Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của thời đại:

Kỳ 4: Dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Thứ Năm, 09/11/2023 09:02  | Anh Duy

|

(CATP) Tình trạng trì hoãn trong chiến lược thực hiện số hóa của các chính phủ trên toàn cầu suốt 4 năm qua dần được cải thiện nhờ biến cố bất ngờ: Dịch Covid-19! Dịch bệnh khiến nhiều quốc gia phải giãn cách, dẫn đến dòng chảy thủ tục gián đoạn khi công dân không thể đến làm thủ tục trực tiếp tại trụ sở công quyền. Lúc này, chính quyền nhiều nơi đứng trước lựa chọn khó khăn "cải cách hay là chết"? Động lực mạnh mẽ này khiến họ buộc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số (CQS).

Chính phủ số trở thành xu hướng

Trong bài viết nhan đề "Chuyển đổi số của chính phủ trong thời kỳ Covid-19" đăng trên Tạp chí Forbes tháng 4/2022, nhóm tác giả dẫn lại lời Giám đốc điều hành Tập đoàn Microsoft - Satya Nadella từng đưa ra nhận định xác đáng vào 2 năm trước rằng: "Chúng ta đã chứng kiến sự chuyển đổi kỹ thuật số (KTS) kéo dài vài năm chỉ trong vài tháng, khi các xã hội trên khắp thế giới cố gắng thích ứng với những thay đổi do đại dịch Covid gây ra".

Khi các chính phủ áp dụng biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, các công cụ KTS đã xuất hiện để cho phép họ cung ứng dịch vụ (DV) chăm sóc sức khỏe đồng thời giáo dục cho công dân một cách bình thường. Song song với đó, các công ty nhanh chóng cung cấp cho nhân viên công cụ KTS, cho phép họ làm việc từ xa; trong khi các nhà bán lẻ giới thiệu nền tảng bán hàng KTS để thử và duy trì mối quan hệ với khách hàng.

Đối với nhiều người, một sự chuyển đổi tương tự đã xảy ra về mặt xây dựng CQS. Forbes ghi nhận, đã 10 năm kể từ khi Tim O,Reilly lần đầu tiên đưa ra khái niệm chính phủ số trong bài viết mang tính bước ngoặt của mình về chủ đề này, nội dung nhấn mạnh tiềm năng của các công nghệ Web 2.0 - thời điểm đó đang phát triển nhanh chóng thông qua các nền tảng Facebook, Twitter - để biến đổi các chính phủ và giúp họ giải quyết tốt hơn những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

Chuyển đổi số ở Đức đang trong quá trình diễn ra mạnh mẽ

Forbes ghi nhận kể từ đó đã có những bước tiến lớn trong việc số hóa các khía cạnh khác nhau của DVC, với việc Ủy ban Châu Âu (EC) cung cấp Tiêu chuẩn chính phủ điện tử để giúp các chính phủ đánh giá tiến độ số hóa của họ. Riêng ở Anh, khi London triển khai Dịch vụ Kỹ thuật số Chính phủ (GDS) đã giúp tiết kiệm khoảng 1,7 tỷ bảng Anh mỗi năm thông qua việc sử dụng công nghệ KTS thông minh hơn.

Ở vương quốc này, GDS tập trung nỗ lực vào việc cải thiện khả năng tiếp cận DV, nâng cao hiệu quả của chính phủ và tạo ra các nền tảng chung để giúp các cơ quan chính phủ phát triển DV mới hiệu quả hơn.

Ở Hà Lan, một số cổng thông tin điện tử quan trọng được phát triển bởi các cơ quan chính phủ trung ương, tập trung vào việc cung cấp DV xác thực trực tuyến an toàn dựa trên nền tảng số. Đến nay, hơn 80% công dân nước này đã có DigiD (nền tảng quản lý danh tính mà các cơ quan chính phủ của Hà Lan, bao gồm Cơ quan Thuế và Hải quan có thể sử dụng để xác minh danh tính công dân trên Internet).

Trong khi đó, Cổng thông tin điện tử Portalverbund của Đức phản ánh bản chất liên bang của chính phủ nhằm liên kết các cổng DVC khác nhau ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương thành mạng lưới trung tâm giúp công dân truy cập gần 600 DV của chính phủ. Mặc dù vậy, không quốc gia nào trong số này đạt được nhiều tiến bộ như Malta, Bồ Đào Nha, Estonia, những nước đã cố gắng cung cấp khoảng 99% DV của chính phủ trực tuyến. Ví dụ, ở Estonia, nền tảng X-Road kết nối hệ thống thông tin của hầu hết đơn vị thuộc khu vực công và các nhà cung cấp khu vực tư nhân khác nhau để công dân chỉ phải thông báo cho nhà nước 1 lần về bất kỳ sự kiện cụ thể nào trong cuộc sống, thay vì phải giao dịch riêng với từng bộ phận liên quan của chính phủ.

Mô hình cần nhân rộng

Forbes nhận định, một số bài học từ thời kỳ dịch Covid-19 đã được đúc kết lại trong báo cáo Chỉ số trưởng thành chính phủ số (GovTech) mới nhất của Nhóm Ngân hàng Thế giới, trong đó nêu ra một số thách thức chính mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong quá trình số hóa chính phủ và cách vượt qua.

Về mặt tích cực, các nhà nghiên cứu đã xác định được tình trạng thực tiễn trong việc số hóa chính quyền ở 43/198 nền kinh tế được phân tích trong báo cáo. Điều đó có nghĩa là các quốc gia đang làm tốt việc cung ứng DVC, sự tham gia của người dân và sự hỗ trợ cho các nhà đổi mới theo hướng xây dựng CQS.

Mặc dù vậy, vẫn còn đó sự khác biệt đáng chú ý về mức độ trưởng thành của chính phủ số giữa các quốc gia có thu nhập cao hoạt động tốt và những nước có thu nhập thấp thường hoạt động kém hiệu quả. Chính phủ số mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển đạt được những bước tiến lớn, nhưng tiến độ không phải lúc nào cũng nhanh như mong muốn.

Nhìn chung, sự thiếu tiến bộ của việc triển khai chính quyền số thường được kết hợp bởi một số yếu tố, bao gồm việc thiếu báo cáo minh bạch về tiến độ của các sáng kiến GovTech, cơ sở hạ tầng công nghệ rời rạc cản trở việc chia sẻ dữ liệu hiệu quả và khả năng tương tác, cũng như thiếu quan điểm chung về các tiêu chuẩn và nền tảng được sử dụng giữa các quốc gia, với hầu hết nền tảng đặt riêng đang phát triển, mặc dù mong muốn có cách tiếp cận mang tính cộng đồng hơn.

Báo cáo của Viện Brookings nhấn mạnh, có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường năng lực KTS của các quốc gia đang phát triển bị phân tán và triển vọng của chúng sẽ được nâng cao đáng kể nhờ vào sự phối hợp tốt hơn.

Nghiên cứu công bố đầu năm 2022 cho thấy, cũng giống như các lĩnh vực khác của nền kinh tế, sự quan tâm đến CPS (GovTech) đang ngày càng tăng. Nếu muốn hiện thực hóa mối quan tâm này và đạt được những cải thiện hữu hình cho cuộc sống của người dân thì cần phải chung tay loại bỏ những rào cản mà Nhóm Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra trong việc xây dựng CQS.

(Còn tiếp...)

Kỳ 3: Hành trình tích hợp thẻ căn cước ở Trung Quốc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang