Tiêu điểm:

Hãy bỏ phiếu cho tôi!

Thứ Tư, 08/04/2015 14:51  | 

|

(CAO) Hôm nay 3-3-2015, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ với nội dung trọng tâm là phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Động thái thân chinh gần 10.000 km để thuyết trình quan điểm chống Iran của ông Netanyahu gây sóng gió chính trường khi Mỹ cùng các thành viên P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đang chạy đua đàm phán với Iran để nước này đồng ý cắt giảm chương trình tinh chế uranium của mình.

Chuyến đi Washington lần này của thủ tướng Israel khiến Nhà Trắng “nổi cáu”. Ông đến Mỹ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện - dân biểu đảng Cộng hòa John Boehner mà không báo trước cho Nhà Trắng. Hôm 28-2-2015, trước khi lên đường đến Mỹ, ông Netanyahu không quên nhắn trước rằng “tôi tôn trọng Tổng thống Obama nhưng trước một vấn đề ảnh hưởng đến sự tồn vong của Israel, trách nhiệm của tôi là phải ngăn chặn”.

Israel bấy lâu vẫn hoài nghi về đàm phán giữa Mỹ cùng P5+1 với Iran. Tel Aviv xem đây là chiêu “câu giờ” của chính quyền Tehran để nước này có thời gian tinh chế đủ uranium cho sản xuất vũ khí. Các vòng đàm phán cứ kéo dài vòng này qua vòng khác, ngày này qua ngày khác được Israel xem là “thời gian vàng” cho Iran sản xuất đủ uranium tinh nhồi vào mấy quả bom nguyên tử.

Cách đây hơn hai năm, vào ngày 28-9-2012 ông Netanyahu từng đem lo sợ này đến phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York. Cầm mảnh giấy in biểu đồ là một quả bom có ngòi nổ, Netanyahu cầm bút vạch một đường đỏ ở mức 90% trên thân quả bom. “Lằn ranh đỏ” mà Israel vạch ra là giới hạn 90% trên đoạn đường tinh chế uranium mà ông cảnh báo nếu Iran đi tới ngưỡng này, Israel có thể mở chiến dịch tấn công quân sự phủ đầu để ngăn Tehran có bom nguyên tử.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vạch “lằn ranh đỏ” cho Iran tại phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York tháng 9-2012 - Ảnh: AP

Hôm nay 3-3, khi ông đến Mỹ, thời thế đã đổi dời. Hồi năm 2012, tổng thống Iran khi ấy là Mahmoud Ahmadinejad đã bác bỏ hầu hết yêu sách từ Washington. Nay, tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani xoay bàn đàm phán theo hướng hòa dịu hơn khi ông đích thân điện đàm với Tổng thống Obama, nhất trí cùng Mỹ và các thành viên P5+1 đẩy nhanh đàm phán hạt nhân để đi đến thỏa thuận cuối cùng vào 30-6 tới. Israel nay diễn đạt theo ngôn ngữ bình dân là “bị cho ra rìa”. Ưu tiên của Nhà Trắng hiện nay là đàm phán hòa bình với Iran trong khi Israel vẫn giữ nguyên mối ác cảm.

Hôm 25-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry còn nói thẳng: “Netanyahu sai lầm khi nhận định về đàm phán hạt nhân với Iran”. Điều trần trước quốc hội, ông Kerry nhấn mạnh rằng đàm phán với Iran là đang giúp Israel an toàn hơn.

Giữa hai luồng quan điểm chỏi nhau như vậy, không khó lí giải ông Netanyahu “lơ” Nhà Trắng mà đến Mỹ theo lời mời từ Hạ viện Mỹ - nơi đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế về số ghế. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice - đảng Dân chủ chỉ trích chuyến đi lần này của ông Netanyahu gây tổn hại cho quan hệ hai nước và biến mối quan hệ phát triển trên nhiều mặt giữa Mỹ và Israel thành quan hệ giữa đảng Cộng hòa và đảng Likud của Netanyahu. Một số nghị sĩ đảng Dân chủ của Tổng thống Obama cũng dọa tẩy chay bài phát biểu của thủ tướng Israel.

Các chuyên gia quốc tế nhận định sở dĩ ông Netanyahu sốt sắng đến Mỹ dù biết sẽ mất lòng Nhà Trắng còn có một lí do khác: lấy lòng cử tri để giữ ghế. Chuyến đi đến Washington chỉ cách ngày tổng tuyển cử tại Israel hơn hai tuần (ngày 17-3) với sự so kè quyết liệt của nhiều đảng phái mà nổi bật là liên minh trung tả do lãnh đạo đảng Lao động đối lập tại Israel Isaac Herzog và cựu Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni, đứng đầu đảng Hatnua thành lập sẽ cạnh tranh trực tiếp với đảng Likud của Netanyahu.

Trước khi qua Mỹ đợt này, ông Netanyahu dùng những từ “đao to búa lớn” như: chuyến đi này tôi đang thực hiện “sứ mệnh lịch sử” ngăn Iran sở hữu vũ khí nguyên tử hay ngăn chặn vấn đề “ảnh hưởng đến sự tồn vong của Israel”.

Chuyến đi lấy lòng cử tri của Netanyahu truyền tải thông điệp rằng ông là nhà lãnh đạo đủ tầm để “đi dây” giữa Iran và Mỹ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang