(CAO) Tổng tỷ suất sinh tại TPHCM hiện chỉ đạt 1,39 con, thấp hơn nhiều so với mức 1,91 của cả nước khiến địa phương này đang đối mặt với nhiều áp lực về giá hóa dân số.
UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân Thành phố, đồng thời đưa ra một số giải pháp góp phần làm tăng tổng tỷ suất sinh giai đoạn 2025-2030.
Mục tiêu đề án đảm bảo mọi người dân trên địa bàn TP được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và chất lượng, sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe của phụ nữ mang thai, bào thai, trẻ sơ sinh, trẻ em, người lao động và người cao tuổi, đồng thời làm tăng tổng tỷ suất sinh và cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng.

TP.HCM khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con để tránh già hóa
dân sốTheo đề án, TP.HCM sẽ tập trung phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới y tế, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ thai sản, nhi khoa, đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và người lao động.
Hiện nay, TP có 135 bệnh viện và hơn 8.000 phòng khám tư nhân. Các trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế phường, xã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế dự phòng, với các hoạt động tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kiểm soát dịch bệnh.
Đề án đặc biệt chú trọng chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Cụ thể, Thành phố đặt mục tiêu 100% cặp đôi chuẩn bị kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Đối với trẻ em, các chương trình chăm sóc toàn diện, từ tiêm chủng, khám dinh dưỡng, tầm soát các rối loạn phát triển, đến các can thiệp chuyên sâu như phẫu thuật chỉnh hình, điều trị các bệnh lý phức tạp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Các bệnh viện Nhi Đồng, Từ Dũ và Hùng Vương đã có nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả, giảm thiểu tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em.
Đặc biệt, TP.HCM hiện đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, Thành phố có mức sinh thấp.
Hiện tổng tỷ suất sinh tại TP.HCM chỉ đạt 1,39 con, thấp hơn nhiều so với mức 1,91 của cả nước. Mức sinh thấp sẽ dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh.
Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội, tác động trực tiếp đến tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên, làm suy giảm nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Do đó, Đề án đưa ra nhiều giải pháp như hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn, hỗ trợ tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là nhóm lao động nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Đồng thời, nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế...
Ngoài ra, TP cũng đặt mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho hơn 1 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 11% dân số, nhằm ứng phó với thách thức già hóa dân số và đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.