sông Đà đã cấp trở lại nhưng không nên dùng cho ăn uống
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang