Hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt bị xà xẻo, băm nát: Ai chịu trách nhiệm?

Thứ Bảy, 26/01/2019 10:55  | Ngọc Hà

|

(CAO) Hàng loạt hành vi xâm lấn đất rừng trái phép, san ủi lấy mặt bằng, xây dựng các công trình kiên cố hóa, như: khách sạn mini, xây cầu bao lấn hồ nước, thậm chí, xây dựng cả phim trường... để thu hút khách du lịch, chủ nhân những công trình sai phạm này đều đang sở hữu những dự án nghỉ dưỡng cao cấp tại khu du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm, dường như đang thách thức chính quyền, dư luận, ngang nhiên hành động “vô pháp, vô thiên”.

Có hay không hành vi “bảo kê”, “bật đèn xanh” cho những đối tượng này để rồi hết lần này đến lần khác họ bất chấp sai phạm?

Thi nhau phá khu du lịch quốc gia

Hồ Tuyền Lâm là thắng cảnh được công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” năm 1998. Năm 2017, được Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia (KDLQG). Nơi đây có hồ nước ngọt tự nhiên trong xanh, rộng 320 ha, bao quanh là những cánh rừng thông đẹp mắt.

Nhiều năm trước, tỉnh Lâm Đồng mời gọi đầu tư, cấp phép cho nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các công trình, KDL nghỉ dưỡng cao cấp quanh khu vực ven hồ, thu hút du khách trong, ngoài nước tham quan, nghỉ dưỡng. Nhiều người khi đến KDLQG hồ Tuyền Lâm hiện nay không khỏi buồn lòng vì địa danh này đã mất đi vẻ thơ mộng vốn có.

Những "kỳ quan" không được cấp phép, xây dựng quanh hồ Tuyền Lâm
Hàng loạt công trình xây dựng trái phép trong KDLQG hồ Tuyền Lâm của công ty Lý Khương

Gần đây, KDL này liên tục bị xâm lấn bởi những công trình xây dựng trái phép, làm phá vỡ cảnh quan, để lại hình ảnh xấu về một địa danh du lịch nổi tiếng. Những cánh rừng, hồ nước bị thu hẹp, nhường chỗ cho những công trình bê tông hóa.

Nhiều công trình kiên cố xây dựng trái phép ngang nhiên xuất hiện, khi cơ quan chức năng phát hiện thì cơ bản đã hoàn thành phần lớn hạng mục, có thể đưa vào sử dụng.

Trước thực trạng vi phạm trật tự xây dựng tại KDLQG hồ Tuyền Lâm, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm các cá nhân, đơn vị sai phạm. Tuy nhiên, đến nay, nhiều công trình vẫn chưa được xử lý triệt để.

Nhiều doanh nghiệp, chủ dự án tại đây phớt lờ các quy định pháp luật, cố tình xây dựng thêm các công trình không phép, vi phạm khu vực bảo vệ I di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm, như: Công ty CP đầu tư Lý Khương, Công ty CP đầu tư Lan Anh Đà Lạt, Công ty TNHH Vườn Thương, Công ty TNHH Li Mi…

Tháng 11-2018, báo chí, dư luận bất bình trước sự xuất hiện một dãy nhà gỗ 19 căn (vách, sàn bằng gỗ, mái lợp bằng tấm nhựa tổng hợp) trên tổng diện tích 456m2, xây dựng trái phép, sát mép nước hồ Tuyền Lâm tại dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Hoàng Gia (công ty CP đầu tư Lý Khương làm chủ đầu tư).

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng sau đó đã tiến hành các thủ tục xử lý sai phạm, buộc tháo dỡ. Dư luận chưa kịp lắng xuống, mới đây, dự án Hoàng Gia tiếp tục lấn chiếm đất rừng, san ủi mặt bằng lấp đất xuống lòng hồ để triển khai nhiều hạng mục xây dựng ngoài khu vực được cấp phép đầu tư.

Trên khu vực tác động trái phép, đơn vị này xây dựng các mô hình “kỳ quan” thế giới khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và Ban quản lý (BQL) KDL hồ Tuyền Lâm đã yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn nguyên, trả lại hiện trạng trên diện tích 7.600m2 để không ảnh hưởng đến nguồn nước vào hồ Tuyền Lâm. Tuy nhiên đến nay, việc khắc phục vẫn chưa triệt để.

Tháng 8-2018, Công ty CP đầu tư Lan Anh Đà Lạt ngang nhiên xây dựng cầu và bờ kè kiên cố, dài 49m, ngăn đôi một eo nước của hồ nhằm chiếm một phần lòng hồ. Diện tích mặt nước hồ bị tác động khoảng 2.000m².

Hiện tại, công trình này mới chỉ phá dỡ phần nổi trên mặt nước, còn phần kè chìm sâu dưới mặt hồ chưa thể tháo dỡ. Điều đáng nói, khu vực xây dựng trái phép chỉ cách nhà điều hành BQL KDL hồ Tuyền Lâm vài trăm mét. Công ty này còn xây dựng một căn biệt thự với diện tích gần 132m² không có giấy phép. Nhà chờ dành cho du khách thì bị công ty Li Mi biến thành quán cà phê xâm lấn mặt hồ. Quyết định xử phạt, yêu cầu buộc tháo dỡ quán cà phê này ngày 30-6-2018, đến nay, gần hết tháng 1-2019, công ty này mới chịu thực hiện.

Ngoài ra, Công ty TNHH Trà Vườn Thương cũng có hàng loạt công trình xây dựng không phép quy mô trên tổng diện tích vi phạm hơn 553m2, nằm sát mặt hồ.

