Hy hữu chuyện tranh chấp tài sản trước hôn nhân

Thứ Sáu, 22/01/2021 10:53

|

(CATP) Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản có trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ hoặc chồng, do đó khi xảy ra tranh chấp thì phải có giấy tờ chứng minh. Tuy nhiên, trường hợp xảy ra tranh chấp căn nhà số 164 Lê Lai (P.Bến Thành, Q.1, TPHCM), là tài sản riêng có trước khi kết hôn nhưng vẫn được Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp", gây thắc mắc trong dư luận.

Trong đơn trình bày gửi đến Báo Công an TPHCM, ông Nguyễn Xuân Cương (ngụ đường Pasteur, P.Bến Nghé, Q.1) cho biết, ông "bỗng dưng" nhận được thông báo thụ lý vụ án của TAND Q.1 về việc bà Lê Thị Tuyết Hồng (ngụ đường Nguyễn Du, P.Bến Thành, Q.1), khởi kiện ra TAND Q.1, để tranh chấp về tài sản sau khi ly hôn. Đồng thời, tòa đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp" nhà số 164 Lê Lai, P.Bến Thành, Q.1.

Theo giấy xác nhận số 547 của UBND P.Bến Nghé "xác nhận tình trạng hôn nhân" cho ông Cương thể hiện, từ ngày 22-10-1991 đến 11-12-2006 chưa đăng ký kết hôn với ai. Ngày 12-12-2006, ông Cương đăng ký kết hôn với bà Lê Thị Tuyết Hồng, nhưng đến ngày 8-1-2015 đã ly hôn theo quyết định của TAND Q.1.

Căn cứ vào giấy xác nhận này, trong thời gian từ năm 1991 đến 2006, ông Cương là độc thân. Do đó, vào năm 1998, ông Cương nhận chuyển nhượng lại căn nhà số 164 Lê Lai từ vợ chồng ông Hoàng Hòa Thọ và bà Lý Kim Hoa, được xác lập tại Phòng Công chứng số 1 (TPHCM). Như vậy, căn nhà này là tài sản riêng của ông Cương tạo lập, không hề có quan hệ hôn nhân với bà Hồng.

Căn nhà 164 Lê Lai, P.Bến Thành, Q.1

Theo đơn trình bày, ông Cương và bà Hồng từng là vợ chồng, sinh sống chung, có đăng ký kết hôn (lần 1). Nhưng trong quá trình sinh sống, do mâu thuẫn giữa hai bên nên ông và bà Hồng đã ly hôn (lần 1) vào năm 1985. Sau khi ly hôn, bà Hồng kết hôn với ông Tôn Ứng Hướng và đăng ký tại UBND P8Q5 vào ngày 24-2-1994. Sau thời gian chung sống, bà Hồng ly hôn với ông Hướng. Ngày 12-12-2006, ông Cương và bà Hồng đăng ký kết hôn (lần 2), đến ngày 8-1-2015, họ lại ly hôn (lần 2) tại bản số 41/2015 của TAND Q.1.

Ông Cương cho rằng, việc ông mua căn nhà vào năm 1998 là sau khi đã ly hôn với bà Hồng (lần 1), có xác nhận của UBND P.Bến Nghé, Q.1. Do đó, quyết định của TAND Q.1 mới đây khi đưa tài sản này vào thời kỳ hôn nhân để cấm chuyển dịch là có dấu hiệu bất thường. Phía nguyên đơn là bà Hồng thì cho rằng, căn nhà số 164 Lê Lai là tài sản chung, do đó yêu cầu Tòa buộc ông Cương phải chia 50% tài sản trên.

Theo ông Cương, trong hai lần kết hôn, ông Cương và bà Hồng có năm người con chung. Tại thời điểm ly hôn lần hai (năm 2015) có bốn người con đã trưởng thành, một người con chưa trưởng thành, Tòa đã quyết định giao cho bà Hồng nuôi dưỡng và ông Cương có trách nhiệm cấp dưỡng mỗi tháng 5 triệu đồng kể từ tháng 1-2015 cho đến khi tròn 18 tuổi. Về tài sản chung, tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Dương Thị Tới (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Luật cư trú năm 2020, việc bà Hồng có chung hộ khẩu với ông Cương tại Q.1 không phải là yếu tố xác định chủ quyền của căn nhà, mà phải xác định vào người đứng tên trên sổ hồng và thời điểm xác lập (trước hay trong thời kì hôn nhân).

Bình luận (0)

Lên đầu trang