Người lính cứu hoả hết lòng với bà con lao động mùa dịch bệnh

Thứ Năm, 26/08/2021 11:42

|

(CAO) Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng luôn trực chờ, ai cũng muốn ở nhà để an toàn, bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình, thế nhưng có một anh lính cứu hỏa nhiệt huyết và nghĩa tình, hàng ngày chạy xe máy đến các điểm phân phối hàng cứu trợ xin lương thực, thực phẩm, rồi len lỏi vào các khu cách ly, vùng phong tỏa, xóm trọ... trao cho người dân lao động gặp khó khăn, đặc biệt hơn, anh còn viết đơn tình nguyện xin được tham gia Tổ phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương. Anh là Thượng úy Đỗ Ngọc Đức, cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC - CHCN Công an TPHCM.

“Shipper bất đắc dĩ”

“Alo, chị ơi, em ghé xin thêm ít bún khô, em về trễ tí ạ, chị chờ em nhé”.

Đó là một trong hàng chục cuộc gọi trong ngày Thượng úy Đỗ Ngọc Đức liên lạc với tôi. Hai chị em sát cánh cùng nhau từ đầu mùa dịch, trên chiếc xe máy chất đầy lương thực, thực phẩm và hành trình của hai chị em cứ thế lại bắt đầu.

Ngày nào cũng vậy, khoác lên mình bộ cảnh phục, tròng thêm bộ đồ bảo hộ màu xanh, tay đeo găng, kính chống giọt bắn và kè kè bên mình chai xịt sát khuẩn, Đức ra khỏi nhà từ lúc vợ và 2 con còn đang say giấc.

Thượng úy Đỗ Ngọc Đức

Trên chiếc xe máy cũ, Đức chất đầy nhu yếu phẩm thiết yếu và bắt đầu cuộc hành trình. Điểm đến của Đức thường là các dãy nhà trọ, khu công nhân, lao động mất việc làm do dịch bệnh Covid-19. Sự ân cần, tận tụy trong từng hành động, cử chỉ của Đức khi trao quà cho những cô chú lượm ve chai, bán vé số khiến tôi trào dâng một cảm xúc khó tả, thương yêu và trân trọng Đức đến lạ.

Bao giờ cũng vậy, xe vừa đến nơi, Đức nhanh chóng tháo dây, bỏ thực phẩm xuống và thoáng chốc tôi đã thấy Đức vác bao tải xăm xăm đi về dãy nhà trọ, vừa bỏ gạo, mì tôm, rau củ… xuống cửa nhà, Đức nói thật to:

“Cô ơi, chú ơi, ở yên trong nhà nhé, an tâm đừng lo thiếu lương thực, tụi con sẽ cố gắng vận động đem đến cho cô chú”.

“Đừng buồn, đừng lo lắng ông, bà nhá, cứ ở yên trong nhà, thực hiện nghiêm túc 5K nhé, ra đường dễ lây bệnh nguy hiểm lắm”.

“Cô chú, ông bà được xét nghiệm chưa? Sức khỏe hôm nay thế nào rồi ạ?”...

“Con vừa được nghệ sỹ hài Việt Hương tài trợ 100 phần quà gồm gạo, nước mắm, trứng gà, cá hộp… đây, con biếu bà con bồi dưỡng nâng cao sức khỏe nhá”.

Tôi bật cười, hỏi Đức: “Thế hàng ngày em chạy ngoài đường như thế không sợ nhiễm bệnh sao?”.

“Sợ chớ chị, nó mà đến thăm mình là nguy to, nhưng em trang bị đầy đủ thế này, cô nào cũng tránh xa chứ nói gì Covid” – Đức trả lời.

"Mùa dịch mà suốt mấy tháng trời ngày nào em cũng ngược xuôi ngoài đường thế này mà không nhiễm bệnh, như siêu nhân nhỉ?".

Đức quay sang nhìn tôi cười: “Chị cứ thích trêu em”, đoạn Đức túm lấy miệng chiếc bao tải khoác lên vai bước đi, mồ hôi thấm đẫm bộ đồ bảo hộ.