Tổ hợp xây trái phép lấn chiếm hồ của công ty Trà Vườn Thương

“Đua” với các “đại gia” phá hồ Tuyền Lâm còn có Công ty CP Nhật Nguyên, tự ý lấn chiếm đất, xây dựng trái phép phim trường Secret Garden trên 1ha đất, với hàng loạt cây cầu, 2 căn nhà tạm, nhà chòi, chuồng nuôi súc vật, bãi xe gần mặt hồ thuộc khu vực I (cần được bảo vệ nghiêm ngặt) của di tích thắng cảnh cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm. Thanh tra Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã yêu cầu công ty Nhật Nguyên tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm.

Hết “đại gia” đến cá nhân hộ dân thi nhau lấn chiếm đất hồ. Tháng 12-2018, BQL KDL hồ Tuyền Lâm phát hiện ông Nguyễn Hòa (ngụ phường 3, TP Đà Lạt) tự ý cho san ủi mặt bằng, trồng cây, láng nền ximăng trái phép trên diện tích hơn 300m2. Ngành chức năng nhanh chóng xử lý công trình trái phép này, buộc trồng cây xanh, cỏ trả lại hiện trạng.

Cần sớm xử lý nghiêm

Từ tháng 12-2018 đến nay, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã hai lần ra văn bản giao các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng trong phạm vi KDLQG hồ Tuyền Lâm, giao UBND TP Đà Lạt, BQL KDL hồ Tuyền Lâm tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, quản lý địa bàn để xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc sai phạm về trật tự thuộc phạm vi KDLQG hồ Tuyền Lâm thời gian qua; ngăn chặn các hành vi, vi phạm, không để xảy ra các vụ việc tương tự về sau.

Đối với Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu đơn vị này chỉ đạo Trung tâm quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng rà soát, xử lý triệt để sai phạm đối với các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng kinh doanh trong phạm vi KDLQG hồ Tuyền Lâm; kiểm tra việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục sai phạm của các công ty, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng kết quả thực hiện. Tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải xử lý triệt để những trường hợp vi phạm, không để bị ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của danh thắng hồ Tuyền Lâm.

Trước thực trạng việc KDLQG hồ Tuyền Lâm bị xâm hại nghiêm trọng như nêu trên, dư luận nghi vấn và đặt ra câu hỏi: Vì sao các công ty trên có thể ngang nhiên xây dựng hàng loạt công trình sai phép, xâm chiếm đất hồ Tuyền Lâm, xây dựng các công trình kiên cố cho đến mức hoàn thiện mới bị báo chí, ngành chức năng phát hiện.

BQL hồ Tuyền Lâm có văn phòng, trụ sở ngay tại KDL này, tại sao không phát hiện, ngăn chặn từ đầu? Liệu có ai đã bao che, làm ngơ cho những sai phạm này? Cần có hình thức xử lý nghiêm những cá nhân để xảy ra sai phạm.

Quán cà phê của công ty Li Mi “mọc” trái phép ngay nhà chờ của KDL hồ Tuyền Lâm, bị buộc tháo dỡ ngày 30-6-2018 nhưng đến ngày... 24-1-2019 công ty mới chịu thực hiện

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt hiện có 39 dự án đang được triển khai. Thời gian qua đã có 8 dự án xâm phạm phạm vi bảo vệ của hồ hoặc mặt nước và đã bị xử phạt số tiền gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan quản lý địa phương buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình vi phạm.

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Dân - Giám đốc BQL KDLQG hồ Tuyền Lâm, phân trần: “Là đơn vị được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lý các hoạt động trong KDL cùng một số đơn vị, sở ngành liên quan khác, để xảy ra những sai phạm này rõ ràng trách nhiệm trước tiên thuộc về BQL KDL. Chúng tôi cũng kịp thời phát hiện những sai phạm báo cáo các sở, ngành liên quan cùng vào cuộc xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vấp phải những khó khăn nhất định, như việc xử lý các công trình này rất mất thời gian vì liên quan đến nhiều đơn vị khác trong việc tiến hành lập hồ sơ, xử lý vi phạm. Lực lượng quản lý bảo vệ trong KDL mỏng, chỉ có 23 lao động, trong khi có đến 39 nhà đầu tư tại đây cùng việc phải quản lý toàn bộ các phần đất chưa được giao cho nhà đầu tư nên đã không bao quát hết...”. Lời phân trần này rất khó thuyết phục.

Liên quan đến sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của BQL KDL hồ Tuyền Lâm còn có trách nhiệm của chính quyền phường 4 - TP Đà Lạt, Trung tâm quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi Lâm Đồng (đơn vị quản lý mặt nước).

Họ đã không thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện không kịp thời, phối hợp không chặt chẽ với các đơn vị nên để xảy ra tình trạng các chủ đầu tư xây dựng không phép, xây dựng không đúng theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt của dự án. Không thể có chuyện những công trình xây dựng sờ sờ ra đó, diễn ra trong nhiều ngày mà họ không biết, để kịp thời ngă chặn.

.Phía Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và ngành liên quan, như Sở NN-PTNT, Sở VH-TT-DL cho biết, do các công trình, hạng mục không được phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ đầu nên gặp nhiều khó khăn, nhất là việc áp dụng các biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm dẫn đến việc xử lý vi phạm chậm, thiếu tính răn đe.

Văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phải xử lý triệt để các vi phạm ở KDLQG này. Tỉnh cũng yêu cầu UBND TP Đà Lạt và BQL KDLQG hồ Tuyền Lâm kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, quản lý địa bàn để xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc sai phạm xây dựng trái phép tại đây.

Bình luận (0)

Lên đầu trang