Thầy giáo điểm lẻ dùng lương nuôi học trò nghèo

Thứ Ba, 20/11/2018 10:12  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Thay vì dạy học gần trung tâm, những người thầy giáo ở miền Tây đã tình nguyện vào điểm lẻ - nơi “khỉ ho cò gáy” gieo chữ.

Để đến được trường các thầy phải ngồi đò vượt những dòng nước cuồn cuộn đổ từ thượng nguồn. Gắn bó với nơi thiếu đủ thứ, các thầy phải mang thức ăn theo tự nấu nướng và mắc tạm võng nơi hành lang làm chỗ ngả lưng.

Ngoài ra, thấy nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn, thầy giáo trẻ lấy tất cả tiền lương để hỗ trợ các em ngày ngày tới lớp.

Một số học sinh được thầy Thắng nhận nuôi cơm, lo chi phí học tập.

13 năm dạy học không dư tiền

Năm 2005, anh Nguyễn Quốc Thắng (36 tuổi) ra trường và tình nguyện về dạy học tại điểm lẻ Trường tiểu học B An Hảo (ấp Tà Lọt, xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang). Điểm trường này như một thung lũng, bao quanh bởi dãy núi Dài và núi Cấm. Mỗi khi trời nổi gió xoáy dữ dội, mưa tầm tả từ sáng đến tối; còn mùa nắng như thiêu đốt cả rừng xanh bạc ngàn.

Ban đầu, ngoài khoản lương hơn 1 triệu đồng/tháng khi mới ra trường, thầy Thắng và nhiều đồng nghiệp chẳng có thêm khoản phụ cấp nào khác. Để tự trấn an mình trước cuộc sống nơi “thâm sơn cùng cốc”, thầy Thắng nghĩ đó như một phép thử cần phải thích nghi và vượt qua.

Theo thời gian, những người bạn đồng cam cộng khổ đã lần lượt xin chuyển trường về quê dạy, chỉ còn lại thầy bám trường. Và do vùng này học sinh còn nghèo, thiếu thốn nhiều thứ nên sự học không bằng học sinh vùng khác. Thấy vậy, khi mùa nghỉ hè đến, thầy Thắng ở lại dạy kèm cho học sinh yếu kém. Dạy lớp 1 dỡ lòng đã khó, chuyện phụ đạo cho học sinh yếu kém còn khó khăn hơn bội phần.

Suốt 6 năm liền giảng dạy, thầy Thắng phải soạn giáo án, sinh hoạt bên ánh đèn dầu leo lét. Mấy năm gần đây, ngoài chuyện dạy thêm miễn phí, thầy Thắng còn nhận nuôi cơm, chi phí học tập 4 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thầy Thắng trong giờ đứng lớp và từ chối làm lãnh đạo.

Hễ sáng học sinh đến trường học xong thầy ra chợ mua rau cá về nấu cơm cho mình và học trò ăn. Các em ăn cơm xong thì vào trường học ngủ để chiều học tiếp. Ngoài ra, thầy Thắng mua sẵn chiếu, chăn… để trong phòng học cho các em ngủ.

Vào ngày khai giảng đầu năm học mới, thầy còn mua quần áo đồng phục, tập sách, xe đạp và cho tiền các em ăn quà vặt. Tính ra riêng tiền cơm mỗi tháng thầy phải bỏ ra khoản chi phí không nhỏ lo cho mấy “đứa con” của mình. Do vậy sau 13 năm dạy học ở vùng này thầy Thắng chẳng có dư tiền.

Năm học 2018 - 2019 này, thầy Thắng tiếp tục nhận nuôi 3 học sinh đều là con gia đình hộ nghèo, mồ côi không có điều kiện học hành. Để phục vụ cho việc dạy bằng giáo án điện tử và chiếu phim hoạt hình cho học sinh xem, thầy Thắng đã dành tiền mua chiếc tivi “nghĩa địa” màn ảnh rộng.

Thầy Thắng nghĩ rằng học sinh vùng khó khăn thiếu thốn đủ bề, rất ít có cơ hội vui chơi giải trí và tiếp cận thông tin. Do thầy Thắng dạy tốt và sống hết mình vì trò nghèo, Ban giám hiệu trường đề bạt lên làm hiệu phó nhưng thầy từ chối. Thầy Thắng nghĩ rằng, việc mình có làm chức vụ hay không không quan trọng, mà phải làm hết trách nhiệm với nghề đã chọn và đúng với lương tâm nhà giáo.

Nhờ thầy Thắng mà 2 đứa cháu được đến trường, ông Trần Quốc Khánh (62 tuổi, ngụ ấp Rò Leng, xã Châu Lăng) thổ lộ: “Từ ngày con gái bỏ lại 2 cháu nhưng do nhà nghèo nên nhờ thầy Thắng nuôi 4 năm nay. Trước khi nghỉ tết về quê, thầy còn tranh thủ mua 2 bộ quần áo đem đến nhà cho 2 cháu tui”.

Ông Trần Văn Dũng, Phó ấp Tà Lọt nhận xét: “Dù bận bịu chuyện giảng dạy nhưng thầy Thắng vẫn tranh thủ thời gian đi chợ mua rau, cá về nấu cho mình và học sinh cùng ăn. Thầy làm bằng cái tâm tự nguyện, hoàn toàn trong sáng.

Gần như suốt mùa nghỉ hè thầy chỉ về nhà vài ngày, rồi trở lại trường dạy phụ đạo cho học sinh. Đối với các con, thầy chăm lo tất cả từ học hành, bệnh tật cho đến phương tiện đi lại”.

Vì thương học trò mà thầy Thắng không dám lấy vợ vì sợ bỏ lại “đàn con” 7 đứa không ai chăm sóc. Từ những nghĩa cử cao đẹp của người thầy hết lòng với trò nghèo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ký tặng thầy bằng khen.

Ngoài ra, Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện Tịnh Biên phối hợp với nhà hảo tâm hỗ trợ tiền xây khu nhà tập thể, giúp thầy Thắng và các con có chỗ tốt hơn.

Gieo chữ nơi “ốc đảo”

Ấp Giồng Bàng thuộc xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) được mọi người gọi với cái tên quen thuộc là “ốc đảo”, bởi khi con nước nhảy khỏi bờ nơi đây bị cô lập. Để ra chợ, về trung tâm xã người dân chỉ còn cách đi đò hoặc xuồng, ghe.

Tìm đến nơi đây, xuất hiện trước mắt chúng tôi là những căn nhà đơn sơ, sập xệ, một vài chuồng bò, trâu hay những chiếc bồn cao su nuôi lươn. Tiến sâu vào “ốc đảo” là Trường Tiểu học Thường Phước 1A (điểm lẻ).

Nơi đây có 3 phòng học, 3 giáo viên nhưng đảm nhận việc dạy học cho học sinh (HS) 5 lớp. Một lớp học nơi đây nhiều nhất là 14 HS, còn ít nhất chỉ 5 em. Do vậy lớp 1 (14 HS) ghép với lớp 3, lớp 4 ghép với lớp 5 và lớp 2. Không có phòng cho giáo viên ngỉ ngơi nên sau buổi dạy, những thầy giáo nơi đây mang theo chiếc võng mắc vào gốc cây ngã lưng, chiều dạy tiếp.

Thầy Tuấn và thầy Hợp ngồi đò đến “ốc đảo” gieo chữ.

Sau chuyến ngồi đò, thầy Lê Văn Tuấn (phụ trách lớp 4 và 5) cho biết: “Gia đình của các em HS phần lớn là diện nghèo, khó khăn nên phải đi làm thuê, làm mướn hoặc lên thành phố mưu sinh. Ở đây HS rất ít và điểm trường chỉ có 3 phòng nên phải dạy lớp ghép.

Ngoài việc bố trí 2 hướng khác nhau giữa các lớp trong phòng chúng tôi còn phải chia ra dãy này dạy Toán, dãy kia dạy tiếng Việt để tránh việc các em bị phân tâm”.

Theo lời thầy Tuấn, đường sá bản thân thầy không ngại vì nghĩ đến học sinh điều kiện còn khó khăn, chăm ngoan, lễ phép. Đó là niềm động viên để thầy bám lớp.

Gắn bó việc dạy học ở “ốc đảo” 10 năm nay, thầy Nguyễn Văn Hợp cho biết: “Mùa khô đường từ xã đến trường ngày nắng thì bụi, còn mưa lầy lội phải kiếm xuồng ghe đi nhờ. HS nơi đây chỉ mặc đồng phục thứ 2 còn những ngày khác mặc đồ thường vì để cho tiện. Kinh tế khó khăn nên phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em. Do dạy lớp ghép nên phải ở lại buổi chiều để kèm cặp những em học yếu”.

Những thầy giáo nơi đây lường trước được việc dạy điểm lẻ cực hơn điểm chính nhưng có niềm vui riêng. Chấp nhận gieo chữ ở nơi thiếu đủ thứ nên các thầy thường mua cơm hộp hoặc mang đồ ăn vào trường nấu ăn. Việc đi đò dạy học không ít lần các thầy bị sóng tạt ướt mình, gặp nguy hiểm.

Ông Nguyễn Tấn Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Phước 1, cho biết: “Ở điểm phụ Giồng Bàng, 100% thầy giáo đều xung phong nhận nhiệm vụ. Thầy cô nơi đây đều mong muốn san sẻ khó khăn cho học trò vùng đất này”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang