Người bác sĩ hồi sinh sự sống cho những bệnh nhân tim mạch

Chủ Nhật, 08/05/2016 07:20

|

(CAO) "Mổ tim có mổ nội soi không?", câu trả lời của TS BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM là "có".

Hiện ở nước ta, phía Bắc có Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E và Việt Đức đã triển khai mổ tim nội soi từ năm 2014. Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là đơn vị đầu tiên ở miền Nam áp dụng phẫu thuật tim nội soi thường quy, giúp bệnh nhân giảm chi phí, hồi phục nhanh và ít đau đớn.

Và trong những ca mổ tim phức tạp, ứng dụng những kỹ thuật mới nhất, luôn có hình ảnh của phẫu thuật viên, TS BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch BV Đại học Y dược TP.HCM.

Như một giấc mơ...

Bà Lê Thị Hồng (66 tuổi, là bệnh nhân vừa được thực hiện phẫu thuật nội soi thay van tim 2 lá, 3 lá tại BV) chia sẻ, trước đây bà thường xuyên bị mệt nhưng do chủ quan vì bà nghĩ bà không có tiền sử bệnh tim. Cho đến khi trở nặng, nhiều đêm bà không ngủ được do khó thở phải ngồi bật dậy. Đi bệnh viện bác sĩ thăm khám phát hiện bà mắc bệnh tim mạch, bị hở van 2 lá, rồi 3 lá.

Bà Lê Thị Hồng, bệnh nhân vừa được thực hiện phẫu thuật nội soi thành công

"Bịnh ngày càng nặng, các bác sĩ chỉ định mổ nhưng tôi đã rất sợ chết nếu phải mổ mở, cưa xương ngực với vết mổ dài. Nhưng may tôi được giới thiệu đến BV Đại học Y dược, nơi đã thực hiện thành công nhiều ca mổ nội soi thay van tim nên tôi quyết định mổ luôn", bà Hồng bộc bạch.

Bà Hồng kể: "Tôi trải qua ca mổ nhẹ nhàng như một giấc ngủ mà có mơ tôi cũng không nghĩ là chỉ 2 ngày sau mổ là tôi đã tỉnh, tự ăn uống được. Đến giờ sức khỏe hồi phục gần như bình thường, tôi như được hồi sinh sau ca phẫu thuật", bà Hồng cho biết.

PGS TS BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết:

Nếu như theo phương pháp mổ thông thường là mở một đường dọc xương ức, vết mổ rất dài, người bệnh cần ít nhất 1 tháng để sinh hoạt bình thường, ba tháng để trở lại làm việc; thì với mổ nội soi, người bệnh chỉ mất 2 tuần để sinh hoạt bình thường và 1 tháng để trở lại công việc hằng ngày. Hơn nữa, việc chẻ xương ức có thể gây một số biến chứng như nhiễm trùng xương ức, xương ức mất vững,...

Một trường hợp khác, là một phụ nữ có gia đình nhưng hiếm muộn, chị đã đi chữa vô sinh nhiều năm mới có được tin vui. Nhưng không may chị lại mang bệnh tim. Sau khi được bác sĩ Định cùng êkip can thiệp mổ nội soi, người phụ nữ này đã bình phục và có thể sinh con bình thường.

"Đó không chỉ là niềm vui của bệnh nhân khi được bình phục mà đó cũng chính là niềm vui khó quên của những người làm bác sĩ như chúng tôi", bác sĩ Định chia sẻ.

Chất lượng phải là chất lượng trong tim

Là một bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm về tim mạch, tham gia phẫu thuật hàng trăm ca mổ về tim nhưng để mổ nội soi được tim, bác sĩ Định phải đi nước ngoài để học hỏi nhiều năm, cũng như êkíp thực hiện cần được huấn luyện.

Vì mổ nội soi tim mạch có một số khó khăn đặc thù như: phải chạy được tuần hoàn ngoài cơ thể mà không cần mở ngực bệnh nhân ra, đường rạch rất nhỏ nhưng phải sửa chữa được tim một cách chính xác. Chỉ cần đặt sai đường khâu 1 – 2mm là có thể làm tổn thương mạch vành khiến bệnh nhân tử vong.

"Học về không phải là thực hành được liền vì tính mạng của bệnh nhân phải đặt lên hàng đầu. Những ca mổ nội soi đầu tiên ở Việt Nam mà chúng tôi thực hiện đã được hướng dẫn bởi ê kíp bác sĩ người Đức", bác sĩ Định bộc bạch.

TS BS Nguyễn Hoàng Định cùng bệnh nhân sau phẫu thuật tim nội soi

Đến tháng 6-2014, BV Đại học Y dược chính thức thực hiện ca mổ tim nội soi đầu tiên. Đến nay, phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn đã áp dụng thành công cho 100 ca. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 2 tuổi và lớn nhất là 75 tuổi.

Tuy nhiên, TS BS Nguyễn Hoàng Định lưu ý, không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng mổ nội soi hay ít xâm lấn. Điều quan trọng là phải bảo đảm chất lượng mổ nội soi không khác gì mổ mở.

"Mổ xong bệnh nhân có một vết sẹo nhỏ, đẹp bên ngoài, nhưng bên trong trái tim lại tầy huầy thì không thể chấp nhận. Chất lượng phải là chất lượng trong tim, hình thức bên ngoài chỉ là phần cộng thêm vào. Do đó, trường hợp bệnh tim quá phức tạp, thì buộc phải mổ mở, không thể nội soi", bác sĩ Định nói.

Vì vậy, trước khi quyết định chọn lựa phương pháp nào, bác sĩ cần xem xét và đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra chỉ định phù hợp.

Các bệnh lý có thể giải quyết bằng phương pháp nội soi và ít xâm lấn gồm sửa hoặc thay van 2 lá, sửa van 3 lá, thay van động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, thông liên thất, kênh nhĩ thất, u nhầy tim.

Nói về bác sĩ Hoàng Định, PGS TS BS Phạm Thọ Tuấn Anh, cố vấn Ban giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP cho biết:

Bác sĩ Định là người có công “khai phá” đơn vị phẫu thuật tim mạch của bệnh viện. Từ những khó khăn ban đầu, bác sĩ Định đã đưa phẫu thuật tim mạch nội soi trở thành một phương pháp mổ thường quy của bệnh viện mà không phải bệnh viện nào cũng thực hiện được.

Không chỉ là người mê nghiên cứu tìm tòi ra những phương pháp tích cực để cứu chữa bệnh nhân, BS Định còn được biết đến như một bác sĩ của bệnh nhân nghèo mắc bệnh tim mạch với những hoạt động thiện nguyện tích cực trong thời gian qua.

Thầy thuốc là những người giúp hồi sinh sự sống. Với một đội ngũ y bác sĩ vừa có tài vừa có tâm như tại Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sẽ có nhiều bệnh nhân tim mạch được cứu sống. Không chỉ từ những kỹ thuật tiên tiến mà còn là những tấm lòng “thầy thuốc như mẹ hiền” của đội ngũ y bác sĩ ở đây. Mỗi năm, BV Đại học Y dược TP.HCM thực hiện khoảng 300 ca mổ tim cho trẻ em nghèo, đặc biệt là trẻ em ở các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang