Trump gây bất an cho những mối quan hệ đồng minh của Mỹ

Thứ Sáu, 18/11/2016 00:58  | Anh Duy

|

(CAO) Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đang gây ra sự quan ngại cho hàng loạt đồng minh của Mỹ từ Á sang Âu khi các nước không đoán định được chính sách sắp tới của Washington là gì. 

Tuần này việc tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama sang Đức trấn an Berlin và việc thủ tướng Nhật Shinzo Abe thân chinh sang Mỹ gặp Trump để bàn thảo về tương lai của Hiệp định TPP cho thấy điều này.

Từ Âu sang Á bất an

AFP đưa tin tổng thống Obama tối 16-11 (giờ VN) đã đến Đức trong chuyến công du cuối cùng với mục đích trấn an quan hệ đồng minh với Berlin. Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử gây ra nỗi bất an dai dẳng, nhất là trong việc triển khai các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Trump từng nói các hiệp định này là điều tệ hại, cướp mất việc làm của các công dân Mỹ trong nước thời toàn cầu hóa.

Bởi thế khi đến Berlin vào hôm 16-11, tổng thống Obama đã cùng thủ tướng Đức Angela Merkel phát đi thông điệp ủng hộ TTIP, ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa trong thương mại.

Tạp chí kinh doanh Wirtschaftswoche dẫn lời Merkel và Obama nhận định: “Không thể quay lại Thế giới trước khi toàn cầu hóa vì chúng ta nợ các công ty, người dân và cộng đồng thế giới trong việc mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác giữa hai nước”.

Obama bước xuống chuyên cơ Air Force One vào tối 16-11, bắt đầu chuyến thăm đồng minh Đức - Ảnh: Reuters

Tại Đức, tổng thống Obama thừa nhận toàn cầu hóa gây ra cảm giác bất công ở một bộ phận người dân nhưng xu thế hiện nay vẫn là “một thị trường mở kết hợp với dân chủ, nhân quyền” sẽ dẫn đến sự tiến bộ của con người.

Chuyến thăm Châu Âu của Obama cũng nhằm trấn an một vấn đề trọng yếu trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là quan hệ giữa Mỹ với tư cách thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trump từng cảnh báo sẽ xem xét lại mối quan hệ đồng minh này vì cho rằng các thành viên NATO chưa đóng góp đúng mức cần thiết so với Mỹ trong khối quân sự.

Những phát ngôn của Trump gây bất an sâu sắc trong các mối quan hệ đồng minh với Mỹ, ngoài châu Âu còn có Nhật Bản và Hàn Quốc ở châu Á.

Ngày 18-11, thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ đến Mỹ với mục đích chính là gặp Trump để bàn về tương lai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Trump lúc tranh cử thề sẽ dẹp bỏ hiệp định này.

Reutres đưa tin hôm 17-11, một ngày trước cuộc gặp giữa Trump và Abe, phía Nhật vẫn chưa biết thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp này.

Trong cuộc gặp này, Bộ Ngoại giao Mỹ không can thiệp mà do đội ngũ của Trump điều hành. Reuters dẫn lời một quan chức Nhật bực dọc: “Có một sự bối rối ở đây”. Sự thiếu chuyên nghiệp này cho thấy những bỡ ngỡ của Trump khi chuyển từ kinh doanh qua làm chính trị.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày mai sẽ có mặt tại New York, Mỹ để thảo luận với Trump về quan hệ hai nước và tương lai hiệp định TPP - Ảnh: Reuters

Trump trở thành “hung thần” của các hiệp định thương mại

Sau “cơn sốc” bầu cử Mỹ đưa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump vào Nhà Trắng, cộng đồng quốc tế đang hồi hộp cho số phận của hàng loạt hiệp định thương mại từ Á sang Âu có nguy cơ chết yểu do chính sách dân tộc chủ nghĩa chống lại xu thế toàn cầu hóa của ông.

Vị tỷ phú New York từ lúc vận động tranh cử đã nêu bật quan điểm “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, mà một trong những hướng đi chính là tìm mọi cách tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Theo Trump, xu thế các doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà xưởng khỏi đất nước sang các quốc gia như Mexico và Trung Quốc nhằm tận dụng nhân công giá rẻ ở những nơi này đã bóp chết cơ hội việc làm của người dân. Những hiệp định thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bị Trump đưa vào tầm ngắm dẹp bỏ.

Hồi tháng 5, nói trước đám đông trong chiến dịch vận động tranh cử tại thành phố Spokane, bang Washington – Trump từng nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ dẹp bỏ TPP. Chúng ta phải chặn nó lại. NAFTA đã là một thảm họa, TPP sẽ còn tệ hơn”. Một môi trường đầu tư, trao đổi hàng hóa rộng mở với nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp Mỹ sẽ được các nước giảm thuế cũng bị Trump xem là mối đe dọa “cướp mất việc làm” của người dân.

Đến khi Trump đắc cử, cơn ác mộng đã thành sự thật. CNN hôm 11-11 dẫn lời lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết phiên họp tới sẽ không giải quyết việc thông qua TPP. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng cho biết sẽ không tổ chức bỏ phiếu thông qua hiệp định này.

McConnell nhấn mạnh: “Nếu tổng thống kế nhiệm muốn đàm phán về một thỏa thuận thương mại, ông ấy sẽ có cơ hội làm điều đó và trình nó lên Quốc hội. Nhưng việc đó chắc chắn sẽ không diễn ra trong năm nay và sẽ tùy thuộc vào những cuộc thảo luận với tổng thống mới. Như các bạn đã biết, tôi nghĩ tổng thống đắc cử (Donald Trump) đã đã tỏ thái độ khá rõ ràng rằng ông không ủng hộ thỏa thuận hiện tại".

Trump và những người ghét toàn cầu hóa kịch liệt chống các hiệp định như TPP hay NAFTA, TTIP 

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, người sẽ trở thành lãnh đạo của Đảng Dân chủ kể từ tháng 1-2017 cũng đã thông báo cho cácl nghiệp đoàn lao động ở Mỹ rằng TPP sẽ không được phê chuẩn. Điều này cũng dễ hiểu khi kỳ bầu cử vừa qua cả lưỡng viện Quốc hội đều rơi vào tay đảng Cộng hòa với nhiều nghị sĩ bảo thủ muốn xóa sạch các “di sản” của chính quyền Obama từ TPP đến chương trình chăm sóc y tế Obamacare.

Với NAFTA cũng không khá khẩm gì hơn khi trước đó Trump đã dọa sẽ đàm phán lại theo hướng chỉnh sửa các điều khoản có lợi cho Mỹ hơn. Nếu không đạt được, Washington cũng sẽ rút khỏi hiệp định này. Ông đang trở thành “hung thần” thật sự của các hiệp định thương mại.

Các chỉ dấu của Trump đang đẩy các nước vào tình thế “dở khóc dở cười”. Nếu như Quốc hội Việt Nam chưa thông qua TPP thì tại Nhật, Hạ viện nước này đã thông qua TPP và đang trình lên Thượng viện xem xét. Tuần này thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ sang Mỹ gặp Trump để bàn về TPP dù tương lai của hiệp định này giờ đây đang rất mong manh.

Trong khi đó, Liên minh Châu Âu cũng “dính đòn” khi Trump thắng cử. Tổ chức này thông báo tạm ngừng mọi đàm phán thương mại với Mỹ vào ngày 11-11. Điều này đồng nghĩa với việc Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) sẽ bị “ngâm” vô thời hạn, không biết đến khi nào mới được tái khởi động.

Dưới thời chính quyền Obama, ông xem TPP là giải pháp hữu hiệu để gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong chính sách “xoay trục về châu Á” thông qua hoạt động kinh doanh, thương mại. Các hiệp định khác như NAFTA hay TTIP cũng là cách để Mỹ mở rộng ảnh hưởng, tạo môi trường cho các doanh nghiệp nội địa phát triển. Tuy nhiên giờ đây “gió đã đổi chiều”.

TPP có nguy cơ chết yểu do Trump quay lưng với các hiệp định thương mại 

CNN dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest ngày 9-11, một ngày sau khi Trump đắc cử nhắn nhủ: “Tổng thống Obama vẫn tiếp tục tin tưởng TPP là cơ hội tốt nhất mà Quốc hội có thể tận dụng để đạt được những lợi ích từ TPP khi nó sẽ giúp cắt giảm 18.000 khoảng thuế mà các nước khác áp dụng cho các sản phẩm của Mỹ”.

Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng hy vọng những nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục thúc đẩy TPP thay vì chấm dứt nó vì những lợi ích rộng lớn mà TPP mang lại cho các doanh nghiệp và người lao động Mỹ. Chưa rõ chính quyền Trump có để tâm đến những mong mỏi này không khi muốn tồn tại trong cơn lốc toàn cầu hóa, Mỹ phải đan “tấm lưới” bằng những hiệp định thương mại để dòng tiền đầu tư và lợi nhuận thu về được luân chuyển hài hòa.

"Hung thần" Donald Trump 

Truyền thông quốc tế nhận định nhiều cử tri ủng hộ Trump là những “người Mỹ thầm lặng” sống ở vùng nông thôn thuộc cộng đồng những người da trắng bình dân, thất nghiệp và thất bại trong cuộc chơi toàn cầu hóa. Rào cản bảo hộ thương mại do Trump dựng lên vì thế đang đi ngược xu hướng “toàn cầu hóa” của quốc tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang