Nhiều tiểu thương phản đối dời "chợ công" về "chợ doanh nghiệp"

Thứ Tư, 12/08/2020 14:52  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Buôn bán từ 10 – 25 năm tại chợ Bà Đầm (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ), nay hơn 200 tiểu thương nhận được thông báo của UBND xã di dời sang chợ mới của doanh nghiệp đầu tư, khiến họ lo lắng, gửi đơn cầu cứu nhiều nơi.

Những bức xúc của tiểu thương

Mới đây, Báo Công an TPHCM điện tử nhận được đơn phản ánh của gần 60 tiểu thương liên quan đến việc UBND xã Trường Xuân sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ chợ Bà Đầm vào ngày 12-8.

Trong đơn các tiểu thương trình bày: Họ đã buôn bán nhiều năm tại chợ, có hộ trên 25 năm và nghề này là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình.

Vào năm 2019, UBND huyện Thới Lai ban hành văn bản về phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh. Sau đó, UBND xã Trường Xuân có thông báo đến các hộ dân về việc di dời chợ Bà Đầm sang chợ Trường Xuân.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương nơi đây không đồng ý, đã nêu ý kiến với chính quyền. Từ đó đến nay, người dân không nhận được các văn bản có liên quan, mà chỉ được thông báo miệng từ cán bộ. Việc này làm cho họ không nắm được thông tin chính thức, mà chỉ biết sẽ bị cưỡng chế di dời vào ngày 12-8.

Các tiểu thương trình bày với Báo Công an TPHCM.

Theo nội dung trình bày của các tiểu thương, việc di dời chợ Bà Đầm chỉ thực hiện với một số tiểu thương. “Việc di dời này liệu có phù hợp, có công bằng, bởi hộ thì di dời, hộ thì không, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc buôn bán. Việc sắp xếp này có thể sẽ tạo nên cảnh hỗn loạn, chỉ cách nhau cây cầu mà có 2 chợ” - người dân đặt vấn đề.

Ngoài ra, các tiểu thương cho rằng, đã buôn bán, kinh doanh tại chợ lâu đời, trong quá trình này họ có công tôn tạo, xây dựng ki-ốt, nay nếu di dời phải hỗ trợ.

Buôn bán tại chợ Bà Đầm đến nay đã 25 năm, bà Huỳnh Thị Út (54 tuổi, ngụ ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân) cho biết: Trước đây, chợ Bà Đầm chỉ là khu vực lung trũng, bùn lầy và mọi người cùng nhau bồi đắp để có nơi buôn bán. Đến năm 1993, bà và một số tiểu thương tiến hành che chắn, dựng ki-ốt lên để nơi buôn bán được khang trang hơn.

“Thời điểm đó mỗi người được cấp 8m2. Ngôi chợ có 3 dãy, riêng dãy giữa có 27 ki-ốt. Buôn bán tại chờ này hiện mỗi ngày tôi có thu nhập từ 200 – 500 ngàn đồng/ngày, đủ nuôi sống 4 người trong nhà” – bà Út cho hay.

Theo bà Út, chợ mới xây dựng chưa hoàn chỉnh, diện tích không đủ bố trí hàng hóa, bởi bà chỉ được bố trí 4m2, cầu tàu không có, mái che không đủ rộng để tránh nắng gió.

Một khu vực chợ Bà Đầm có thông báo sẽ tháo dỡ.

Buôn bán tại chợ Bà Đầm 32 năm và không chịu di dời sang chợ mới, bà Lê Thị Hoa (64 tuổi) trình bày: Khu đất xây chợ Trường Xuân là trung tâm thương mại, nhưng do việc kinh doanh và nhiều lý do nên mới chuyển đổi thành chợ.

“Nhiều lần họp nói chỉnh trang chợ, nhưng sau đó lại đổi là di dời. Ban đầu, xã nói di dời toàn bộ tiểu thương, nhưng giờ chỉ di dời một phần. Tôi thấy đã là xã nông thôn mới thì việc chỉnh trang lại chợ là cần thiết, nhưng di dời kiểu o ép thì không chấp nhận, gây thiệt thòi cho bà con” – bà Hoa bức xúc.

Buôn bán thịt heo 15 năm tại chợ, ông Nguyễn Văn Đạt (50 tuổi) cho biết: “Ngày 10-8, xã dán thông báo là sẽ tháo dỡ nhà lồng và chợ cá vào ngày 12-8, khiến chúng tôi hoang mang. Qua chợ mới người dân sợ bán không được, chi phí trả không nổi, vì không không được biết mức giá cụ thể. Ngoài ra, việc tháo dỡ trong mùa mưa bão người dân ngồi bán ra sao, cũng như một số hộ cất ki-ốt tận dụng làm nhà ở”.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trinh (31 tuổi) đặt vấn đề: “Chợ rất đông vậy mà giờ “xé” ra làm 2, vậy những hộ ở lại sẽ như thế nào? Tôi thấy việc di dời này chưa rõ ràng, mỗi lần đi họp thì cách trả lời không dứt khoát”.

Chợ mới do doanh nghiệp đầu tư, cách chợ Bà Đầm khoảng 300m2.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên còn ghi nhận nhiều tiểu thương còn bỏ ra số tiền từ 30 – 150 triệu đồng để sang nhượng lại chỗ mua bán ở chợ Bà Đầm. Do vậy, khi buộc phải di dời họ yêu cầu phải được hỗ trợ.

Bà Hà Thị Út (67 tuổi, ngụ ấp Trường Phú 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) trình bày: Năm 2005, để có chỗ mua bán ở chợ Bà Đầm, bà phải bán chiếc ghe tam bản và đi vay để có đủ 2,3 lượng vàng sang nhượng lại ki-ốt từ một người khác. Từ mua bán trái cây thì nay chuyển sang bán bánh bò vì lớn tuổi không làm việc nặng được. Hiện mỗi ngày mua bán kiếm lời từ 30 – 50 ngàn đồng để nuôi thân.

“Thấy dán thông báo buộc cưỡng chế tôi quá hoang mang, vì nếu về nơi mới sẽ mất trắng số tiền tích góp. Nhiều năm nay, chỗ mua bán này là nơi tôi ở, nếu di dời qua chợ mới diện tích nhỏ hẹp như vậy sao xoay xở được” – bà Út nói trong nghẹn ngào.

Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Danh Tân (ngụ xã Trường Xuân) bỏ ra số tiền 150 triệu đồng để sang nhượng lại ki-ốt từ ông Huỳnh Thanh Phong vào năm 2019.

Lãnh đạo xã nói gì?

Được biết, ngày 10-8-2020, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Đoàn Tiến Nhanh đã ký thông báo số 293/TB-UBND về việc tháo dỡ mái che và khu chợ cá chợ Bà Đầm. Thời gian thực hiện tháo dỡ từ ngày 12 đến 15-8.

Theo ghi nhận của phóng viên, chợ Trường Xuân (chợ mới) hiện đã có một số hộ tiểu thương vào buôn bán, các công nhân vẫn đang tiếp tục thi công một số hạng mục như cầu tạm, cầu tàu, hệ thống đèn. Đi sâu vào bên trong vẫn còn cát, đá ngổn ngang. Ghi nhận tại các ki-ốt A1, A2 và A3 diện tích khá hẹp, có một số ki-ốt, lô sạp chỉ chừng 4m2.

Một ki-ốt có diện tích khoảng 4m2

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Tiến Nhanh - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: Chợ Bà Đầm có trên 200 tiểu thương đang kinh doanh buôn bán, trong đó có 112 hộ gồm khu vực mái che và chợ cá, ki-ốt giữa được hưởng chính sách ưu tiên để bố trí lô, sạp ở chợ Trường Xuân. Đến thời điểm này có 38 hộ bốc thăm chọn vị trí.

Mục đích di dời các hộ tiểu thương đang mua bán trên đất do nhà nước quản lý về chợ Trường Xuân do Công ty TNHH đầu tư – xây dựng Phát Đạt đầu tư để sắp xếp lại hoạt động mua bán, nâng cao thu nhập và góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Trước tiên sẽ cưỡng chế khu mái che và chợ cá, với tổng số 33 hộ tiểu thương. Đối với dãy ki-ốt bà con đề nghị được hỗ trợ khi di dời, nên việc này xã đã báo cáo về huyện xin ý kiến.

“Ở chợ cũ, trước giờ chỉ thu hoa chi, chứ không có thu tiền cơ sở vật chất. Tuy nhiên qua ghi nhận có một số trường hợp chuyển nhượng lại ki-ốt được nhà nước bố trí. Việc này người dân không có trình báo với chính quyền địa phương. Đối với cầu tàu chợ Trường Xuân, doanh nghiệp có cam kết là xây dựng và hoàn thành vào ngày 2-9 tới đây” – ông Nhanh cho hay.

Tiểu thương qua xem các lô, sạp đều cho rằng diện tích quá nhỏ, không thể bố trí hàng hóa.
Dự án khu thương mại Trường Xuân nằm cặp tỉnh lộ 923 (thuộc xã Trường Xuân) có 2 khu, tổng diện tích khoảng 44.000m2, với 169 hộ dân bị ảnh hưởng. Dự án được UBND TP.Cần Thơ chấp thuận giao cho chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư xây dựng Phát Đạt vào tháng 1-2008. Đến nay khu 1 (bao gồm chợ Trường Xuân hiện hữu) diện tích hơn 26.000m2, còn lại khoảng 7 hộ chưa bàn giao, với diện tích hơn 1.200m2. Khu 2 có 96 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích hơn 18.000m2, đến nay còn hàng chục hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng vì chủ đầu tư đền bù với giá từ 89.500- 96.500 đồng/m2. Dự án chậm triển khai khiến cuộc sống của cả trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch khốn khổ, ở chẳng được mà đi cũng chẳng xong.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang