Hai lần đi qua 'cửa tử' của ông đồ thư pháp ‘siêu tí hon’

Thứ Năm, 03/12/2015 13:15  | Ngô Đồng

|

(CAO) Năm nay đã 30 tuổi nhưng chú tiểu Thích Nhuận Pháp chỉ cao 90cm, nặng 12,5kg, lại không biết chữ; nhưng Thích Nhuận Pháp sở hữu kỹ năng võ thuật, viết thư pháp điêu luyện và đã được sách kỷ lục Việt Nam vinh danh là “Ông đồ nhỏ nhất Việt Nam”.

Chú tiểu Thích Nhuận Pháp (tên thật là Nguyễn Duy Phương, SN 1985, quê Bình Định, hiện sống tại TP.HCM). Phương là một trong vài trường hợp hiếm hoi của y học Việt Nam đến thời điểm hiện tại, cũng là trường hợp thứ 17 được ghi nhận trên thế giới may mắn sống sót khi chào đời chỉ với cân nặng hơn 400 gram.

Chú tiểu Thích Nhuận Pháp và hai lần đi qua "cửa tử"

Sự sống diệu kỳ

Cô Đinh Thị Anh (55 tuổi, quê Bình Định, hiện ngụ tại quận 5, TP.HCM), mẹ của Nguyễn Duy Phương, cho biết, Phương là con trai thứ 2 của bà. Đứa con đầu lớn hơn Phương 4 tuổi, khi sinh ra có cân nặng bình thường như bao đứa trẻ khác. Hiện là một kỹ sư về tin học.

“Nhưng không hiểu sao, với Phương, đứa con cô sinh ra quá sức khác thường, chỉ cân nặng hơn 400 gram. Khi Phương vừa lọt lòng, cháu bé như cục thịt đỏ hỏn nằm lọt thỏm trong bàn tay. Thậm chí, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy các bộ phận trong cơ thể của Phương”, cô Anh chia sẻ.

Dù 30 tuổi, nhưng Phương có cân nặng và chiều cao như trẻ lên 3

Qua nghiên cứu, các bác sĩ kết luận Phương là bệnh nhân của hội chứng Seckel, một hội chứng mà y học thế giới chưa tìm được nguyên nhân và phương pháp chữa trị. Được biết, phần lớn những ca Seckel trên thế giới đều sống không quá 15 tuổi.

Hội chứng Seckel hay còn gọi là tật “người lùn, đầu chim”. Đây là hội chứng hiếm gặp trên thế giới, là bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18.

Thế nhưng, từ một đứa trẻ ốm yếu, tưởng khó có thể sống được qua tuổi 15, nhưng với sự chăm sóc của mẹ và nghị lực của bản thân, Phương giờ đã 30 tuổi, là một chú tiểu và là một kỷ lục gia trong giới thư pháp được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Ông đồ nhỏ nhất Việt Nam”.

Vượt qua được cửa tử này, chú tiểu lại vừa đối mặt với một cửa tử khác khi mới đây, đột nhiên chú lên cơn đau tim dữ dội.

Cô Anh cho biết: “Nửa đêm về sáng, bỗng nhiên Phương kêu đau, tức ngực, không thở được. Gia đình tức tốc đưa Phương vào bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM cấp cứu”.

Bác sĩ Phạm Đức Đạt, Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho biết: “Phương nhập viện lúc 7 giờ sáng ngày 30-11 trong tình trạng tím tái, tức ngực, rối loạn nhịp tim... Chụp mạch vành can thiệp cấp cứu phát hiện tắc nhánh bên phải. Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ đặt stent mạch vành. Bệnh nhân đã thoát chết trong gang tấc nhờ cấp cứu kịp thời. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tiếp xúc tốt, và đang được tiếp tục điều trị nội khoa”.

Bác sĩ Phạm Đức Đạt, Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp bệnh viện 115 TP.HCM thăm khám sức khỏe cho Phương

Tuy nhiên, bác sĩ Đạt cho hay, vì mang bệnh tim nên Phương sẽ phải tái khám định kì và có thể sẽ phải uống thuốc suốt đời. Biết hoàn cảnh gia đình bệnh nhân Phương khó khăn, Hội chữ thập đỏ Bệnh viện Nhân dân 115 hỗ trợ kinh phí điều trị cho bệnh nhân.

Người mẹ nghị lực, đồng hành cùng con suốt 30 năm

Nuôi một đứa con sinh ra với cân nặng bình thường đã khó, nuôi một đứa trẻ quá bé như Phương thì khó khăn bội phần. Miệng Phương quá nhỏ nên không thể bú sữa trực tiếp từ mẹ, cháu chỉ có thể uống được từng chút sữa bằng cách bón một ít một.

Nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu khi người mẹ còn phải đối mặt với ánh mắt dèm pha, những lời dị nghị bàn tán của hàng xóm, rằng cậu là “quái thai”, là “người ngoài hành tinh” khiến người mẹ không khỏi buồn lòng.

“Nhiều lúc nghĩ quẩn muốn chết cho rồi, nhưng chết rồi con mình ai nuôi. Thương con quá, cô bỏ ngoài tai những dị nghị, tần tảo ngày đêm nuôi con khôn lớn thành người”, cô Anh ngân ngấn nước mắt khi nhắc lại chuỗi ngày đã qua.

Phương cùng mẹ (áo đen ở giữa) và bác sĩ Trần Thị Thanh Hà (áo blouse trắng) và bác sĩ Trịnh Thị Thanh Ngân (áo vàng), GĐ Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em thiệt thòi TP.HCM

Do cuộc sống nhiều khó khăn, cô Anh đưa các con vào vào TP.HCM lập nghiệp và cũng để chữa bệnh cho Phương. Phương lớn rất chậm, lúc vào TP.HCM, cậu được 2 tuổi nhưng chỉ cao 45cm, nặng gần 4kg.

Lúc đầu, Phương được điều trị suy dinh dưỡng ở bệnh viện Nhi Đồng rồi chuyển qua bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.

Tháng 7-1988, cậu lại được chuyển qua Trung tâm phục hồi trẻ mồ côi suy dinh dưỡng của Bộ LĐTBXH tại TP.HCM. Ở đây, Phương được điều trị, chăm sóc suốt 10 năm liền sau đó. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nga là người trực tiếp làm hồ sơ bệnh án nghiên cứu khoa học.

Ngày 3-12, trao đổi qua điện thoại, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết: Phần lớn những ca Seckel trên thế giới đều sống không quá 15 tuổi. Nguyên nhân gây tử vong sớm của các cháu không hẳn vì chứng Seckel mà có thể mắc các chứng bệnh thông thường khác. Trường hợp của Phương rất đặc biệt, vì hiện cậu đã sống khỏe mạnh đến 30 tuổi.

Khi Phương lên 7 tuổi, gia đình đưa lên chùa để khai tâm, gặp các sư phụ để nghe kinh, tập niệm Phật, hy vọng có được tinh thần thư thái. Để con có một cuộc sống bình thường, được làm những việc có ích cho đời, gia đình để Phương ở lại chùa để các sư phụ kèm cặp, dạy chữ. Phương tu phật pháp tại chùa Bát Nhã (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Không chỉ được biết đến là người có thể hình rất nhỏ, vượt qua cửa tử một cách diệu kì, Phương còn được nhắc đến nhiều hơn với khả năng võ thuật. Từ ý định tập luyện ban đầu là rèn sức khỏe, Phương dần phát triển sở thích bằng cách mua nhiều băng đĩa, sách hình về võ thuật để bắt chước theo.

Ngoài khả năng võ thuật, Phương còn được sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "ông đồ nhỏ nhất Việt Nam" mặc dù hoàn toàn mù chữ. Hàng chục năm qua, tuy Phương không thể nhớ nổi mặt chữ, nhưng mỗi khi viết thư pháp, cậu chỉ nhìn vào hình dáng con chữ là viết ra được.

Hiện tại, nằm trên giường bệnh, chú tiểu Thích Nhuận Phát vẫn huyên thuyên nói chuyện. Chú bảo: “Đôi mắt chú như cái máy chụp hình vậy, nhìn qua là ghi nhớ. Nhưng cái đầu chú thì giống như một cái thẻ nhớ không thể lưu trữ nhiều thứ. Bao nhiêu năm chú không thể nhớ được mặt chữ vì cố nhớ sẽ làm chú đau đầu nên chú chỉ bắt chước khi nhìn thấy, thấy xong rồi thì quên như thẻ nhớ đầy thì sẽ xóa bớt. Hiện chú chỉ nghĩ về hiện tại, quá khứ để nó trôi. Nếu số phận cho chú sự hồn nhiên như đứa trẻ thì cứ sống như thế cho nhẹ nhàng”.

Quá khứ của Nhuận Pháp giống như cuốn lịch ngày. Mỗi ngày trôi qua, một tờ lịch lại được xé đi, tất cả đều chìm vào quên lãng. Nói về sự sống kì diệu của mình, chú bảo: “Chú đã hai lần đi qua cửa tử rồi, chú xem sự sống chết là vô thường, tùy duyên tự tại”.

Trong khi mẹ Anh thì vui mừng khôn xiết vì con mình một lần nữa chiến thắng thần chết, còn chú thì hài hước: “Chú còn sống là má chú phải còn lo cho chú nữa. Thương má lắm”.

Chuyện đời của mẹ con cô Anh như một câu chuyện thần kì ở chốn nhân gian. Cô đã phải vượt qua tiếng đời cay nghiệt để nuôi con và đồng hành cùng con sống tốt suốt 30 năm qua.

Cô Anh bảo: "Bên cạnh tiếng đời, thì cũng có những tấm lòng bao dung". Theo chữ duyên của nhà Phật, dù miệng đời mai mỉa chẳng thể cho chú một lối đi về, thì cửa từ bi rộng mở, đường đạo thênh thang đã nuôi lớn hình hài và tôi luyện nghị lực phi thường của chú trong nét bút tài hoa, trong lời kinh tiếng kệ.

Cô Anh khoe với niềm tự hào đong đầy trên đôi mắt, đôi mắt ấy đã từng giọt đầy, giọt vơi, chịu bao đắng cay, khổ nhục, sự thị phi của miệng lưỡi thế gian: "Hiện tại, gia đình đã không còn nhiều khó khăn. Gia đình cũng phát triển được cơ sở làm khung tranh ở quận 5. Con trai lớn là kĩ sư tin học, Phương thì biết viết thư pháp, được đi biểu diễn thư pháp ở các lễ hội văn hóa, triển lãm, thậm chí nước ngoài (Phương được mời sang tận Mỹ để biểu diễn thư pháp - PV). Nhưng điều làm cô hạnh phúc nhất là luôn được nhìn thấy con mình khỏe mạnh".

Bình luận (0)

Lên đầu trang