Tôi nhìn theo Đức ái ngại, trong khu vực treo tấm bảng cách ly đó có nhiều trường hợp F1, F0, nếu chẳng may… Tôi vội ngăn dòng suy nghĩ lại.

Thượng uý Đức trong bộ đồ bảo hộ đi chở quà từ thiện phát cho bà con

Viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch

Để hàng ngày có thể mang lương thực, thực phẩm đến cho bà con và tham gia chống dịch, Đỗ Ngọc Đức viết đơn tình nguyện được tham gia vào tổ phòng chống Covid-19 của phường 13, quận Bình Thạnh nơi Đức sinh sống.

Thời gian giãn cách xã hội, được đơn vị phân công làm việc tại nhà, Đức mới có dịp quan sát và nhận ra quanh nhà mình là những dãy nhà của người dân lao động tự do thuê trọ, lụp xụp, chật chội, mỗi phòng chỉ rộng khoảng chục mét vuông nhưng 4 người ở, hàng ngày họ đi lượm ve chai, chạy xe ôm, bán vé số… mưu sinh.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, họ phải ở nhà khiến cho cuộc sống vốn đã túng thiếu, nay lại càng khó khăn hơn. Hàng ngày phải chứng kiến sự thiếu thốn của bà con, Đức không thể cầm lòng được, thế là Đức liên hệ các điểm phát quà từ thiện, nhờ anh em đồng nghiệp vận động mạnh thường quân xin gạo, nước mắm, dầu ăn, rau củ… rồi chạy xe máy đến nhận về. Sau đó Đức liên lạc với Đoàn phường 13 nhờ anh em đoàn viên hỗ trợ lên danh sách và cùng đến các khu nhà trọ trao tận tay cho bà con.

Thượng uý Đức mang quà đến các khu cách ly, phong toả trao tận tay người dân

Nhận được những phần quà từ tay Đức, nhiều người xúc động rưng rưng. Họ lắp bắp không nói nên lời, và cứ đứng ở cửa nhà, dõi theo từng bước chân của Đức cho đến khi mất hút sau con hẻm nhỏ.

Đức tâm sự: “Dịch bệnh kéo dài, bà con không đi lượm ve chai, bán vé số... mưu sinh như trước được, nhưng tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí vẫn phải chi trả, nên khó khăn càng thêm chồng chất. Do vậy, dù chỉ là một ít lương thực, thực phẩm em mang đến thì đối với họ đó là món quà đầy ý nghĩa.

Dù biết đi từng nhà, rà từng ngõ, gõ từng địa chỉ để phát lương thực cho bà con, em có thể bị nhiễm bệnh Covid-19, nhưng đó chỉ là giả định mà chị, nếu em thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K của Bộ Y tế, em tin mình sẽ cùng bà con vượt qua được, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi chị à!”.

Nghe Đức nói, nhìn khuôn mặt đầm đìa mồ hôi và bộ đồ bảo hộ dính bết, tôi tin là Đức sẽ làm được và làm rất tốt.

Bí thư Đoàn năng động, đam mê nghề chữa cháy

Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn, nhưng Thượng úy Đỗ Ngọc Đức đam mê màu áo của lính cứu hỏa. Năm 2010, khi Sở Cảnh sát PCCC (nay nhập vào Công an TPHCM) thông báo tuyển dụng, Đức đã tham gia ứng tuyển và gắn bó với nghề cứu hỏa từ đó.

Năm 2018, Đức được bầu làm Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TPHCM. Dù không được đào tạo chính quy về nghiệp vụ PCCC, thế nhưng với tinh thần xung kích, sáng tạo, ham học hỏi, Đức tự nghiên cứu, tìm hiểu các kiến thức cơ bản về PCCC, cách thoát nạn… rồi xây dựng bài tuyên truyền, nhờ đồng đội góp ý, chỉnh sửa và cùng đoàn viên trong chi đoàn đến từng khu phố, thôn xóm tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng cháy, vận động các cơ sở, cửa hàng bán gas đi cùng mình hỗ trợ cho bà con thay dây, khóa bình gas miễn phí.

Đặc biệt hơn, Đức có một tình yêu thương kỳ lạ với những bà con lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi khi nói chuyện với tôi, nhắc đến đề tài các chú xe ôm, cô bán vé số, chị bán bắp xào trên hè phố… là Đức lại hào hứng, nói mãi chẳng hết chuyện.

Từ khi dịch bùng phát đến nay, Đức không thể nhớ hết mình đã vận động được bao nhiều phần quà, bao nhiêu tấn gạo, nhưng từng hoàn cảnh, từng khuôn mặt của người dân lao động ở xóm trọ Đức lại nhớ như in, Đức có thể kể vanh vách những địa chỉ, xóm trọ ở khắp các quận, huyện mà Đức đã đến, hoàn cảnh sống của họ như thế nào, nghề nghiệp ra sao...

Nhiều người dân lao động nghèo được Thượng úy Đức giúp đỡ trong mùa dịch COVID-19

Có lần tôi thấy Đức buồn, suốt đoạn đường dài Đức im lặng tập trung lái xe, không còn líu lo như trước. Tôi gặng mãi, Đức mới tâm sự: “Trong một lần Đức đến khu phố 3, phường 3, quận 8 để tuyên truyền kiến thức PCCC cho bà con xóm lao động, Đức quen chị Hai Thân. Dù là mẹ đơn thân và đang nuôi đứa con gái nhỏ bị u não và hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng chị luôn giữ tinh thần lạc quan, đặc biệt là biết quan tâm đến người khác.

Trong suốt buổi tuyên truyền, chị xung phong tham gia thực hành, lấy nước cho Đức uống, hỗ trợ Đức thu gom vật dụng, chất lên xe máy cột lại, rồi tiễn Đức ra tới đầu đường hai mẹ con chị mới quay trở về. Kể từ đó, cứ mỗi lần có dịp đi qua quận 8, Đức lại ghé thăm chị và biếu hai mẹ con chị thêm lương thực, thực phẩm.

Tuần vừa rồi, khi Đức quay trở lại thì con gái chị đã mất, thấy Đức chị bật khóc nức nở, chị nói: Trước khi con bé mất, nó thì thào nhắc tên chú Đức. Đoạn chị lặng người rồi nắm tay Đức nói tiếp: Con gái chị mất rồi, giờ chị không sợ đói nữa, mà chỉ sợ cô đơn, từ nay chú Đức có đi từ thiện ở đâu, chị xin đi theo để giúp bà con nhé, phần quà mà chú Đức dành cho mẹ con chị, nay nhường cho những bà con gặp khó khăn hơn”. Giọng Đức bỗng nghẹn lại và tiếp tục im lặng suốt quãng đường còn lại của 2 chị em.

Người lính cứu hỏa “đi dân nhớ, ở dân thương” như Thượng úy Đỗ Ngọc Đức là tấm gương để mọi người học tập và noi theo. Bạn bè, đồng đội nhận xét Đức là người sống rất chân thành, tính cách có phần “khác biệt” vì luôn nhận phần khó khăn, gian khổ về mình, nhưng 11 năm gắn bó với Đức, tôi lại thấy Đức là một con người “đặc biệt”, bởi Đức đã chọn cho mình cách sống và san sẻ yêu thương rất bình dị, nhưng chính sự bình dị mà Đức lựa chọn ấy lại là ngọn lửa xua đi lạnh lẽo, là hơi ấm niềm tin, sự sẻ chia gắn kết cộng đồng vượt qua bao gian khó.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng … để làm gì ... để gió cuốn đi”. Đức là như vậy, sống chỉ để cống hiến sức trẻ và làm những việc gì có ích, vậy thôi!

Một số hình ảnh Thượng úy Đỗ Ngọc Đức đi tặng lương thực, thực phẩm cho các xóm lao động:

Một phần quà đầy đủ lương thực, ra củ, trái cây tặng người lao động

Bình luận (0)

Lên đầu trang