TPHCM: Nhiều khó khăn trong cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm

Thứ Hai, 11/05/2020 17:08  | Quang Hà

|

(CATP) Theo Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM, thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) quý I/2020 (từ ngày 15-12-2019 đến 15-3-2020), đã phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, với 21.850 lượt công trình. Qua đó, phát hiện 179 công trình vi phạm TTXD, gồm: sai phép là 99 vụ (chiếm 55,3%), không phép 80 vụ (chiếm 44,7%).

Số vụ vi phạm bình quân giảm mạnh

UBND Q12 vừa công bố thêm 4 trường hợp vi phạm về xây dựng tại các phường Thạnh Lộc, Tân Thới Nhất, An Phú Đông, mới phát sinh từ ngày 18-4 đến 7-5-2020. Phần lớn các trường hợp này đều là nhà ở riêng lẻ, diện tích dưới 100m2. Tháng 4-2020, tại P.Thạnh Xuân (Q12) xảy ra 2 vụ vi phạm TTXD ở quy mô nhà ở riêng lẻ, diện tích từ 105 - 168m2, bị UBND quận ra quyết định xử phạt, buộc cưỡng chế tháo dỡ, nhưng chưa thực hiện được.

Hiện nay, UBND Q2 cũng đang xử lý sai phạm tại 17 công trình xây dựng sai phép, vượt tầng, trái quy hoạch. Một trường hợp có nhiều vi phạm trong lĩnh vực xây dựng tại quận này là Công ty Công ích Q4, có tới 9 công trình vi phạm xây dựng. Nhiều công trình của công ty trên tại hẻm số 9, Đường 66 (P.Thảo Điền) được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) tầng hầm, trệt, lửng và 2 lầu. Thế nhưng công ty đều xây dựng vượt 6 đến 7 tầng. Tại khu vực hẻm 188 Nguyễn Văn Hưởng (Q2), dù được cấp GPXD xây dựng tầng hầm, trệt, lửng và 3 lầu áp mái, nhưng các công trình xây từ 7 đến 9 tầng và sân thượng.

Theo Sở Xây dựng, trong quý I/2020, phát hiện 179 công trình vi phạm TTXD (99 vụ sai phép, 80 vụ không phép), bình quân mỗi ngày là 2 vụ. So sánh với số vụ vi phạm bình quân của 6 tháng đầu năm 2019 là 8,52 vụ/ngày (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23) thì hiện nay đã giảm 6,5 vụ/ngày (tỉ lệ giảm là 76,65%). Điều đó cho thấy thành phố đã hạn chế được tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTXD.

Còn nhớ thành phố từng xảy ra những vụ vi phạm TTXD lớn, điển hình như công trình vi phạm tại số 41/7 Sư Vạn Hạnh (P3, Q10), được cấp GPXD nhà ở riêng lẻ vào năm 2011, quy mô 1 hầm và 6 tầng. Thế nhưng chủ đầu tư xây thành 1 hầm và 8 tầng. Công trình còn xây dựng trên phần đất công, với diện tích hơn 6m2. Cạnh đó là sai phạm tại chung cư Khang Gia Tân Hương (số 377 Tân Hương, P.Tân Quý, Q.Tân Phú) do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư. Năm 2016, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư có các vi phạm khi thực hiện dự án như: thay đổi kết cấu tại tầng 1, tầng lửng và tầng 2, tháo gỡ hệ thống phòng cháy, chữa cháy để ngăn thành 71 căn hộ (từ 20 - 70m2/căn, cá biệt có 2 căn diện tích chỉ 15m2/căn) để bán cho khách hàng, với giá từ 20 triệu đồng/m2.

Chung cư Khang Gia Tân Hương được chủ đầu tư xây lố 71 căn hộ

Dự án chung cư Bảy Hiền Tower (Q.Tân Bình) với tên gọi cũ là Trung tâm thương mại - căn hộ Thăng Long được Sở Xây dựng cấp GPXD quy mô 20 tầng, 170 căn hộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng thương mại Thăng Long xây sai thiết kế, tăng tầng, đổi công năng tầng lửng thành căn hộ...

Chưa ngăn chặn triệt để việc vi phạm

Tuy nhiên, trên thực tế, việc ngăn chặn công trình vi phạm tiếp tục thi công chưa đạt hiệu quả cao. Vẫn còn công trình vi phạm tiếp tục thi công xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, gây khó khăn cho công tác xử lý. Các giải pháp về ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm TTXD đã được Thành ủy, UBND TPHCM chỉ đạo quyết liệt, nhưng các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước chưa thực hiện hiệu quả.

Việc tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt hành chính từ khi cơ quan có thẩm quyền ban hành đến khi đối tượng vi phạm chấp hành xong toàn bộ quyết định chưa đạt kết quả cao. Công tác thuê các tổ chức có năng lực thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn, do phần lớn các tổ chức này không muốn thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm.

Đặc biệt, việc xác minh tài khoản ngân hàng của đối tượng vi phạm để thực hiện cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập (không xác định được tài khoản, tài khoản rỗng, việc cung cấp thông tin khách hàng của các ngân hàng, đơn vị quản lý thuế còn hạn chế), dẫn đến việc tổ chức thực hiện quyết định xử phạt hành chính kéo dài.

Tăng cường phối hợp quản lý

Do đó, Sở Xây dựng đề nghị, các sở, ngành cùng tham mưu cho UBNDTP ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý chặt hơn nữa về lĩnh vực TTXD. Đồng thời xây dựng các quy trình phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm TTXD trên địa bàn, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm tiếp diễn bằng biện pháp hạn chế cung cấp điện, nước cho hoạt động xây dựng; quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, đảm bảo liên thông trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình; tiêu chí phân loại, xử lý công trình vi phạm TTXD...

Nhằm nâng cao công tác quản lý, Sở Xây dựng đã cùng UBND 24 quận, huyện xây dựng ứng dụng phần mềm trực tuyến để tiếp nhận ý kiến của người dân về quy hoạch, đất đai và TTXD. Riêng Sở Xây dựng đã hoàn thành ứng dụng "Sở Xây dựng trực tuyến - App mobile SXD247", tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin liên quan đến hoạt động của Sở, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Một công trình xây dựng sai phép tại Q10 đang bị cưỡng chế tháo dỡ

Được biết, ứng dụng Sở Xây dựng trực tuyến đã "mobile hóa" các hệ thống dùng nền tảng web đang phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường khả năng trải nghiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm dịch vụ công. Ứng dụng này có tổng cộng 13 phân hệ, trong đó đã hoàn thiện được 9 phân hệ chính, gồm: dự án nhà ở thương mại, tra cứu quy hoạch, phản ánh góp ý, trưng cầu đánh giá, tra cứu hồ sơ, thủ tục hành chính, tra cứu chứng chỉ, GPXD, hướng dẫn sử dụng. Các phân hệ còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung trong giai đoạn 2, gồm: phản ánh hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội, phương án tái định cư, đào tạo trực tuyến.

Kết quả bước đầu, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 55 tin phản ánh qua "App-SXD247", trong đó đã giải quyết 40 thông tin. Tuy nhiên, chỉ có 20 trường hợp phản ánh đúng và có tới 20 trường hợp phản ánh sai. Số vụ việc đang xác minh giải quyết là 15 trường hợp.

Từ những kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về TTXD, Sở Xây dựng cho rằng, việc ban hành, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp quản lý TTXD, Kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý TTXD giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyện đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm xây dựng trên địa bàn.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến kinh phí tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng đã thống nhất với cơ quan chức năng tham mưu UBNDTP tạm ứng chi phí cho UBND quận, huyện thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Đối với các quyết định xử phạt do UBNDTP và Thanh tra Sở Xây dựng ban hành, sẽ được tạm ứng từ nguồn tiền thu được từ xử phạt trong hoạt động xây dựng do Chủ tịch UBNDTP, Chánh thanh tra Sở Xây dựng xử phạt.

Còn quyết định xử phạt do UBND quận, huyện ban hành thì quận, huyện có trách nhiệm chủ động cân đối ngân sách để tạm ứng chi phí thực hiện công tác cưỡng chế. Sở Xây dựng và Sở Tài chính sẽ ký tờ trình liên sở, trình UBNDTP công văn hướng dẫn UBND quận, huyện về tạm ứng, hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng.

Trong quý I/2020, Sở Xây dựng tiếp nhận 8.356 GPXD (34 GPXD do Sở Xây dựng cấp, 8.322 GPXD do UBND quận, huyện cấp), giảm 116 GPXD so với cùng kỳ năm 2019.

Trước nhu cầu của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố về xây dựng công trình nhà ở để cho các đối tượng thuê là công nhân, người lao động, sinh viên... khá lớn, nhưng hầu hết chưa nắm rõ trình tự đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình nhà ở cho thuê được dễ dàng, đảm bảo đúng pháp luật, Sở ban hành văn bản "Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn TPHCM".

Qua khảo sát thực tế các huyện ngoại thành cho thấy nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: nhà màng, nhà kính, nhà lưới... để trồng rau, cây giống, cây cảnh; chuồng, trại chăn nuôi; nhà kho để vật tư, nông sản... cũng khá lớn. Sở Xây dựng đã hoàn chỉnh và trình UBNDTP ban hành Quy trình thí điểm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.

Bình luận (0)

Lên đầu trang