Vì sao gói thầu “số hóa dữ liệu hộ tịch” bị chậm tiến độ?

Thứ Sáu, 13/03/2020 12:14  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Ông Cao Thanh Sơn – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang cho biết là đơn vị đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện việc “số hóa dữ liệu hộ tịch”. Đến nay việc thực hiện gói thầu có chậm tiến độ, đạt chỉ gần 30% kế hoạch.

Sở Tư pháp tỉnh An Giang là đơn vị được cho là  số hóa dữ liệu hộ tịch đầu tiên ở miền Tây.

Được biết, vào ngày 2-1-2020, Sở Tư pháp tỉnh An Giang (chủ đầu tư) tiến hành ký hợp đồng số 0201/2020 MBA – STPAG với Công ty Cổ phần quốc tế MBA (nhà thầu, địa chỉ Q.Bình Thạnh, TPHCM) để thực hiện gói thầu số 9: “Tạo lập và phát triển cơ sở dữ liệu” thuộc dự án: “Đầu tư máy tính, trang thiết bị và chuyển đổi dữ liệu hộ tịch” với tổng vốn đầu tư 9,76 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 90 ngày (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật).

Theo tìm hiểu của phóng viên, phạm vi cung cấp gói thầu là 10 huyện, thị xã, thành phố: Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Thành, Thoại Sơn, An Phú, Phú Tân, Tân Châu, Chợ Mới, Tịnh Biên, Châu Phú, với tổng dữ liệu là 1.251.803.

Đến nay dù đã quá 2/3 thời gian thực hiện nhưng chỉ mới hoàn thành được gần 30% kế hoạch. Trong khi đó, theo hợp đồng thể hiện chủ đầu tư tạm ứng 40% giá trị hợp đồng cho nhà thầu sau khi hợp đồng ký hết có hiệu lực.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ thực hiện dự án, ông Cao Thanh Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang cho biết, chỉ mới đạt được tiến độ gần 30%. “Đây là dự án thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc ứng dụng công nghệ thông tin về số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch. Sở Tư pháp An Giang là đơn vị đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện việc này. Tính chất hộ tịch của tỉnh An Giang là số lượng nhiều, phức tạp” – ông Sơn nói.

Người đứng đầu Sở Tư pháp An Giang thừa nhận tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch và lý giải nguyên nhân là thực hiện gói thầu vào những ngày cuối năm, thời gian nghỉ Tết.

“Theo cơ sở dữ liệu nhập là 1.251.000 dữ liệu nhưng hiện đã nhập được 35.000 dữ liệu. Thời gian thực hiện gói thầu là 90 ngày nhưng sơ ý cái là thời gian thực hiện không quy định cụ thể là 90 ngày làm việc, nên phải trừ đi các ngày nghỉ lễ, Tết… nên bị chậm” – ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, để khắc phục tình trạng trên sau khi thống nhất những gì làm tại cơ quan sẽ làm ngay, còn không làm được tại cơ quan sẽ đưa về nhà làm.

“Tiên lượng về tiến độ này sẽ khắc phục được. Nhưng về vấn đề nghỉ lễ, nghỉ Tết và dịch bệnh corona nên cũng bị ảnh hưởng. Do đây là lần đầu tiên đơn vị thực hiện việc này nên chưa có kinh nghiệm” - ông Sơn nói.

Khi chủ đầu tư nêu ra nhiều lý do để lý giải cho sự chậm trễ của gói thầu, dư luận lại nghi ngờ về năng lực của đơn vị trúng thầu (!).

Trả lời câu hỏi về công tác đấu thầu, chọn nhà thầu có đủ năng lực thực hiện gói thầu hay không, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang cho biết: “Sở có nhờ cơ quan tư vấn ở TPHCM xây dựng dự thảo, rồi đến Trung tâm Thẩm định dự án đầu tư (thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư) thẩm định... Tất cả các bước đều làm theo luật định”.

Đối với năng lực thực hiện gói thầu số 9 của Công ty Cổ phần quốc tế MBA, ông Sơn cho biết: “Năng lực nhà thầu như thế nào, có bảo đảm hay không là do cơ quan chức năng họ thẩm định và làm, vì ngành tư pháp không đủ trình độ, kiến thức để thẩm định”.

Riêng về thông tin nhà thầu có bán thầu hay không, chủ đầu tư cho rằng, về năng lực của đơn vị thực hiện có đủ hay không là chuyện nội bộ của họ, Sở Tư pháp chỉ xem xét sản phẩm làm ra có chất lượng đúng với hợp đồng hay không mà thôi!

Bình luận (0)

Lên đầu trang