Bình Dương: Viện kiểm sát kháng nghị đảo ngược một án sơ thẩm

Thứ Hai, 01/11/2021 17:56  | Huy Văn

|

(CATP) Trong Quyết định (QĐ) kháng nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nhận định: Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2021/DS-ST (Bản án số 40 ngày 4-6-2021 của Tòa án nhân dân (TAND) TP. Thủ Dầu Một tuyên không đúng quy định của pháp luật và không đánh giá khách quan các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

TÒA “THOÁT LY” NHỮNG CHỨNG CỨ XÁC THỰC

QĐ kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP. Thủ Dầu Một cho thấy phản ánh của Báo CATP (ngày 21-8-2021) là có căn cứ xác thực. Theo đó, con đường bê-tông 3m tọa lạc khu phố 8, P. Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, đã tồn tại hơn 1/4 thế kỷ, nhưng bị rào chắn bằng lưới B40 khiến các chủ đất không thể ra vào đất của mình. Người đứng ra tổ chức rào chặn đường là ông Nguyễn Minh Tiếp (SN 1963, ngụ khu phố 8, P. Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một) dẫn đến tranh chấp của gia đình bà Lê Kim Huệ (SN 1983, nguyên đơn) và ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1978, cùng ngụ P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) là người có các thửa đất bị rào chắn bít bùng, không còn lối ra vào.

Nguyên đơn yêu cầu tòa buộc ông Tiếp tháo dỡ hàng rào, trả lại hiện trạng lối đi chung cho gia đình bà Huệ sử dụng. Bị đơn không chấp nhận vì cho rằng con đường do các anh chị em của ông Tiếp chừa ra từ năm 1996 để sử dụng làm lối đi chung khi tiến hành phân chia đất do ba mẹ để lại. Đây là con đường của gia đình, không phải đường công cộng.

Bản án số 40 ngày 4-6-2021 của TAND TP. Thủ Dầu Một với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nga làm chủ tọa, tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. HĐXX cho rằng, hiện nay lối đi duy nhất để vào thửa đất của bà Huệ và 3 thửa đất của ông Bình là đường bêtông 3m. Tuy nhiên, đây là lối đi do ông Tiếp chừa ra để sử dụng cho các anh chị em trong gia đình của bị đơn. Theo quy định của pháp luật và thực tế nguồn gốc con đường thì việc bà Huệ yêu cầu ông Tiếp trả lại lối đi chung là không có căn cứ, kể cả quyền về lối đi qua đối với con đường này cũng không có cơ sở. Với nhận định của HĐXX, các thửa đất của bà Huệ, ông Bình dù có lối đi chung là con đường bêtông 3m nhưng sẽ bị “bít bùng” vĩnh viễn (?!).

PV Báo CATP đã phát hiện nhiều điểm bất thường, lộ rõ oan sai của Bản án số 40. Các cơ quan chức năng từ phường đến TP. Thủ Dầu Một đều xác định đây là lối đi công cộng. Chính Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Bình Dương cũng khẳng định lối đi công cộng thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy mới duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các gia đình bà Huệ, ông Bình, ghi rõ “đường bêtông 3m. Bản án số 40 không thể nào đảo ngược những tài liệu xác thực như là bằng chứng sống có trong hồ sơ vụ án. Ngoài ra, Bản án số 40 còn mắc lỗi vi phạm sơ đẳng, không thể nào chấp nhận(!). Tại phần quyết định của Bản án, HĐXX tuyên: “Không nhận yêu cầu của nguyên đơn”, chính xác phải là “Không chấp nhận...”. Tuyên bản án dài đến 18 trang, sử dụng hơn 10.000 từ nhưng lại thiếu 1 từ quan trọng nhất chi phối toàn bộ bản án, khiến cho phán quyết không rõ ràng, gần như vô nghĩa (!).

Dựng rào lưới B40 “bít bùng” cả 4 thửa đất nhưng vẫn được HĐXX sơ thẩm chấp nhận.

VIỆN KIỂM SÁT ĐẢO NGƯỢC ÁN SƠ THẨM

Trong QĐ kháng nghị, Viện trưởng VKSND TP. Thủ Dầu Một nêu 4 vấn đề: Thứ nhất, theo các tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp và do Tòa án thu thập trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ xác định lối đi chung các bên đang tranh chấp được hình thành từ năm 1996 khi cụ Phan Thị Năm (mẹ ông Tiếp) cùng các con trong đó có ông Tiếp tiến hành phân chia quyền sử dụng đất (QSDĐ). Năm 2002, 2003, các anh em ông Tiếp gồm ông Nguyễn Văn Tùng, ông Nguyễn Văn Ân, bà Nguyễn Thị Hằng và ông Tiếp tiến hành đăng ký kê khai QSDĐ được phân chia năm 1996, được cấp sổ đỏ. Trong tất cả các sổ đỏ cấp cho ông Tiếp, ông Tùng, ông Ân và bà Hằng đều thể hiện ở các thửa đất giáp con đường 2,8m (hiện tại là con đường bêtông 3m). Như vậy, lối đi chung hình thành do sự đóng góp đất của các anh em ông Tiếp nhưng được xác định là lối đi chung để các hộ gia đình đi ra đường Nguyễn Thị Minh Khai. Kể từ khi được cơ quan Nhà nướccó thẩm quyền cấp lại sổ đỏ năm 2007 đến nay, ông Tiếp cũng như những anh em khác của ông đều biết trên sổ đỏ của mình có thể hiện lối đi chung 3m nhưng không ai có ý kiến khiếu nại gì.

Thứ hai, theo các thông tin mà cơ quan có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án để phục vụ giải quyết tranh chấp giữa bà Huệ với ông Tiếp đều thể hiện lối đi đang tranh chấp là lối đi công cộng được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy do Nhà nước quản lý.

Thứ ba, sổ đỏ CK 009100 do Sở TNMT tỉnh Bình Dương cấp, cập nhật sang tên bà Lê Kim Huệ ngày 1-11-2018, xác định: Thửa đất tiếp giáp đường bêtông 3m. Việc cấp sổ đỏ được xác định là đúng theo trình tự, thủ tục. Đối chiếu với quy định của pháp luật (tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Dân sự), có cơ sở để xác định lối đi đang tranh chấp là thuộc sở hữu chung của cộng đồng nên việc bà Huệ yêu cầu được quyền sử dụng lối đi này là có cơ sở để chấp nhận.

Thứ tư, hiện nay thửa đất bà Huệ đang quản lý, sử dụng chỉ có duy nhất lối đi đang tranh chấp. Trong trường hợp bà Huệ không có quyền sử dụng lối đi chung thì cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế để công nhận cho bà Huệ sử dụng vì việc mở lối đi cho bà Huệ tại lối đi đang tranh chấp là thuận tiện, hợp lý nhất, không ảnh hưởng đến các bất động sản của các chủ sở hữu khác và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, do bà Huệ được hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng con đường mà phía gia đình ông Tiếp đã bỏ đất làm lối đi chung cũng như đầu tư để có được con đường như hiện nay nên cũng cần buộc bà Huệ phải có nghĩa vụ thanh toán giá trị công sức, tôn tạo, lối đi chung cho anh em ông Tiếp.

Viện trưởng VKSND TP. Thủ Dầu Một nhận định: việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đánh giá khách quan toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và không đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Từ đó, Viện trưởng VKSND TP. Thủ Dầu Một kháng nghị đối với Bản án số 40 do vi phạm về nội dung; đề nghị TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm, theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Trao đổi với PV Báo CATP, đại diện nguyên đơn phấn khởi: “Kháng nghị của VKSND TP. Thủ Dầu Một chắc chắn sẽ được TAND tỉnh Bình Dương xem xét trong phiên tòa phúc thẩm. Gia đình chúng tôi không phủ nhận việc anh em ông Tiếp đã chừa đất làm lối đi chung, đầu tư đường bêtông, làm đèn chiếu sáng... Chúng tôi rất thiện chí và mong muốn nhanh chóng giải quyết trên tinh thần cầu thị, chia sẻ, nên đồng ý hỗ trợ cho phía ông Tiếp số tiền 500 triệu đồng chi phí nâng cấp con đường, nhưng ông Tiếp không đồng ý. Nội dung này cũng thể hiện trong Bản án số 40...”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang