Thấp thỏm sống trong những ngôi nhà chờ sập giữa Sài Gòn

Chủ Nhật, 12/07/2015 16:35  | Sang Nguyễn

|

(CAO) Nhiều năm nay, những ngôi nhà tạm bợ, lụp sụp chờ sập ven các con kênh tại TP.HCM đang là nỗi ám ảnh của nhiều người dân và chính quyền.

Những ngôi nhà này không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn trực tiếp đe dọa tới tính mạng của những người đang mạo hiểm sinh sống nơi đây.

Những ngôi nhà ổ chuột bên khu vực kênh tẻ, quận 7

Nỗi lo sợ đứng trước miệng "hà bá"

Ghi nhận được tại cù lao Nguyễn Kiệu, P.1, Q.4, TP.HCM. Những ngôi nhà này luôn nằm trong tình trạng báo động khẩn cấp mỗi khi mưa gió. Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở di dời và đưa vào dự án giải tỏa, đền bù; thế nhưng nhiều hộ dân vẫn không thuận, bất chấp nguy hiểm sống cùng với nguy cơ sạt lở vì cho rằng đền bù chưa thỏa đáng.

Những căn nhà chờ sập trên kênh

Những căn nhà này đa số được xây cất từ hàng chục năm nay với gần trăm hộ gia đình đang sinh sống có diện tích phần lớn nằm lấn ra kênh. Mỗi năm, khi vào mùa mưa, người dân không tránh khỏi nỗi lo sợ như đứng trước miệng "hà bá" vì có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Những ngôi nhà nằm trước miệng hà bá gây mất mỹ quan, đe dọa tính mạng người dân

Anh Nguyễn Minh Nhật, một hộ dân sống tại cù lao Nguyễn Kiệu, P.1, Q.4 cho biết: “Mỗi khi trời mưa là nước ngập tràn vô nhà, sống sợ lắm nhất là khi nước ngập vô ổ điển. chúng tôi luôn thấp thỏm vì sợ điện giận và sập nhà nhưng biết sao được vì hoàn cảnh phải sống thôi”.

Những ngôi nhà này luôn nằm trong tình trạng báo động khẩn cấp mỗi khi mưa gió

Được biết, hơn 500 hộ dân ven kênh này thuộc dự án di dời, tháo gỡ và thu hồi đất để xây dựng công viên cù lao Nguyễn Kiệu từ năm 2007. Thế nhưng đến nay, chỉ có gần 400 hộ đồng ý. Còn lại chưa chịu thỏa thuận, di dời vì đền bù chưa thỏa đáng.

Chờ đền bù thỏa đáng

Tương tự, nhiều hộ dân ở khu dân cư dưới chân cầu Rạch Ông, nằm dọc bờ con kênh Tẻ dài hơn 2 km, P.Tân Hưng, Q.7 cũng không chịu di dời, giải tỏa.

Những ngôi nhà được xây cất từ hơn chục năm, nhiều ngôi nhà có chân trụ làm bằng cừ tràm và bê tông đã bị nước bào mòn, gần như không còn có gì chống đỡ.

Người dân bấm bụng sống chung với miệng hà bá

Một số hộ dân vô tư cho biết, phần vì đền bù chưa thỏa đáng, phần vì trước sau cũng đi nên ở đến đâu hay đến đó mà bất chấp nguy hiểm, chấp nhận bám víu, sống chung với miệng hà bá sạt lỡ bất cứ lúc nào.

Người dân nơi đây cho biết, khu vực này đã được nhà nước phát lệnh giải tỏa đền bù từ 3 năm nay, tuy nhiên nhiều hộ vẫn chưa đồng ý với mức giá đền bù và chế độ nhà ở tái định cư nên vẫn bám trụ. Số khác cho người từ tỉnh lên thuê.

Nhiều ngôi nhà có chân trụ làm bằng cừ tràm gần như không còn có gì chống đỡ

Bà Thứ Út, cù lao Nguyễn Kiệu, P.1, Q.4 chia sẻ: “Nhà nước đền bù, dân ở đây chịu nhưng mà nhà cô đây có 145 triệu đồng thì mua nhà ở đâu được con. Mua hành lang còn sợ không đủ nữa. Nếu mà đi thuê nhà thì cô già rồi, làm gì ra tiền để trả tiền thuê hả con? Chỉ mong nhà nước xem xét hỗ trợ thêm mức đền bù”.

Trẻ em vô tư chơi đùa trong những khu vực sập bất cứ lúc nào

Thực tế cho thấy đã có nhiều nhà bị lọt tỏm xuống sông do sạt lở, gần đây nhất là vụ sạt lở ở P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức vào ngày 2 -7, vụ sạt lở đã làm cho một ngôi nhà và nhiều phương tiện xe cơ giới, tài sản bị nhấn chìm xuống sông. Rất may, khi sạt lở người dân đã kịp thời phát hiện và cứu sống ba người trong gia đình này.

Theo thống kê của sở xây dựng, số lượng nhà “ổ chuột” tại TP.HCM là hơn 17.000 căn

Những ngôi nhà nằm trước miệng hà bá này không chỉ gây mất mỹ quan, đe dọa tính mạng, các xóm nhà trên sông còn bị cảnh báo có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường bởi toàn bộ chất thải của các hộ này đều đưa trực tiếp xuống kênh rạch.

Cảnh đối nghịch giữa cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4) cùng những ngôi nhà cao tầng phía sau
Theo thống kê của sở xây dựng, số lượng nhà “ổ chuột” tại TP.HCM là hơn 17.000 căn. Hiện TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các phương án di dời 17.000 căn nhà ổ chuột này. Được biết, kế hoạch di dời, giải tỏa nhà ổ chuột đã được TP.HCM thực hiện từ năm 1993, đến nay chỉ mới giải tỏa được 35.600 hộ với số tiền đền bù lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thiết nghỉ chính quyền địa phương cần nhanh chóng hơn trong việc di dời các hộ này. Đồng thời, những hộ dân cần chủ động có biện pháp phòng trừ để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và để góp phần tạo mỹ quan cho thành phố.

Bình luận (0)

Lên đầu trang