Năm khỉ nói chuyện voọc trên “bán đảo Tề thiên”- Kỳ 1: Săn voọc trên đỉnh Sơn Trà

Thứ Hai, 08/02/2016 11:16  | Xuân Hoài

|

(CAO) Bán đảo Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng được xem là một trong những “đảo Tề thiên” ở miền Trung, bởi nơi đây có rất nhiều loài khỉ.

Tại bán đảo này tập trung voọc chà vá chân nâu (thuộc họ khỉ), loại động vật đặc biệt quý hiếm trong Sách đỏ. Voọc chà vá chân nâu chân nâu có độ tinh khôn được xem là gần giống loài người nhất (96%), có vẻ đẹp mê hồn và được ví là “nữ hoàng linh trưởng”.

Theo dấu voọc chà vá chân nâu

Đầu Xuân mới Bính Thân, báo Công an TP. Hồ Chí Minh xin giới thiệu đến quý bạn đọc loạt bài viết thú vị về loài “nữ hoàng linh trưởng” quý hiếm này.

Tại bán đảo Sơn Trà tập trung số lượng đông đảo, khoảng 200-300 cá thể voọc, hiếm nơi nào có vì đặc điểm của khu bảo tồn thiên nhiên này nằm ngay trong lòng thành phố Đà Nẵng.

Người dân, du khách có thể lên đảo, đi theo đường quy hoạch cũng có thể ngắm voọc chà vá chân nâu dễ dàng mà không cần phải trèo đèo lội suối vất vả như những khu rừng khác nhưng chưa chắc thấy được voọc. Chính vì điều này mà có một tổ chức chuyên nghiên cứu loài voọc đã ăn ngủ, theo dấu voọc chà vá chân nâu hàng năm trời, “sống chung” với loài voọc quý hiếm để nghiên cứu, tìm hiểu tập tính đời sống gần giống… loài người.

Sau vài lần hẹn, chúng tôi được anh Nguyễn Đức Vũ, Phó ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cử nhân viên hướng dẫn “tour ngắm voọc” (đang nằm trong ý tưởng) quanh BĐ Sơn Trà. Nguyễn Đức Bồi-nhân viên quản lý trật tự BĐ Sơn Trà chở chúng tôi trên chiếc xe máy mà hàng ngày vẫn đi một vài vòng để nắm tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch mà BQL đang khai thác.

Một cá thể voọc  ở Sơn Trà - Ảnh: Xuân Hoài 

Theo Bồi, để dễ thấy voọc nhất là vào thời điểm 6-8 giờ, khi đó các “cô cậu” ăn sáng, chiều khoảng 15-17 giờ, là thời điểm chúng ăn chiều, còn tối thì chúng nấp trên cây ngủ nên rất khó phát hiện. Chúng tôi không đi theo lộ trình khai thác các điểm tham quan trên BĐ Sơn Trà, mà đi ngược lại thì hiệu quả ngắm voọc sẽ cao hơn.

Theo kinh nghiệm mấy năm lòng vòng trên bán sơn địa này, Bồi cho biết, bản thân đã khá thân quen với mấy đàn voọc nên biết điểm nào thấy được voọc. Nếu chỉ riêng Bồi, chúng thấy cũng không bỏ đi mà cho mình ngắm thoải mái, thẩm chí “nói chuyện” qua lại bằng vài tín hiệu.

Khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi vòng lên phía tây bắc BĐ Sơn Trà, gần phía cảng Tiên Sa đi lên bằng con đường trải nhựa hoặc bê tông (đường chiến lược vừa quốc phòng an ninh- du lịch dân sinh) rộng khoảng 5m bao vòng tròn quanh bán đảo. Đi được khoảng vài km, Bồi bảo dừng lại, vì điểm này thường có voọc.

Cảnh sắc trên này khá tuyệt, nhân lúc chờ ngắm voọc, chúng tôi chụp vài bức hình kỷ niệm. Nhưng, chưa làm được kiểu nào thì Bồi “nghe” và nói voọc sắp ra.

Quả thật, ngước lên vượt tầm mắt phía những cành cây cao thì có vài ba con voọc “nhô” ra. Chúng chuyền từ cây này qua cành kia, có con thì cứ ngồi yên nhìn xuống chúng tôi. Bồi đưa tay kiểu như chào, không thấy chúng bỏ chạy mà ngồi lại “nắm tình hình”. Chắc thấy chúng tôi lạ nên chúng ngó nghiêng, bay nhảy cũng cầm chừng, với vẻ thăm dò.

Lần đầu tiên thấy cảnh tượng này, chúng tôi cầm máy ảnh bấm lia lịa. Chắc ngợp với máy ảnh của người “là lạ” nên khoảng 5 phút, chúng kéo nhau vào trong rừng sâu.

“Có lần em thấy đàn voọc cách chỉ chừng 5 m, thế mà chúng không bỏ chạy, trái lại còn leo lên cây nhỏ ngay trước mặt, thấy em cầm điện thoại ra, chúng còn “làm dáng” để em chụp thoải mái. Chúng thấy ai thân quen rồi thì thân thiện lắm”, Bồi chia sẻ kỷ niệm vui.

“Săn” voọc- những điều kỳ thú

Theo Bồi, trên đảo có khoảng 8-10 điểm hay gặp voọc. Đó là những điểm mà BQL và một phụ nữ người Đức yêu voọc làm tiểu dự án nhỏ làm cầu cho voọc qua bên kia đường để ra… ngắm biển.

Đến nay để chứng minh được voọc có đi trên cầu khỉ không thì chưa ai giám chắc. Nhưng điều Bồi giám khẳng định là tại điểm có cầu thường hay có voọc xuất hiện nhất bởi “người phụ nữ Đức này là người chuyên nghiên cứu về voọc, bà đã ở lâu với BĐ Sơn Trà”. Giờ hết dự án bà phải về lại quê nhà, thỉnh thoảng mới qua lại thăm voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà cho đỡ nhớ.

Chúng tôi tôi lòng vòng quanh đảo, qua một số điểm tham quan. Do trời gần trưa nên Bồi nói gặp voọc hơi khó. Khi đến đoạn rẽ nhánh định đi qua phía cây đa di sản, đang đi tà tà, với kinh nghiệm của mình, Bồi bắn tín hiệu “có voọc”.

Voọc chuyền cành  - Ảnh: Xuân Hoài 

Chúng tôi tức tốc nhìn lên cành cây lớn thì thấy 2-3 con voọc, có cả con khỉ đang rượt đuổi nhau. Máy chúng tôi chỉ ghi lại một vài hình ảnh lờ mờ vì chúng làm náo động cả khóm rừng. Đứng một lúc, không thấy xuất hiện nên chúng tôi đi ngắm cây đa di sản.

Khi đi về, gần điểm lúc nãy, chúng tôi thấy xuất hiện một đàn voọc khoảng 4-5 đang “bay lượn, vui đùa”. Đứng ngắm một lúc, lấy máy ảnh ra chụp vài kiểu ưng ý thì có hai vị khách người nước ngoài đi qua, thấy chúng tôi đứng xem, chụp hình cũng dừng lại xem. Nhưng vị khách kia sơ ý không tắt máy nên khi vừa dừng lại, chúng nghe tiếng máy nổ to nên nhảy sâu vào trong rừng, vượt xa tầm mắt của chúng tôi.

“Kinh nghiệm đi ngắm voọc là tới các điểm thường hay có voọc là phải tắt máy, sau đó đi bộ hoặc đẩy xe máy tới. Voọc không nghe tiếng động, có không gian yên hòa thì chúng hay ra phía ngoài đường, trên những cành cây cao để tận hưởng ánh sáng nên chúng ta dễ bề quan sát”, Bồi đúc rút kinh nghiệm.

Theo Bồi, bản thân ngày nào đi cũng gặp voọc. Đã dẫn rất nhiều đoàn đi ngắm voọc nhưng để chuyến đi nào cũng gặp thì không chắc lắm. “Có lần sếp giao em có nhiệm vụ đi “tiền trạm” trước để dẫn đoàn lãnh đạo sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch Đà Nẵng đi ngắm voọc để nắm tình hình thực tế, có phương án bảo vệ, khai thác du lịch một cách hiệu quả. Em phải đi trước cả cây số, tới điểm nào có voọc, tắt máy, đi bộ lại “điểm hẹn” thì thấy được voọc, sau đó gọi điện cho người dẫn đoàn đi vào cùng ngắm, ai cũng thích thú.

Du khách háo hức chụp voọckhi thấy chúng. - Ảnh: Xuân Hoài

Bản thân nhiều lần dẫn đoàn đi “ngắm voọc” ai cũng cho rằng “ở Sơn Trà quả thật thú vị, dễ gì ở nơi nào ngắm được nữ hoàng linh trưởng một cách…nhẹ nhàng như ở chốn này”, Bồi pha chút hài hước.

Ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian TP. Đà Nẵng cho biết, trước năm 1975, Sơn Trà được gọi là Sơn Chà, sau này thành lập quận mới gọi là Sơn Trà. Chà hay Trà đều xuất xứ từ tiếng Chăm. Còn Sơn là chữ Hán, được gọi là ngữ nguyên hỗ hợp: Hán-Việt-Chăm.

Hiện các nhà nghiên cứu chưa thống nhất chữ “Chà” hay “Trà” xuất xứ từ đâu, có người nói trên núi có nhiều trà nhưng qua khảo sát thì không thấy. Chà có người cho rằng nguồn gốc từ Ấn độ, tộc người Chà Và. Ở Đà Nẵng, thời kỳ Pháp thuộc có phố Ấn độ (khu vực Hòa Cường ngày nay).

Trên núi Sơn Trà rất nhiều khỉ, đặc biệt là voọc Chà Vá chân nâu. Trước năm 1975, khi Mỹ lên thiết lập khu quân sự, ra đa trên núi Sơn Chà đã đánh đuổi khỉ dạt ra làm địa điểm quân sự.

Khi khỉ và voọc dạt xuống, tập trung về phía đông bắc của bán đảo. Sau năm 1975, khỉ sinh sôi phát triển, các nhà khoa học đến tìm hiểu, nghiên cứu, phân loại thì mới biết tại đây có loài voọc chà vá chân nâu hết sức quý hiếm, được đưa vào Sách đỏ cần được bảo vệ đặc biệt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang